Doanh nghiệp hàng không: Chuyển mình sau cơn bão

Nhóm ngành hàng không có thể tiếp tục phục hồi nhờ nhu cầu du lịch và vận chuyển hàng hóa tăng. Việc tăng trần giá vé máy bay nội địa giúp các hãng hàng không bù đắp chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, triển vọng dài hạn còn được hỗ trợ bởi sân bay Long Thành...

tu-hom-nay-se-tang-gia-tran-ve-may-bay-noi-dia-65e163b1deb09-6174.jpg

Đi qua nửa hành trình của năm 2024, ngành hàng không đã ghi nhận nhiều kết quả khởi sắc, cho thấy sự phục hồi đáng kể từ sau đại dịch Covid-19. Các "ông lớn" trong ngành đua nhau báo lãi hàng nghìn tỷ đồng.

HAI "ÔNG LỚN" NGÀNH HÀNG KHÔNG BÁO LÃI HÀNG NGHÌN TỶ

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines – mã chứng khoán: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 với doanh thu thuần đạt 24.630 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp được cải thiện đáng kể, tăng từ 5% lên 11%.

Doanh thu của Vietnam Airlines tăng mạnh trong bối cảnh giá vé tăng cao do các hãng thiếu hụt tàu bay. Bên cạnh đó, hoạt động khai thác đường bay tại các thị trường quốc tế cũng hồi phục tích cực, quay về gần như trước dịch Covid-19.

Kỳ này, khoản chi phí lớn nhất của Vietnam Airlines là chi phí tài chính tăng 94% lên 1.429 tỷ đồng, chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá (740 tỷ đồng).

Tuy nhiên trong kỳ này, Vietnam Airlines ghi nhận khoản lợi nhuận khác gần 904 tỷ đồng. Khoản mục này của công ty có nhờ việc được xóa nợ. Kết quả, hãng hàng không quốc gia báo lãi sau thuế 1.035 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 1.349 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 934 tỷ đồng, đánh dấu sự chuyển mình từ khoản lỗ 1.415 tỷ đồng trong quý 2 năm ngoái.

Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu thuần Vietnam Airlines đạt 52.594 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế mang về 5.476 tỷ đồng, do nửa đầu năm ngoái lỗ 1.386 tỷ đồng.

So với mục tiêu doanh thu hợp nhất 105.946 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 4.233 tỷ đồng, hãng bay đã vượt 29% kế hoạch lợi nhuận năm 2024 chỉ sau hai quý.

Dù có kết quả kinh doanh khả quan nhưng tính tới 30/6/2024, Vietnam Airlines vẫn còn lỗ luỹ kế 35.812 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu âm 11.533 tỷ đồng.

Một trong những mục tiêu lớn của Vietnam Airlines là đến năm 2025, tổng công ty có thể xóa bỏ được tình trạng âm vốn chủ sở hữu và đưa bức tranh tài chính lành mạnh như trước dịch Covid-19.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) tổ chức vào ngày 16/07, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Vietnam Airlines, cho biết sau hơn 3 năm đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh đã tích cực hơn trước. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn thừa nhận rằng hãng vẫn phải đối mặt với không ít thách thức.

Cụ thể, giá nhiên liệu tăng cao trong 6 tháng đầu năm đã khiến chi phí của hãng tăng thêm hàng nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỷ giá từ đầu năm đến nay đã tăng 4.8%, tạo thêm áp lực cho hoạt động kinh doanh.

Một vấn đề khác mà Vietnam Airlines đang phải đối mặt là tình trạng thiếu máy bay. Hiện các hãng bay Việt Nam chỉ còn hơn 160 tàu bay hoạt động. Tuy nhiên, dù số lượng máy bay giảm, Vietnam Airlines vẫn tăng giờ bay so với năm ngoái để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Nhìn về 6 tháng cuối năm, ông Hòa dự báo thị trường còn nhiều biến động khó lường. Đặc biệt, ông nhấn mạnh đến áp lực cạnh tranh gay gắt khi phải đối đầu với 120 hãng hàng không quốc tế bay tới Việt Nam. Điều này đòi hỏi hãng phải liên tục nâng cấp dịch vụ, chất lượng và đảm bảo an toàn.

Trước đó, một hãng hàng không khác là Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (mã chứng khoán: VJC) đã công bố kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm. Cụ thể, doanh thu vận tải hàng không của hãng đạt 32.893 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.174 tỷ đồng, tăng 690%.

Về kết quả kinh doanh hợp nhất, Vietjet đạt 34.016 tỷ doanh thu và 1.311 tỷ lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng lần lượt 15% và 433% so với cùng kỳ, vượt 21% so với kế hoạch năm.

Riêng quý 2/2024, công ty ghi nhận doanh thu vận tải hàng không đạt 15.128 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 517 tỷ đồng, tăng lần lượt 23% và 683% so với quý 2/2023.

Với kết quả trên, Vietjet đã đóng góp các khoản thuế, phí trực tiếp và gián tiếp cho ngân sách trong sáu tháng đầu năm 2024 là 3.687 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Vietjet đạt hơn 91.755 tỷ đồng. Chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 2 lần so với mức thông thường trên thế giới tới 5 lần. Số dư tiền và tương đương tiền tại thời điểm cuối quý 2 đạt hơn 4.100 tỷ đồng.

Theo thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, tổng lượng khách nội địa ước đạt 37 triệu lượt khách. Trong đó, hai "ông lớn" hàng không là Vietjet Air và Vietnam Airlines chiếm lần lượt 44% và 42% thị phần.

Các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển gần 9 triệu khách quốc tế trong nửa đầu năm 2024, tăng 28% so với cùng kỳ. Trong đó, thị phần của Vietnam Airlines và Vietjet Air lần lượt là 17,8% và 24,5%.

ACV LÃI KỶ LỤC HƠN 3.200 TỶ ĐỒNG

Cũng trong quý 2 vừa qua, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã chứng khoán: ACV) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 5.535 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu tăng trong khi giá vốn giảm nhẹ giúp ACV lãi gộp gần 3.460 tỷ đồng với biên lãi gộp 62,5%.

Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp đã giảm mạnh 60% từ 604 tỷ đồng xuống còn 243 tỷ đồng, chủ yếu do công ty giảm trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi từ các hãng hàng không theo quy định. Còn chi phí tài chính của công ty ghi nhận tăng 15% và chi phí bán hàng cũng tăng nhẹ khoảng 3%.

Sau khi trừ thuế và các chi phí, tổng công ty này thu về 3.228 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 234% so với cùng kỳ năm ngoái, và là mức lợi nhuận hàng quý cao nhất từ trước đến nay. Giải trình, doanh nghiệp cho biết doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng chủ yếu do thị trường hàng không quốc tế được phục hồi.

Lũy kế 6 tháng năm nay, doanh thu thuần tăng 16% lên gần 11.200 tỷ đồng. Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế tăng 45% lên 6.148 tỷ đồng.

Kết thúc quý 2/2024, tổng tài sản của công ty đạt 69.803 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,6% so với đầu năm. Trong đó, phần lớn tài sản là tài sản ngắn hạn 41.651 tỷ đồng. Sau 6 tháng, vốn chủ sở hữu tăng 9% lên 55.104 tỷ đồng nhờ khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng mạnh từ 22.542 tỷ lên 27.237 tỷ đồng.

Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả đạt 14.698 tỷ đồng với nợ ngắn hạn 5.080 tỷ đồng, giảm 24% so với đầu năm. Nợ dài hạn cũng giảm nhẹ 6% về 9.617 tỷ đồng. Ngoài ra, tính đến ngày 30/6, nợ xấu tăng mạnh 45% so với đầu năm lên 8.256 tỷ đồng. Công ty cũng đã nới khoản trích lập dự phòng lên hơn 3.900 tỷ đồng.

Năm nay, ACV đặt kế hoạch kỷ lục với doanh thu thuần hơn 20.000 tỷ đồng và lãi trước thuế gần 9.400 tỷ đồng, tăng tương ứng 2% và 6% so với thực hiện năm 2023. Như vậy sau nửa năm kinh doanh, công ty chuyên khai thác cảng hàng không đã hoàn thành 56% chỉ tiêu doanh thu và 81% mục tiêu lợi nhuận.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán SSI đánh giá sự phục hồi số lượng hành khách quốc tế tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho năm 2024 và 2025 của ACV. Ước tính năm 2024, doanh thu ACV có thể đạt 23.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 14.500 tỷ đồng, dễ dàng vượt qua kế hoạch cao kỷ lục đề ra trước đó.

Sang năm 2025, tình hình tiếp tục khả quan với doanh thu 27.500 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế 17.600 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ.

Nếu đúng kịch bản này, ACV sẽ liên tiếp phá đỉnh lợi nhuận trong 2 năm tới.

Dù vậy, SSI Research vẫn đưa ra lưu ý về dự án sân bay Long Thành, dự án có khả năng sẽ đi vào hoạt động từ năm 2027. Với vốn đầu tư 100.000 tỷ đồng và thời gian khấu hao 20 năm, ACV sẽ phải ghi nhận thêm 5.000 tỷ đồng/năm chi phí khấu hao vào năm 2027, SSI nhận định điều này sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của ACV trong năm này.

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo, doanh thu toàn ngành hàng không sẽ nằm ở mức xấp xỉ 1.000 tỷ USD, nhờ lượng khách du lịch bằng đường không tăng cao kỷ lục. Lợi nhuận ròng của ngành hàng không dự báo sẽ đạt 30,5 tỷ USD trong năm 2024. IATA dự đoán sẽ có 4,7 tỷ lượt người đi du lịch vào năm 2024, vượt mức 4,5 tỷ lượt người được ghi nhận vào năm 2019.

Trong báo cáo triển vọng ngành mới công bố, nhóm chuyên gia VPS đưa ra dự báo, nhóm ngành hàng không vẫn có thể tiếp tục phục hồi nhờ nhu cầu du lịch và vận chuyển hàng hóa tiếp tục tăng. Việc tăng trần giá vé máy bay nội địa giúp các hãng hàng không bù đắp chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, triển vọng dài hạn còn được hỗ trợ bởi sân bay Long Thành với công suất 100 triệu khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, giúp giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Nhận định về giá cổ phiếu nhóm ngành hàng không, chuyên gia VPS đánh giá thời gian vừa qua, nhóm cổ phiếu này đã tăng khá mạnh. Tính riêng từ năm 2024, cổ phiếu ACV đã tăng từ vùng giá 65.000 đồng/cổ phiếu lên tới 125.000 đồng sau 6 tháng đầu năm. HVN chứng kiến mức tăng trên 170% khi tăng từ vùng giá 13.000 đồng lên tới 35.000 đồng/cổ phiếu. Mặc dù triển vọng nhóm hàng không vẫn tích cực, nhà đầu tư cũng nên lưu ý đến biến động giá cổ phiếu đã tăng khá mạnh từ đầu năm.

Xem thêm

Giải ngân với những cổ phiếu dự báo có có kết quả kinh doanh quý 2 tăng trưởng tốt

Giải ngân với những cổ phiếu dự báo có có kết quả kinh doanh quý 2 tăng trưởng tốt

Theo khuyến nghị của công ty chứng khoán, nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỷ trọng hợp lý. Nhà đầu tư trung - dài hạn nắm giữ danh mục hiện tại, các vị thế xem xét gia tăng tỷ trọng mới, đánh giá cẩn trọng dựa trên kết quả kinh doanh quý 2 và triển vọng cuối năm của các doanh nghiệp đầu ngành...

Các "ông lớn" bán lẻ đua báo lãi khủng

Các "ông lớn" bán lẻ đua báo lãi khủng

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ - tiêu dùng đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 cho thấy, đa phần các doanh nghiệp đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực cả về doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ…

Tổng công ty Bảo hiểm PVI thua kiện, chây ì thanh toán tiền bồi thường

Tổng công ty Bảo hiểm PVI thua kiện, chây ì thanh toán tiền bồi thường

Mặc dù cả bản sơ thẩm và phúc thẩm đều khẳng định Tổng công ty Bảo hiểm PVI (PVI Insurance) có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm cho Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM với tổng số tiền là hơn 2,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay đơn vị này vẫn chây ì, chưa thanh toán bất kỳ đồng nào…

Phục hồi mạnh mẽ, ngành thép sẵn sàng đón sóng tăng

Phục hồi mạnh mẽ, ngành thép sẵn sàng đón sóng tăng

Sau thời gian gặp khó khăn, ngành thép đang phục hồi mạnh mẽ bởi sự khởi sắc của thị trường bất động sản và đầu tư cơ sở hạ tầng, mở ra triển vọng tăng trưởng đầy hứa hẹn trong các quý còn lại của năm 2024…

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...