Đón 4 cây cầu mới tỷ đô, liệu phía Đông Hà Nội có “sốt đất”, giá sẽ tăng bao nhiêu thì hợp lý?

Thông tin từ nay đến 2021 Hà Nội sẽ xây thêm 4 cây cầu mới trị giá hơn 1,4 tỷ USD trên sông Hồng và sông Đuống, khiến giới địa ốc thời gian gần đây xôn xao, đồn đoán về một cơn “sốt đất" phía Đông.
Đón 4 cây cầu mới tỷ đô, liệu phía Đông Hà Nội có “sốt đất”, giá sẽ tăng bao nhiêu thì hợp lý?

Đây là chiến lược phát triển giao thông của Hà Nội từ nay đến 2030, với tổng số 14 cây cầu mới bắc qua sông Hồng và sông Đuống. Trước mắt, từ nay đến 2021 xây xong 5 cây cầu mới là cầu Tứ Liên, cầu Đuống 2, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Giang Biên và cầu Vĩnh Tuy 2.

Trong đó, đáng chú ý là cầu Tứ Liên trị giá 17.000 tỷ nối khu Hồ Tây với khu Đông Hội, Xuân Canh (Đông Anh) đến đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên; cầu/hầm Trần Hưng Đạo nối quận Hoàn Kiếm với khu Bồ Đề, Long Biên bên kia sông Hồng…

Xét về khía cạnh hạ tầng, đây là thông tin rất tích cực đối với người dân Thủ đô, vừa giảm tải áp lực giao thông, tăng thêm kết nối khu trung tâm Hà Nội với các vùng phụ cận vừa tạo ra một vùng phát triển đô thị mới. Điều này về lâu dài chắc chắn sẽ tác động làm sôi động hơn thị trường BĐS các vùng phụ cận như Gia Lâm, Long Biên, có thể sẽ tác động làm tăng giá nhà đất ở khu vực này.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay khi 4 cây cầu mới còn chưa được triển khai, mới chỉ là những thông tin quy hoạch, liệu rằng điều đó có tạo nên “sốt đất” hay không, giá đất tăng như thế nào…đang là mối quan tâm hàng đầu có giới địa ốc.

Nửa năm tăng mạnh 15% là điều rất khó

Đánh giá, phân tích về tác động này, tại buổi họp báo công bố thị trường quý 3 CBRE Việt Nam nhận định: điều này chắc chắn sẽ tác động làm tăng giá nhà đất. Theo phân tích của bà Nguyễn Hoài An, Phó Giám đốc nghiên cứu thị trường CBRE, khu vực phía Đông đã có cơ sở hạ tầng tốt rồi, giá nhà đất ổn định nên rất khó để dự báo giá đất khu vực này sẽ tăng như thế nào trong một khoảng thời gian cụ thể.

Tuy nhiên, theo bà An nếu nhìn vào những con số thống kê của quá khứ thì có thể dự báo được giá tăng bao nhiêu thì hợp lý. Tình hình thị trường ổn định, giá có thể tăng từ 3-5%, khả quan hơn thì cao hơn trong 1 năm. Nhưng để kỳ vọng tăng vọt từ trên 10% - 15% trong vòng nữa năm là điều rất khó.

Thực tế cho thấy, mặt bằng giá nhà đất ở khu vực này được giao dịch cũng đã khá cao nhờ kết nối bởi những cây cầu đã có như cầu Chương Dương, Long Biên, Vĩnh Tuy…khu vực gần cầu Đông Trù dao động khoảng trên dưới 30 triệu đồng/m2, khu vực quanh sông Đuống khu Gia Thượng, Quán Tình, Giang Biên…dao động khoảng 17-20 triệu đồng/m2, khu đất đẹp giá cao thì khoảng trên 30 triệu đồng/m2.

Những người dân ở khu vực này, cho rằng chưa cảm nhận thấy “sốt đất” ở khu vực này, giá đất có tăng nhưng khá đều đặn chừng vài % một năm, đó là nhờ cải thiện về hạ tầng giao thông.

Bài học đắt giá từ cầu Nhật Tân

Khi dự án cầu Nhật Tân được xây dựng nối vùng Tây Hồ Tây với khu vực Hải Bối, Vĩnh Ngọc (Đông Anh)…cách đây vài năm, nhiều nhà đầu tư tin tưởng khi cầu Nhật Tân xây xong thì giá đất ở khu vực này sẽ tăng vọt, nên đã bỏ hàng tỷ đồng để gom đất chờ đợi.

Nhưng, khi cầu Nhật Tân khánh thành, giá đất ở khu vực này không tăng cao như họ kỳ vọng, nhiều người mắc kẹt, đành ngậm đắng nuốt cay. Bởi thực chất, giá nhà đất nơi đây đã tăng vọt 80-90% thời điểm trước đó vào cơn sốt đất năm 2011.

Mặt bằng giá đất ở khu vực Vĩnh Ngọc hiện nay tương đối ổn định, đường lớn khoảng 60-80 triệu đồng/m2, đất trong khu dân cư khoảng rao bán 25 -30 triệu/m2, đường Đông Hội gần đường lớn ven cầu Nhật Tân khoảng 40 triệu đồng/m2. Giá đất tại các xã Vân Nội, Nguyên Khê, Vân Trì, Uy Nỗ, Sơn Du... dao động từ 12-20 triệu/m2.

Do vậy, theo bà An việc đầu tư bất động sản phía Đông ở thời điểm này dễ gặp phải rủi ro lớn do bị “cò” thổi giá, giá ảo có thể xảy ra, nên nhà đầu tư cần thận trọng. Với những nhà đầu tư chớp thời cơ nhanh hơn, khi gặp may thì lợi nhuận nhiều, nhưng rủi ro cũng càng cao. Đặc biệt là những cơ hội mang lại lợi ích đầu tư từ thị trường không phải luôn dành cho mọi người.

Cũng theo khảo sát của CBRE Việt Nam thì hiện nay thị trường BĐS vẫn đang tập trung nhiều nhất ở phía Tây, tuy nhiên, hiện khu phía Đông thành phố có nguồn cung bất động sản nhà ở vẫn khá thấp so với khu phía Tây. Do đó, nếu hạ tầng mới được cải thiện tốt hơn, nguồn cung khu phía Đông có thể sẽ tăng nhanh, đặc biệt là tâm lý người dân sẽ giảm ngại phải "qua cầu" sang sông để đi lại giữa trung tâm với các quận, huyện lân cận. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu bất động sản phía Đông tăng lên.

 Theo Nhật Minh/ Trí thức trẻ

>> Đón cú hích hạ tầng giao thông tỷ đô, nhà đất vùng ven Thủ đô chuyển động

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…