Trung tuần tháng 12/2023, thị trường đón nhận đợt giảm lãi suất huy động xuống mức kỷ lục, chỉ xoay quanh mức 5%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng. Lãi suất huy động giảm đang được kỳ vọng sẽ kéo giảm lãi suất cho vay, thổi luồng sinh khí mới vào thị trường địa ốc.
KHỞI CÔNG HÀNG LOẠT DỰ ÁN NHÀ Ở
Nửa đầu tháng 12/2023, thị trường địa ốc khu vực phía Nam bất ngờ sôi động với hàng loạt các dự án được khởi công xây dựng, xóa đi bầu không khí im ắng kéo dài suốt thời gian qua.
Cụ thể, ngày 16/12, Phú Đông Group đã tổ chức khởi công xây dựng và ra mắt dự án Phú Đông SkyOne, một dự án chung cư chất lượng cao, hợp túi tiền, tọa lạc ngay mặt tiền đường DT 743C, phường Tân Đông Hiệp, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Dự án đã được cấp giấy phép xây dựng, gồm 2 block chung cư cao 30 tầng nổi + 1 tầng hầm với 780 căn hộ có diện tích từ 42m2 - 75m2, tổng vốn đầu tư xây dựng 1.100 tỷ đồng. Chủ đầu tư tiết lộ, giá bán dự kiến chỉ khoảng 30 triệu đồng/m2. Như vậy, tính ra mỗi căn hộ chỉ tầm khoảng 1,2 đến 2,2 tỷ đồng, trong đó 60% là các căn hộ xoay quanh mức giá 1,6 tỷ đồng/căn.
“Đây là dòng sản phẩm căn hộ “vừa túi tiền”, đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân mà Phú Đông Group đã kiên trì phát triển trong những năm qua với các dự án đã và đang chuẩn bị được bàn giao cho khách hàng như: HL Phú Đông, Phú Đông Premier, Phú Đông Sky Garden”, ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group chia sẻ.
Trước đó, ngày 8/12, thị trường cũng đón nhận cùng lúc 2 tin vui: Tập đoàn Gamuda Land động thổ dự án khu căn hộ cao cấp Eaton Park tại TP.HCM và Tập đoàn Danh Khôi tái khởi công xây dựng dự án Astral City sau thời gian dài tạm ngưng vì khó khăn.
Theo Tập đoàn Gamuda Land, Eaton Park được triển khai trên diện tích đất 3,68ha, bao gồm 6 toà tháp cao 37 - 39 tầng với gần 2.000 căn hộ, diện tích từ 46 - 196m2. Đây là dự án được Gamuda Land mua lại của Công ty Tâm Lực với giá trị được công bố lên tới 7.200 tỷ đồng. Ông Teoh Chin Siang, Giám đốc dự án Eaton Park tin rằng, dự án này sẽ mang lại làn gió mới cho phân khúc phân khúc căn hộ cao cấp tại thị trường khu Đông nói riêng và TP.HCM nói chung.
Với dự án Astral City, việc tái khởi công một dự án chiến lược, có quy mô căn hộ lớn bậc nhất tỉnh Bình Dương được xem là bước ngoặt, đánh dấu sự hồi sinh của Tập đoàn Danh Khôi sau chuỗi ngày chìm trong gian khó. Bảo chứng cho việc tái khởi động Astral City chính là sự đồng hành của Ngân hàng VPBank với gói tín dụng hơn 1.200 tỷ đồng, được giải ngân trực tiếp đến nhà thầu để đảm bảo dòng tiền đi đúng hướng, thi công dự án đúng tiến độ, chất lượng…
Một dự án khác là khu nhà ở đô thị mới tại khóm 5, phường 1, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau cũng được Tập đoàn T&T Group khởi công xây dựng ngày 10/12. Với diện tích 23ha, quy mô 1.307 sản phẩm, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành khu đô thị đồng bộ về kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho dân cư địa phương và các khu vực lân cận.
DOANH NGHIỆP CẦN CHỦ ĐỘNG CƠ CẤU LẠI SẢN PHẨM, GIẢM GIÁ BÁN
Việc các chủ đầu tư khởi động các dự án cho thấy tín hiệu khởi sắc phần nào đã được nhen nhóm đối với thị trường bất động sản khi lãi suất giảm và pháp lý đã dần được tháo gỡ. Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thị trường bất động sản chỉ thực sự phục hồi và phát triển bền vững khi có sự nỗ lực từ “hai chiều”.
Ở “chiều” Nhà nước, ông Châu đánh giá là các tổ công tác đã quyết liệt vào cuộc cùng với các bộ ngành, địa phương tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc cho các dự án. Riêng tại TP.HCM đến nay đã giải quyết được khoảng 30% trong tổng số 148 dự án bất động sản bị vướng mắc, khó khăn. Nhưng ở “chiều” doanh nghiệp, ông Châu cho rằng, các chủ đầu tư cũng cần cơ cấu lại phân phân khúc và giảm giá bán sản phẩm.
Theo ông Châu, từ ngay từ năm 2018, khi thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu “lệch pha” phân khúc thị trường, “lệch” dần về phân khúc nhà ở cao cấp thì HoREA đã khuyến nghị các doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư vào phân khúc thị trường “căn hộ vừa và nhỏ, có giá vừa túi tiền”. Đây là loại căn hộ 1 - 2 phòng ngủ, có giá bán trên dưới 02 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu nhà ở thực rất lớn của đông đảo người dân.
Dẫn số liệu, HoREA cho biết: Tại TP.HCM, năm 2020, phân khúc nhà ở cao cấp chiếm tỷ lệ 70%, năm 2021 chiếm tỷ lệ 72%, năm 2022 chiếm tỷ lệ 78,2% và 9 tháng đầu năm 2023 vẫn chiếm tỷ lệ 66,37%. Trong khi đó, phân khúc nhà ở trung cấp năm 2020 chiếm tỷ lệ 29%, năm 2021 chiếm tỷ lệ 28%, năm 2022 chiếm tỷ lệ 21,8% và 9 tháng đầu năm 2023 chiếm tỷ lệ 33,63%.
“Đáng quan ngại là phân khúc nhà ở bình dân năm 2020 chỉ có 163 căn hộ chỉ chiếm tỷ lệ 1% và trong các năm 2021, 2022 và 9 tháng đầu năm 2023 thì không còn”, ông Châu cho biết.
Về giá bán, một số chủ đầu tư đã thực hiện giảm giá bán nhưng mức độ giảm giá chưa đáng kể, chủ yếu là áp dụng các chính sách chiết khấu và khuyến mãi, hậu mãi có lợi cho khách hàng để “cố neo giữ giá”, thậm chí có một số chủ đầu tư còn lợi dụng sự khan hiếm nguồn cung, khi dự án của mình may mắn được tháo gỡ về pháp lý thì “tút lại”, chuyển từ mác bình dân lên cao cấp, bán giá cao để tối đa hóa lợi nhuận.
Chính vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, HoREA đề nghị các doanh nghiệp bất động sản thực hiện giảm giá bán sản phẩm nhà ở, giảm bớt kỳ vọng lợi nhuận, không “neo giữ giá cao”, tăng chiết khấu và có các chính sách khuyến mãi, hậu mãi nhằm kích cầu tiêu dùng trên thị trường bất động sản để tăng “niềm tin thị trường”, tạo dòng tiền và thanh khoản cho doanh nghiệp.
Ông Châu cũng đề xuất thực hiện đồng bộ các giải pháp để kéo giảm các chi phí không hợp lý trong cơ cấu giá nhà như: Giảm tiền sử dụng đất, tiền bảo vệ đất lúa; Xây dựng “quy trình chuẩn”, rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính; Đẩy mạnh tinh giản bộ máy hành chính, đảm bảo cho công chức, viên chức nhà nước có thu nhập khá so với thu nhập trung bình của xã hội và đấu tranh hiệu quả chống tham nhũng, tiêu cực để giảm dần “chi phí không tên” trong quá trình thực hiện dự án…