Đối mặt án hủy niêm yết bắt buộc, “sức khỏe” tài chính Nhựa Đông Á ra sao?

Cổ phiếu DAG của Nhựa Đông Á đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết do kể từ thời điểm bị đình chỉ giao dịch đến nay, các vi phạm công bố thông tin của Nhựa Đông Á chưa được khắc phục, có khả năng tiếp tục xảy ra và kéo dài...

Đối mặt án hủy niêm yết bắt buộc, “sức khỏe” tài chính Nhựa Đông Á ra sao?

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã ra thông báo xem xét hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu DAG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á.

Nguyên nhân chính là do kể từ thời điểm bị đình chỉ giao dịch đến nay, các vi phạm công bố thông tin của Nhựa Đông Á chưa được khắc phục, có khả năng tiếp tục xảy ra và kéo dài, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông.

Cổ phiếu DAG đã nằm trong diện cảnh báo từ ngày 14/9/2023 do Nhựa Đông Á chậm nộp Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023 quá 15 ngày so với quy định.

Tình trạng vi phạm tiếp tục khi DAG bị đưa vào diện kiểm soát vào ngày 2/11/2023 do không tuân thủ các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Đến ngày 8/8/2024, cổ phiếu này lại bị cảnh báo thêm lần nữa vì Báo cáo tài chính năm 2023 có ý kiến kiểm toán ngoại trừ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm 2023 âm 558 tỷ đồng.

HOSE quyết định đình chỉ giao dịch cổ phiếu DAG vì công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin, mặc dù đã từng bị hạn chế giao dịch trước đó. Nhựa Đông Á giải thích rằng năm 2023 là giai đoạn khó khăn đối với ngành nhựa, với việc kinh doanh bị đình trệ, sản phẩm không bán được, và áp lực cạnh tranh từ Trung Quốc. Tỷ lệ trích lập dự phòng hàng tồn kho tăng cao, cùng với biến động về nhân sự trong bộ phận kế toán khiến việc công bố báo cáo tài chính bị chậm trễ.

“Các lần chậm công bố thông tin, công ty đều có văn bản xin chậm công bố thông tin, giải trình theo yêu cầu của HOSE và thực hiện công bố thông tin ngay sau khi hoàn thành”, Nhựa Đông Á cho biết.

Tới ngày 4/10/2024, cổ phiếu DAG bị đưa vào diện kiểm soát vì chậm nộp Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024 quá 30 ngày so với quy định.

Tính đến ngày 9/10/2024, Nhựa Đông Á vẫn chưa thực hiện công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024, tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin, làm gia tăng áp lực lên quyết định hủy niêm yết cổ phiếu DAG.

anh-chup-man-hinh-2024-10-12-luc-192511-3354.png

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DAG chốt phiên ngày 11/10 ở mức 4.180 đồng/cổ phiếu, chỉ tương đương với giá trị của một mớ rau. Sự trượt dốc của cổ phiếu bắt đầu từ tháng 4/2022 khi DAG mất mốc 10.000 đồng/cổ phiếu và liên tục thiết lập những mức đáy mới.

Cùng với sự suy giảm mạnh mẽ của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, tình hình kinh doanh của Nhựa Đông Á cũng gặp khó khăn nghiêm trọng. Trong giai đoạn 2020-2022, dù doanh nghiệp đạt doanh thu khá ổn định, dao động từ 1.700 tỷ đồng đến hơn 2.200 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lại chỉ đạt vài tỷ đồng, cho thấy khả năng sinh lời yếu kém.

Tình hình trở nên tồi tệ hơn vào năm 2023 khi Nhựa Đông Á báo lỗ sau thuế lên tới hơn 600 tỷ đồng. Nguyên nhân chính được xác định là do hoạt động kinh doanh dưới giá vốn, cộng với gánh nặng chi phí ngày càng lớn. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh ghi nhận âm 15 tỷ đồng, đặt doanh nghiệp vào tình thế tài chính đáng lo ngại.

Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 còn chỉ ra rằng một số khoản vay ngân hàng của công ty đã quá hạn thanh toán, với tổng số tiền lên tới hơn 347 tỷ đồng, và chưa được gia hạn. Ngoài ra, có khoảng 96 tỷ đồng trong các khoản vay đã được gia hạn trước đó. Tại thời điểm công bố báo cáo, Nhựa Đông Á đang phải đối mặt với nhiều vụ kiện từ các ngân hàng, liên quan đến việc thanh toán gốc và lãi các khoản vay cũng như nợ thuê tài chính, đẩy công ty vào tình trạng pháp lý phức tạp và áp lực tài chính ngày càng lớn.

Bước sang năm 2024, tình hình kinh doanh của Nhựa Đông Á vẫn tiếp tục lao dốc khi ghi nhận khoản lỗ hơn 66 tỷ đồng chỉ trong 6 tháng đầu năm. Điều đáng lo ngại là doanh thu của doanh nghiệp cũng giảm mạnh, chỉ đạt 55 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước con số này lên tới hơn 959 tỷ đồng.

Tính đến giữa năm 2024, Nhựa Đông Á vẫn đang phải đối mặt với gánh nặng nợ vay lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó bao gồm 733 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 412 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Trong khi đó, quỹ tiền mặt của doanh nghiệp gần như cạn kiệt, chỉ còn lại hơn 843 triệu đồng. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tiếp tục âm, ghi nhận mức lỗ 361 triệu đồng.

Ban lãnh đạo công ty lý giải sự sụt giảm nghiêm trọng này chủ yếu do bối cảnh kinh tế năm 2024 gặp nhiều khó khăn, thị trường sản phẩm nhựa thu hẹp đáng kể, đồng thời phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm từ Trung Quốc. Ngoài ra, việc bị cưỡng chế hóa đơn do nợ thuế quá hạn càng khiến hoạt động kinh doanh trở nên bế tắc.

Nhựa Đông Á cho biết họ đang tiến hành tái cấu trúc toàn diện, cắt giảm tối đa các chi phí để nâng cao hiệu quả và phù hợp hơn với mô hình kinh doanh mới mà công ty đang hướng đến trong tương lai.

Xem thêm

Những “ông lớn” dẫn đầu vốn hóa trên sàn chứng khoán Việt Nam

Những “ông lớn” dẫn đầu vốn hóa trên sàn chứng khoán Việt Nam

6 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Việt bao gồm những cái tên đình đám: Vietcombank, BIDV, ACV, FPT, VietinBank và Vinhomes. Những "ông lớn" này không chỉ chiếm lĩnh thị trường bằng quy mô vốn hóa khổng lồ mà còn vượt trội trong kết quả kinh doanh và tiềm năng phát triển dài hạn...

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...