Dự án BOT cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ: Tăng sức hút khi chi phí giảm 1.200 tỷ đồng

Với việc một loạt yếu tố tài chính đầu vào được điều chỉnh lại, Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ theo hình thức PPP sẽ cải thiện đáng kể sức hấp dẫp đối với các nhà đầu tư trong

Chi phí giảm sâu

Có khá nhiều điểm mới trong Báo cáo Nghiên cứu khả thi (F/S) Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ theo hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT vừa được Ban Quản lý dự án Thăng Long trình Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).

Theo đó, tuyến cao tốc về thủ phủ miền Tây này có chiều dài 23,5 km, điểm đầu tại nút giao Quốc lộ 80 (Km0 + 250) thuộc xã Tân Hòa, TP. Vĩnh Long; điểm cuối tại nút giao Chà Và (Km2060 + 700, Quốc lộ 1) thuộc địa phận xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Trong giai đoạn I, Dự án sẽ xây dựng theo quy mô cao tốc 4 làn xe, bề rộng 17 m, tốc độ thiết kế 100 km/h, tổng mức đầu tư dự kiến là 4.960 tỷ đồng.

So với đề xuất đầu tư cũng do đơn vị này xây dựng cách đây 1 năm, thì tổng mức đầu tư đã giảm hơn 1.200 tỷ đồng, trong khi quy mô Dự án cơ bản vẫn được giữ nguyên.

Được biết, đối với các dự án PPP, gánh nặng tài chính đối với các nhà đầu tư tiềm năng sẽ giảm tương ứng với quy mô cắt giảm chi phí đầu tư. Tại Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, chiểu theo phương án được đề nghị lựa chọn tại F/S, các nhà đầu tư sẽ chỉ phải góp khoảng 571 tỷ đồng - con số không quá lớn so với các dự án đường cao tốc đang được triển khai tại Việt Nam.

Theo “luật chơi” đang chờ Bộ GTVT phê duyệt, ngoài việc được thu giá dịch vụ chính tuyến (1.500 đồng/xe tiêu chuẩn - PCU/km) trong vòng 11 năm 3 tháng, nhà đầu tư được lựa chọn sẽ có quyền thu giá dịch vụ tuyến cao tốc có lưu lượng xe lớn nhất tại khu vực phía Nam là TP.HCM - Trung Lương, với mức phí 1.700 đồng/PCU/km trong vòng 3 năm 3 tháng. Mức giá dịch vụ này sẽ tăng 9%/3 năm trong 6 năm đầu tiên và 6%/3 năm trong các năm tiếp theo.

Cần phải nói thêm rằng, tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ ngay từ trước khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất đầu tư đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư tư nhân. Ngoài các tập đoàn tư nhân lớn trong nước như Công ty cổ phần Sân golf Long Thành, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, Yên Khánh, Thái Sơn, thì một loạt nhà đầu tư lớn nước ngoài như Moonary Group, Metro Pacific Toolways Corp (Hoa Kỳ); Posco (Hàn Quốc); IL&FS (Ấn Độ)… cũng đã tìm hiểu khá sâu về dự án này.

Nới trần lãi suất

Theo kết quả dự báo, lưu lượng trên tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ sau năm 2020 sẽ đạt trên 40.000 PCU/ngày đêm. Quốc lộ 1 hiện đã được đầu tư xây dựng với quy mô 4 làn. Như vậy, sau năm 2020, lưu lượng giao thông sẽ vượt quá khả năng thông hành của Quốc lộ 1.
Với việc mở rộng Quốc lộ 1 không khả thi do quy hoạch tuyến chỉ là 4 làn xe, đồng thời cần có thêm tuyến độc lập để khai thác với tốc độ cao, nên việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là cần thiết.

Ban Quản lý dự án Thăng Long đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngỏ việc sửa trần lãi suất đối với phần vốn vay thương mại cho Dự án.

“Hiện tại, mức lãi suất vốn vay theo Thông tư số 55/2016/TT-BTC ngày 23/3/2016 của Bộ Tài chính thấp hơn nhiều so với tham khảo lãi suất cho vay dài hạn bình quân của 3 ngân hàng thương mại lớn là Vietcombank, BIDV, VietinBank (chênh lệch khoảng 2%/năm), nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng huy động tài chính và tính hấp dẫn của Dự án khi kêu gọi đầu tư”, ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đang có chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 55/2016/TT-BTC cho phù hợp với mặt bằng lãi suất thực tế và để đảm bảo tiến độ triển khai dự án. Do vậy, Ban Quản lý dự án Thăng Long kiến nghị tạm lấy mức lãi suất vay vốn theo đúng quy định tại thông tư này là “mức lãi suất vay vốn không vượt quá 1,3 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ có kỳ hạn 10 năm phát hành dưới phương thức đấu thầu trong thời gian 3 tháng trước thời điểm phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi”), tương đương 7,87%/năm, để làm cơ sở tính toán tổng mức đầu tư và phương án tài chính để phê duyệt F/S.

“Trong quá trình triển khai các bước tiếp theo, khi Thông tư số 55/2016/TT-BTC được sửa đổi và có hiệu lực thi hành, Ban Quản lý dự án Thăng Long sẽ xem xét điều chỉnh phương án tài chính dự án, đảm bảo khả năng huy động vốn làm cơ sở mời thầu lựa chọn nhà đầu tư”, ông Roãn cho biết.

Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT), với việc vốn tín dụng chiếm 85 - 90% tổng mức đầu tư, trần lãi suất là một trong những tham số quan trọng quyết định tính khả thi tài chính của một dự án PPP, đồng thời là cơ sở để nhà đầu tư có thể thuyết phục các ông chủ nhà băng bỏ vốn.

Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xác định lãi suất vay vốn tại Dự án bằng mức lãi suất cho vay dài hạn cùng kỳ hạn bình quân của 3 ngân hàng thương mại lớn (như BIDV, VietinBank, Vietcombank...) làm cơ sở mời thầu lựa chọn nhà đầu tư.

“Lãi suất vốn vay chính thức của Dự án sẽ được xác định qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư”, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Theo Anh Minh/baodautu.vn

Có thể bạn quan tâm