Đồng Nai xin làm 2 tuyến đường sắt kết nối TP. HCM và Vũng Tàu trị giá 100.000 tỷ đồng

Đó là Dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành và Dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu. Theo đó, việc đầu tư sớm 2 dự án này là rất cấp bách nhằm gia tăng kết nối và giảm thiểu áp lực với hệ thống giao thông đường bộ.
Đồng Nai xin làm 2 tuyến đường sắt kết nối TP. HCM và Vũng Tàu trị giá 100.000 tỷ đồng

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai vừa có công văn số 15109/UBND – KTN gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất giao cho tỉnh này làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện Dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành và Dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu.

Theo đó, Dự án tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm,TP Thủ Đức, TP. HCM, điểm cuối tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tuyến có chiều dài 37,5km, tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 40.566 tỷ đồng; hình thức đầu tư dự kiến là PPP.

Dự án tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu có điểm đầu tại ga Trảng Bom (Khổ đường 1.435mm) huyện Trảng Bom , tỉnh Đồng Nai; điểm cuối tại cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Dự án có chiều dài 65km, tổng mức đầu tư 50.822 tỷ đồng; hình thức đầu tư dự kiến là PPP.

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, sau khi được sự chấp thuận của Thủ tướng giao nhiệm vụ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện 2 dự án, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ khẩn trương tiến hành lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phối hợp cùng các Bộ, ngành và các địa phương liên quan đến 2 dự án triển khai thực hiện dự án, sớm đưa vào khai thác đồng bộ với tiến độ của Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào năm 2025.

Mới đây, ngày 1/11, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định về việc ban hành danh mục quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, Đồng Nai có 2 dự án là đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành và đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tháng 11/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 với quy mô 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách, công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Để đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông đến sân bay Long Thành, trên địa bàn đang triển khai các dự án giao thông đường bộ gồm cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3 - TP. HCM, mở rộng cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Khi các dự án này được đưa vào khai thác cơ bản đáp ứng được việc kết nối hệ thống giao thông đường bộ với sân bay Long Thành.

Tuy nhiên, để phát huy lợi thế và tăng khả năng kết nối của sân bay Long Thành với TP. HCM và hệ thống cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải, đồng thời chia sẻ áp lực lưu lượng cho hệ thống giao thông đường bộ, đặc biệt là tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 51, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, việc sớm triển khai dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành và đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu là rất cần thiết.

Có thể bạn quan tâm