Khoảng 5 năm trước, danh sách các doanh nghiệp giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam luôn thể hiện sự cân bằng giữa hai nhóm lớn: bất động sản và ngân hàng. Thế nhưng, khi thị trường bất động sản gặp khó khăn và cổ phiếu lao dốc, ngân hàng đã vươn lên dẫn đầu cuộc chơi.
Ba ngân hàng thuộc nhóm Big 4 là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - mã chứng khoán VCB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - mã chứng khoán BID) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank - mã chứng khoán CTG) đang trong top 6 doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Theo dữ liệu giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), mã VCB của Vietcombank đang là cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong phiên giao dịch ngày 10/10, cổ phiếu VCB kết phiên tại mức 91.900 đồng/cổ phiếu và hiện đang duy trì "ngôi vương" với vốn hóa thị trường lên đến 513.637 tỷ đồng.
Tính từ đầu năm đến nay, thị giá của VCB đã tăng 15%, trong đó giá đóng cửa cao nhất là 97.400 đồng/cổ phiếu (ngày 28/2) và giá đóng cửa thấp nhất là 83.500 đồng/cổ phiếu (ngày 2/1).
Bên cạnh Vietcombank, "ông lớn" ngành ngân hàng là BIDV đang có mức vốn hóa lớn thứ hai trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính đến phiên giao dịch ngày 10/10, cổ phiếu BID đóng cửa ở mức 49.750 đồng/cổ phiếu.
Từ đầu năm đến nay, thị giá của BID đã tăng 14%, trong đó giá đóng cửa cao nhất là 54.400 đồng/cổ phiếu (ngày 5/3) và giá đóng cửa thấp nhất là 43.000 đồng/cổ phiếu (ngày 2/1). Điều này đã giúp BIDV gia tăng vốn hóa thị trường lên mức 283.600 tỷ đồng.
Một ngân hàng Big4 khác lọt top những doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán là VietinBank. Cổ phiếu CTG chốt phiên ngày 10/10 ở mức 36.150 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 34% so với hồi đầu năm. Đà tăng mạnh mẽ của CTG đã giúp vốn hóa của VietinBank đạt tổng cộng 194.125 tỷ đồng, đưa VietinBank lên vị trí thứ 5 trong danh sách.
Ba doanh nghiệp còn lại trong top 6 gồm Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (mã chứng khoán: ACV), Công ty Cổ phần FPT (mã chứng khoán: FPT), và Công ty Cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán: VHM). Trong đó, ACV thuộc ngành hạ tầng hàng không, FPT là "ông lớn" công nghệ, và Vinhomes vẫn giữ vững vị thế trong lĩnh vực bất động sản.
Về phía ACV, cổ phiếu này đóng cửa phiên ngày 10/10 đạt mức 108.000 đồng/cổ phiếu, kéo theo vốn hóa trên thị trường rơi vào khoảng 235.100 tỷ đồng và xếp ở vị trí thứ 3. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ACV đã tăng trưởng 69%.
“Chất xúc tác” khiến cổ phiếu của “gã khổng lồ” ngành hàng không này tăng mạnh đến từ kết quả kinh doanh tích cực. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của ACV tăng 16% lên 11.178 tỷ đồng. Lợi nhuận trước và sau thuế nhờ đó tăng hơn 45% so với cùng kỳ, lần lượt đạt 7.627 tỷ đồng và 6.148 tỷ đồng.
Năm nay, ACV đặt kế hoạch kỷ lục với doanh thu thuần hơn 20.000 tỷ đồng và lãi trước thuế 9.378 tỷ đồng. Như vậy sau nửa năm kinh doanh, công ty chuyên khai thác cảng hàng không đã hoàn thành 56% chỉ tiêu doanh thu và 81% mục tiêu lợi nhuận. Tại thời điểm ngày 30/6/2024, ACV có quy mô tổng tài sản hơn 69.800 tỷ đồng, tăng 2.500 tỷ đồng kể từ đầu năm.
Phiên giao dịch ngày 10/10, thị trường ghi nhận sự bứt phá ấn tượng của cổ phiếu FPT. Theo đó, FPT tăng gần 4,7% đưa thị giá lên mức 141.700 đồng/cổ phiếu, với khối lượng giao dịch đạt gần 10 triệu đơn vị.
Với mức giá hiện tại, FPT đã vượt qua đỉnh cũ hồi tháng 7, thiết lập mức đỉnh cao nhất kể từ khi niêm yết. Hơn nữa, đây cũng là lần thứ 35 cổ phiếu FPT vượt đỉnh kể từ đầu năm. So với thời điểm đầu năm, thị giá mã này đã tăng đến 70,7%, từ 83.000 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường của FPT hiện đạt 206.945 tỷ đồng, chỉ xếp sau 3 "ông lớn" là Vietcombank, BIDV, và ACV.
Đà tăng bứt phá của cổ phiếu FPT đã mang lại món lợi đáng kể cho các cổ đông, đặc biệt là Chủ tịch Trương Gia Bình. Hiện tại, ông Bình là cổ đông lớn nhất của FPT, sở hữu hơn 102 triệu cổ phiếu, tương đương 6,99% vốn cổ phần. Xếp sau ông Bình là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với gần 84 triệu cổ phiếu, chiếm 5,75% cổ phần.
Với mức giá hiện tại, khối tài sản của ông Trương Gia Bình ước tính đạt 14.300 tỷ đồng, tăng gần 6.000 tỷ đồng so với đầu năm. Ông Bình cũng đang nằm trong danh sách top 10 người giàu nhất Việt Nam.
Đứng ở vị trí chót bảng là “ông lớn” bất động sản Vinhomes với vốn hóa đạt trên 185.500 tỷ đồng. Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/10, thị giá cổ phiếu VHM đang dừng ở mức 42.150 đồng/cổ phiếu.
Đầu tháng 10/2024, Vinhomes đã công bố nghị quyết Hội đồng quản trị về việc tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Ngày đăng ký cuối cùng là 23/10/2024. Thời gian lấy ý kiến từ ngày 23/10 đến 23/11/2024. Nội dung cụ thể sẽ được công ty gửi đến cổ đông sau.
Động thái của Vinhomes diễn ra trong bối cảnh cổ đông và nhà đầu tư trên thị trường đang “nín thở” chờ thông tin tiếp theo về thương vụ mua cổ phiếu quỹ. Theo kế hoạch được cổ đông thông qua, Vinhomes sẽ mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu quỹ (8,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành), số tiền dự chi ước tính lên đến 13.000 tỷ đồng.
Vinhomes nhấn mạnh rằng động thái này nhằm bảo vệ lợi ích của cả công ty lẫn cổ đông, trong bối cảnh giá cổ phiếu đang thấp hơn nhiều so với giá trị thực của doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 5/9, Vinhomes công bố kết quả lấy ý kiến cổ đông về thương vụ trên. Theo đó, tỷ lệ tán thành/tổng số phiếu biểu quyết hợp lệ gửi về công ty là 99,91%, tương ứng với 78,44% tổng số phiếu có quyền biểu quyết đồng ý. Nghị quyết mua lại cổ phiếu chính thức được thông qua.
Sau khi nhận được sự chấp thuận từ cổ đông, Vinhomes sẽ xin ý kiến từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với quy trình 7 ngày làm việc. Dự kiến, quá trình mua lại cổ phiếu quỹ sẽ bắt đầu vào giữa tháng 9/2024.
Tuy nhiên, thực tế, quá trình phê duyệt có thể mất nhiều thời gian do giá trị giao dịch cao. Đây là thương vụ mua cổ phiếu quỹ lớn nhất lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam cả về khối lượng và giá trị.