Doanh nghiệp kêu lỗ, Hà Nội sắp tăng giá nước sạch

Theo kế hoạch của Sở Tài chính Hà Nội, với mức giá nước sạch mới, 1 hộ gia đình tiêu thụ 10m3/tháng sẽ tăng khoảng 15.270 đồng. Các nhóm khách hàng khác có hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ thì tăng khoảng 20%.

Sở Tài chính đã chủ trì xây dựng điều chỉnh giá nước sạch trong 2 năm 2023 - 2024, áp dụng cho hộ gia đình, đơn vị cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp.

Đại diện Sở Tài chính khẳng định, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành bám sát quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư 44, để triển khai lộ trình tăng giá.

Theo tính toán của Sở Tài chính và các ban ngành liên quan, việc tăng giá trên chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng chi phí của các doanh nghiệp, các đơn vị. Lộ trình tăng giá nước sạch này dự kiến cũng làm CPI sẽ tăng khoảng 0,17%, không có tác động lớn đến giá của các hàng hóa, dịch vụ có liên quan.

Hiện nay, hệ thống sản xuất và phân bố nước sạch trên địa bàn thành phố được đầu tư bằng nhiều nguồn, trong đó có ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Hà Nội đã dần chuyển khai thác nguồn nước từ nguồn nước ngầm sang nguồn nước mặt, qua đó từng bước đảm bảo nguồn cung và chất lượng nước sạch.

Giá nước sạch
Biểu giá nước sạch hiện hành

Hiện Hà Nội có 6 công ty cung cấp nước sạch gồm Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty cổ phần Đầu tư Nước sạch sông Đà (Viwasupco), Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông, Công ty cổ phần Cấp nước Sơn Tây, Nhà máy Nước mặt sông Đuống và Nhà máy nước Hà Nam và một số nhà máy nước sạch cục bộ như Nhà máy nước Ba Vì, Trạm cấp nước Văn Điển...

Các công ty nước sạch ở Hà Nội hiện đang cung cấp nước cho khoảng 1,2 triệu khách hàng, hơn 5,3 triệu người dân. Tổng nhu cầu sử dụng nước của số khách hàng này khoảng 1,1 - 1,2 triệu m3/ngđ. Tổng công suất các nhà máy cấp nước trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện tại là 1,4 triệu m3/ngđ.

Theo kế hoạch đề ra, Hà Nội dự tính điều chỉnh giá nước sạch 3 năm một lần. Tuy nhiên, hiện nay giá nước sạch sinh hoạt ở Hà Nội đang áp dụng theo Quyết định 38 ngày 19/9/2013.

Hiện tại, theo phản ánh từ các công ty cấp nước, giá các dịch vụ đầu vào như nhân công, chi phí vận hành đều đã tăng so với năm 2013, do đó doanh nghiệp đều có đề xuất tăng giá nước sạch.

giá nước sạch
Từ cuối năm 2022, Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống đã thông báo lộ trình tăng giá

Cuối năm 2022, Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống thông báo lộ trình điều chỉnh giá bán buôn nước sạch tăng từ 5.059 đồng/m3 lên mức 8.326 đồng/m3 vào năm 2023. Lộ trình tiếp tục tăng lên 9.100 đồng/m3 năm 2024.

Việc Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống tăng giá đã kéo theo các công ty khác phải tăng giá để bù lỗ. 

Đại diện Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội cho biết, giá bán nước cho hộ gia đình sử dụng dưới 10m3 là 5.973 đồng/m3 đồng/m3. Nếu áp theo giá mới, doanh nghiệp bán nước mua từ Nhà máy nước mặt sông Đuống cho người dân sẽ bị lỗ.

Đại diện Công ty Cổ phần Viwaco (đơn vị cấp nước cho toàn bộ quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, một số xã huyện Thanh Trì) cho biết, với giá bán buôn nước sạch từ sông Đuống lên mức 8.326 đồng/m3, công ty lỗ khoảng 1.200 đồng/m3 chưa tính thuế VAT, thất thoát nước trong quá trình cấp phối. 

Thực tế, Hà Nội đã xây dựng phương án điều chỉnh giá nước sạch từ năm 2019 theo lộ trình 3 năm 2020 - 2022 với giá nước tăng lần lượt là 7.466 đồng/m3; 8.960 đồng/m3 và 9.963 đồng/m3 cho 10 m3 đầu tiên. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 và Chính phủ chỉ đạo chưa điều chỉnh giá một số mặt hàng đầu vào của các ngành sản xuất nên thành phố chưa xem xét phương án trên.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm