Doanh nghiệp kiến nghị gì để gỡ khó cho bất động sản?

Một loạt doanh nghiệp có “tên tuổi lớn” đề xuất nhiều ý kiến để gỡ vướng, khơi thông thị trường bất động sản…

dsc-7590-3308.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị

Chiều 3/8, tại Văn phòng Chính phủ đã diễn ra Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.

VẪN LÀ LUẬT VÀ LÃI

Đánh giá về Nghị quyết 33, tại hội nghị trực tuyến, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Corp cho rằng, Nghị quyết đã đi vào thực tế, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề cần đẩy mạnh giải quyết để thúc đẩy thị trường nhanh chóng.

Hiện nay, quy trình thủ tục để có được giấy phép xây dựng chưa đảm bảo vì nhiều nguyên nhân khách quan chủ quan. Tình trạng pháp lý khó khăn và quy định về tiếp cận vốn sẽ khiến công tác tiếp cận vốn vay ngân hàng để thực hiện dự án của doanh nghiệp rất chật vật.

Do vậy, Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Corp đề xuất, trong ngắn hạn ngân hàng cần điều chỉnh điều kiện cho vay linh hoạt theo từng giai đoạn như dự án có chấp thuận chủ trương đầu tư thì có thể được phép tiếp cận vốn vay. Những vấn đề này giúp doanh nghiệp, ngân hàng, người tiêu dùng luân chuyển dòng tiền, tạo thanh khoản... tạo ra công ăn việc làm, tăng chi tiêu của người dân.

Cùng với đó, vấn đề phát triển nhà ở xã hội, luật pháp cần phải cho phép người mua nhà ở xã hội được phép chuyển nhượng bất động sản của mình tự do. Trường hợp này có thể quy định bên nhận chuyển nhượng lại phải nộp thêm khoản tiền tương ứng phần giá trị tiền sử dụng đất, nhưng người sử dụng tài sản có thể trong hoàn cảnh khó khăn họ bán được bất động sản để lo cho gia đình mình,Nhà nước có thể thu ngay được tiền mà do họ chuyển nhượng tương đương giá trị sử dụng đất.

hung-thinh-16910533263131143282326.jpg
Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Corp

Ngoài ra, góp ý về Luật Đất đai (sửa đổi), đại diện Hưng Thị Corp cho rằng, hiện các dự án bất động sản đang tính tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư, đây là phương án tốt nhất cho đến hiện nay. Trong đó việc áp dụng chỉ số CPI trong tính tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư là hợp lý.

Tuy nhiên nhiều địa phương không áp dụng chỉ số CPI của địa phương mà áp dụng theo CPI quốc gia. Quan điểm của nhiều chuyên gia cần áp dụng CPI của địa phương nhằm phản ánh đúng tăng trưởng và tình trạng kinh tế của địa phương, tránh tình trạng giá bất động sản ở một số nơi cao.

Đồng thời, doanh nghiệp này cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng nên tính tới giải pháp sử dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) như nhiều chuyên gia và HoREA đã kiến nghị.

"Với phương pháp này, doanh nghiệp có thể tính toán được tiền sử dụng đất mình phải đóng trước khi quyết định đầu tư và hợp tác đầu tư. Nhà nước không khó khăn trong việc định giá đất", ông Trung bày tỏ.

NGHỊ QUYẾT 33 LÀ NGUỒN OXY QUÝ BÁU, ĐÚNG THỜI ĐIỂM

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland) Bùi Thành Nhơn khẳng định, Nghị quyết 33 là một quyết sách chiến lược, kịp thời, thể hiện sự điều hành sáng suốt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một Chính phủ năng động vì dân.

Cho đến nay, các dự án của Novaland căn bản đã có hướng giải quyết cụ thể và đang trong tiến trình tháo gỡ. Các dự án tại Bà Rịa Vũng Tàu hầu hết đã được Lãnh đạo tỉnh phê duyệt giải quyết. Các dự án tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình thuận đã được Tổ Công tác và các bộ ban ngành tận tình hướng dẫn và địa phương đang tập trung tháo gỡ.

novaland-16910533268081200396612.jpg
Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn địa ốc Nova

Nhằm góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045, một thị trường bất động sản phát triển tốt, Tập đoàn Novaland đã đề xuất một số giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tháo gỡ triệt để các vướng mắc về pháp lý cho toàn bộ các dự án trên cả nước trong thời gian nhất định ngắn nhất trên nền tảng pháp luật nhất quán thông suốt từ Địa phương - Chính phủ - Quốc hội.

Thứ hai, làm rõ hơn kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để cán bộ địa phương có cơ sở pháp lý rõ ràng, nhằm an tâm quyết liệt hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sáng tạo đột phá góp phần cho một nước Việt Nam phát triển.

Thứ ba, tăng cường xây dựng bảo đảm pháp lý cho kinh tế tư nhân yên tâm phát triển. Không hình sự hoá kinh tế trên cơ sở ban hành các văn bản pháp lý. Bảo vệ quyền tài sản của doanh nghiệp tư nhân và quyền lợi ích của doanh nhân theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, tăng cường hỗ trợ chính sách để kinh tế tư nhân phát triển bền vững nhằm nâng cao tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế. Không phân biệt doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước. Nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp Việt vươn tầm quốc tế.

Thứ năm, có chính sách khuyến khích hỗ trợ, đặc biệt cho các doanh nghiệp phải trực tiếp làm hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội tại các dự án ở những vùng khó khăn, các doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao, đô thị xanh giúp giảm phát thải, giúp phát triển địa phương tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân; góp phần vào an sinh xã hội.

Còn Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu GP.Invest , ông Nguyễn Quốc Hiệp kiến nghị Tổ công tác của Thủ tướng yêu cầu các tỉnh thống kê báo cáo 3 tháng/lần các dự án còn tồn đọng vướng mắc không giải quyết được trong thời hạn quá 5 năm và đề xuất cách xử lý.

Các luật liên quan đến thị trường bất động sản dự kiến được Quốc hội thông qua vào tháng 10/2023 và có hiệu lực từ năm 2024, sẽ có hàng loạt dự án đang triển khai thủ tục đầu tư từ 2022 và 2023 sẽ chịu tác động của những thay đổi về pháp lý. Vì vậy, cần quan tâm đến vấn đề chuyển tiếp các dự án giữa luật cũ và luật mới.

gp-invest-16910533256661464124606.jpg
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu GP.Invest

Đối với vấn đề cải tạo chung cư cũ và nhà ở xã hội, ông Hiệp, kiến nghị tiếp tục hướng dẫn cụ thể đồng bộ hơn theo hướng tập trung vào một đầu mối thống nhất ở các thành phố, ví dụ như Sở Xây dựng, để triển khai một số dự án rồi nhân rộng. Về nhà ở xã hội, cần rà soát lại quy chế cho người mua nhà và chủ đầu tư trong các quy định pháp lý hiện hành để tránh cách hiểu không rõ ràng về câu chữ.

Đặc biệt, trong Nghị quyết 33 có giao Bộ Xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại ở khu đô thị. Vị chủ tịch rất mong Nghị định này sớm được ban hành để chuẩn hóa các bước và đơn giản hóa thủ tục cho các doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở thương mại khu đô thị.

BẤT ĐỘNG SẢN DU LỊCH ĐƯỢC HƯỞNG LỢI

Là một doanh nghiệp tập trung kinh doanh về bất động sản du lịch, Chủ tịch HĐQT Sun Group Đặng Minh Trường đánh giá cao Nghị định số 10/2023/NĐ-CP và số 35/2023/NĐ-CP. Nghị định số 10 đã tháo gỡ được rất nhiều pháp lý liên quan đến các công trình xây dựng gắn với đất sử dụng vào mục đích thương mại, cụ thể ở đây là các condotel, biệt thự nghỉ dưỡng.

Nghị định số 35 bổ sung một số điều thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng đã tăng cường phân cấp thẩm quyền cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thẩm định báo cáo khả thi, quyền thẩm định thiết kế xây dựng… Do đó rút ngắn rất nhiều các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng.

Đại diện Sun Group nhận định, có 2 chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có tác động rất tích cực. Đầu tiên, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam mới được thông qua, ngày 15/8 mới có hiệu lực.

"Công tác truyền thông, rất nhiều đối tác, cơ sở lưu trú đã dự đoán tăng trưởng của du lịch trong 5 tháng cuối năm rất cao, bởi 7 tháng đầu năm Việt Nam đón khoảng 6,6 triệu lượt khách quốc tế, khoảng 83% kế hoạch 8 triệu lượt khách", ông Trường cho biết.

Tích cực còn lại là việc khởi công, khánh thành một loạt hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các vùng du lịch. Điều này tạo lực đẩy, thúc đẩy phát triển bất động sản, các ngành dịch vụ, thương mại.

Để thị trường bất động sản nói chung, bất động sản du lịch nói riêng được phục hồi và bứt phá, ông Đặng Minh Trường kiến nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và mở rộng danh sách được miễn thị thực cho các thị trường như châu Âu, Ấn Độ. Còn Bộ Giao thông vận tải thúc đẩy, tăng cường cấp thêm các slot chuyến bay quốc tế để đưa khách thị trường trọng điểm về Việt Nam.

sun-group-16910533268271651718100.jpg

Ngoài ra, Quốc hội phân cấp thẩm quyền đối với các lĩnh vực, thí điểm ở một số địa phương về chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng trong lĩnh vực xây dựng, phân cấp thẩm quyền về thiết kế cơ sở, điều chỉnh quy hoạch cục bộ… và tiếp tục thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, cấp phép đối với lĩnh vực bất động sản.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

2025 sẽ đầy thử thách với kinh tế và chứng trường Việt Nam

2025 sẽ đầy thử thách với kinh tế và chứng trường Việt Nam

Nửa đầu năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam dự báo sẽ đối mặt với nhiều biến động do tăng trưởng GDP có thể chậm lại và đồng VND chịu áp lực. Tuy nhiên, triển vọng tích cực hơn được kỳ vọng vào cuối năm khi các yếu tố này có thể đảo chiều, mở ra cơ hội phục hồi...

Chứng khoán Mỹ phục hồi sau dữ liệu lạm phát

Chứng khoán Mỹ phục hồi sau dữ liệu lạm phát

Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm vào thứ Sáu khi báo cáo lạm phát mới và bình luận từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã làm dịu bớt lo ngại về tình hình tăng lãi suất vào năm sau…