Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định thành lập cụm công nghiệp Tân An do chủ đầu tư Cty CP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (HoSE: CTI) thực hiện.
Theo đó, ngành nghề hoạt động chủ yếu tại cụm công nghiệp này là công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí; may mặc, giày da; công nghiệp hỗ trợ công nghiệp công nghệ cao; chế biến gỗ, chế biến nông sản… Thời gian hoạt động của cụm là trong 50 năm kể từ ngày được cấp quyết định giao đất hoặc cho thuê đất.
Dự kiến trong năm nay sẽ hoàn thành công tác thu hồi đất cho dự án cụm công nghiệp Tân An.
Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết tỉnh có 32 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 90%. Đồng Nai là một trong số các địa phương có những KCN đầu tiên của cả nước, ví dụ KCN Biên Hòa 1. Các chủ đầu tư tên tuổi góp mặt tại đây như Sonadezi, Tín Nghĩa, VRG Long Thành, IDICO, D2D, Amata (Thái Lan)...
Trong quy hoạch các KCN Việt Nam được Chính phủ phê duyệt, Đồng Nai có 8 KCN được chấp thuận mở rộng tăng diện tích gồm: Amata (TP Biên Hòa), An Phước, công nghệ cao Long Thành, Long Đức (huyện Long Thành), Tân Phú (huyện Tân Phú), Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc), Hố Nai, Sông Mây (huyện Trảng Bom).
Về nhà đầu tư, ngày 03/05/2000, Công ty TNHH Cường Thuận chính thức hoạt động với vốn điều lệ ban đầu là 4,6 tỷ đồng. Ngày 19/09/2007, Công ty đã chính thức chuyển sang hoạt động theo hình thức Công ty Cổ phần theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 4703000423 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh Đồng Nai cấp. Với số vốn điều lệ đăng ký 104,6 tỷ đồng.
Tới năm 2016, Cường Thuận đã tăng vốn điều lệ lên gần 430 tỷ đồng. 1 năm sau, năm 2017, tổng tài sản của Cường Thuận đã đạt 4.302 tỷ đồng, vốn điều lệ gần 630 tỷ đồng.
>>Đồng Nai: Dự án cầu Cát Lái sẽ được chia 3?