Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm sắp được trình HĐND TP.HCM sau 20 năm lên kế hoạch

Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm được phê duyệt năm 2002 với kinh phí 123 tỷ đồng, sau 20 năm chưa triển khai, tổng mức đầu tư dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đã tăng lên hơn 9.000 tỷ đồng.

UBND TP. HCM vừa thông báo về 2 dự án đô thị chuẩn bị trình HĐND TP. HCM thông qua chủ trương đầu tư. Lãnh đạo UBND TP. HCM giao Sở Xây dựng khẩn trương hoàn thiện toàn bộ nội dung hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm.

UBND TP. HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức công tác thẩm định dự án, tổng hợp, báo cáo kết quả thẩm định và đề xuất UBND TP. HCM để trình HĐND thành phố tại kỳ họp cuối năm 2022.

Rạch Xuyên Tâm có chiều dài khoảng 8,2km, trong đó phạm vi dự án từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật dài 6,4km - là một trong những con rạch ô nhiễm nhất tại TP. HCM.

rạch Xuyên Tâm
Rạch Xuyên Tâm - con rạch được đánh giá ô nhiễm nhất TP. HCM.

Được phê duyệt năm 2002 với kinh phí 123 tỷ đồng, sau 20 năm chưa triển khai, tổng mức đầu tư dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đã tăng lên hơn 9.000 tỷ đồng.

Trong đó, khoảng 4.800 tỷ đồng chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng, với quy mô di dời gần 2.200 căn.

Từ 2002 đến nay, dự án liên tục gặp khó khăn chủ yếu do hạn chế về ngân sách. Đến năm 2020, Luật Đầu tư công không còn hình thức đầu tư BT nên thành phố đã chuyển sang hình thức đầu tư công nhưng nguồn vốn đầu tư trung hạn của thành phố không đủ để bố trí.

Đến năm 2021, TP. HCM đã kiến nghị trung ương hỗ trợ 21.734 tỷ đồng làm 6 dự án trọng điểm, trong đó có 9.353 tỷ đồng cho dự án nạo vét rạch Xuyên Tâm. Sau 20 năm kể từ khi được phê duyệt, đến nay dự án vẫn ở chưa khởi động.

Dự kiến lần này, sau khi trình và được HĐND TP. HCM thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp cuối năm nay, UBND TP. HCM sẽ triển khai các công việc chuẩn bị để triển khai dự án vào năm 2023.

Cùng với dự án trên, UBND TP. HCM sẽ trình HĐND TP. HCM thông qua chủ trương dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc theo phương thức PPP.

Dự kiến đến năm 2025, khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày tại TP. HCM là khoảng 12.500 tấn. TP. HCM đặt mục tiêu tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng đến năm 2030 đạt 100%.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…