Mới đây, Sở Xây dựng Đồng Nai có văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng về 2 mô hình đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân trên địa bàn tỉnh.
Mô hình 1 là UBND tỉnh chuẩn bị quỹ đất sạch giao cho các doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở công nhân phục vụ cho công nhân của chính doanh nghiệp đó. Vốn đầu tư dự án do chính doanh nghiệp chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải có chức năng đầu tư xây dựng nhà ở, trường hợp chưa có phải bổ sung theo đúng quy định.
Mô hình 2 là doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư nhà ở cho công nhân của mình, nhưng không trực tiếp xây dựng mà giao cho đơn vị có chức năng được UBND tỉnh chỉ định tiến hành xây dựng theo thỏa thuận của doanh nghiệp.
Khi dự án hoàn thành đưa vào khai thác, doanh nghiệp có thể bố trí cho công nhân ở miễn phí hoặc cho công nhân thuê với giá không kinh doanh. Trường hợp có thu tiền thuê nhà thì không được thu cao hơn giá do Nhà nước thẩm định là giá bảo toàn vốn, doanh nghiệp không được hưởng lợi như các dự án nhà ở xã hội khác.
Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP. Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết, trong năm 2021, thành phố sẽ hoàn thành xây dựng 3 khu tái định cư để bố trí tái định cư cho các hộ dân có đất bị thu hồi khi triển khai thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn.
Bên cạnh đó, trong năm 2021, TP. Biên Hòa cũng dự kiến khởi công xây dựng thêm 2 khu tái định cư khác là khu tái định cư Thống Nhất - Tân Mai và khu tái định cư tại P. Bửu Hòa.
Trong số này, khu tái định cư Thống Nhất - Tân Mai là một trong 8 khu tái định cư được quy hoạch xây dựng để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng các công trình dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố. Khu tái định cư này có quy mô 8,56ha, sẽ được khởi công xây dựng trước trên phần diện tích khoảng 3,5ha đã hoàn thành giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, khu tái định cư tại P.Bửu Hòa có quy mô xây dựng khoảng 3,2 ha.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - ông Cao Tiến Dũng, tình trạng thiếu nhà ở cho công nhân là món nợ của chính quyền đối với người lao động. Đa phần người lao động hiện sinh sống trong các nhà trọ tự phát, mỗi phòng chỉ rộng 12 - 14m2 nhưng có 5 - 6 người ở, thậm chí có khu không thấy ánh nắng mặt trời.
Cũng theo ông Dũng, qua khảo sát, toàn tỉnh có hơn 400.000 công nhân lao động có nhu cầu về nhà ở. Trừ đi một số người có cơ hội tìm được nhà riêng hoặc những đôi vợ chồng công nhân sống chung thì tối thiểu còn thiếu khoảng 200.000 căn nhà. Đây là con số "khủng" đối với Đồng Nai.
Đồng Nai hiện có gần 1,2 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, riêng các khu công nghiệp có hơn 614.000 người lao động.
Toàn tỉnh có khoảng 20.000 cơ sở cho thuê nhà trọ tập trung với hơn 150.000 phòng, đáp ứng cho 450.000 người lao động thuê. Các nhà trọ có giá thuê thấp, phù hợp với thu nhập của công nhân nên thu hút được nhiều người thuê dù không đáp ứng được tiêu chuẩn về phòng chống cháy nổ, môi trường, an ninh...