Tính đến ngày 11/5, ngành du lịch Thái Lan ghi nhận mức giảm 1% lượng khách quốc tế, chủ yếu do sự sụt giảm từ thị trường Đông Á, khu vực vốn chiếm tới 60% tổng lượng khách. Bên cạnh đó, lượng khách từ Đông Nam Á cũng giảm 2,2%.
TÂM LÝ DU KHÁCH VIỆT CHAO ĐẢO TRƯỚC LÀN SÓNG COVID-19
Trước tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại tại Thái Lan, nhiều du khách Việt tỏ ra lo ngại. Tuy nhiên số lượng các trường hợp hoãn hoặc hủy chuyến du lịch vẫn chưa nhiều.
Chị Tâm Mai (23 tuổi, TP.HCM) cho biết: "Tôi cùng bạn bè đã lên kế hoạch du lịch Bangkok vào tuần tới. Tuy nhiên, khi nghe tin Thái Lan ghi nhận hơn 33.000 ca mắc Covid-19 chỉ trong vòng một tuần (từ 11 đến 17/5), tôi khá hoang mang."
Dù vậy, chị Mai vẫn quyết định không hủy chuyến đi. “Tôi sẽ tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và dùng dung dịch sát khuẩn tay,” chị nói thêm. Theo chị, Covid-19 hiện nay cũng giống như một dạng cúm thông thường.
Biến chủng XEC ở Thái Lan là chủng tái tổ hợp mới của Omicron, từng được phát hiện vào tháng 6/2024 ở Đức. Biến thể Covid-19 này có khả năng lây lan nhanh nhưng không phải trường hợp đặc biệt hay nguy hiểm hơn các biến chủng khác của Covid-19, theo The Nation.
Dẫu vậy, số ca mắc Covid-19 tăng nhanh ảnh hưởng đến tâm lý của du khách Việt Nam đến Thái Lan thời điểm này.
Chung tâm trạng phân vân, anh Ngô Hùng (Hà Nội) đang cân nhắc việc hủy chuyến đi vào tháng 6. Anh chia sẻ đã mua vé máy bay khứ hồi với giá 5 triệu đồng/người và đặt phòng khách sạn không thể dời lịch hay hủy.
“Tôi khá tiếc tiền nên vẫn dự định đi, nhưng thú thật tôi không hoàn toàn yên tâm, nhất là lo ngại khả năng bị cách ly hay giãn cách xã hội,” anh Hùng nói.
Trái ngược với anh Hùng và chị Mai, gia đình chị Thuỳ Thanh (Ninh Bình) đã quyết định hủy chuyến đi do có hai con nhỏ. “Chúng tôi đã lên kế hoạch cho chuyến du lịch gia đình 4 người. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tôi lo sợ các con nhiễm bệnh nên đã chọn huỷ bỏ,” chị Thanh chia sẻ.
Dù vậy, theo khảo sát tại một số công ty lữ hành, các tour du lịch Thái Lan trong tuần này (19-25/5) và tuần tới (26/5-1/6) vẫn đang được tổ chức như kế hoạch.
Đại diện một đơn vị lữ hành tại Hà Nội cho biết lượng khách đăng ký tour Thái Lan đã giảm nhẹ trong cao điểm mùa hè. Nguyên nhân không chỉ đến từ lo ngại dịch bệnh mà còn bởi các vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự và một số bất cập trong thủ tục nhập cảnh.
LƯỢNG KHÁCH DU LỊCH TỪ VIỆT NAM GIẢM 15%
Theo báo Bangkok Post, lượng khách quốc tế đến Thái Lan đã giảm 1% tính đến ngày 11/5 năm nay, chủ yếu do sự sụt giảm mạnh từ thị trường Đông Á. Trước đó, khu vực thường chiếm đến 60% lượng khách quốc tế đến Thái Lan. Cụ thể, lượng khách từ Trung Quốc, Hồng Kông và Hàn Quốc giảm lần lượt 31%, 20,8% và 14,9%.
Riêng thị trường Đông Nam Á giảm 2,2%, trong đó Việt Nam chứng kiến mức sụt giảm tới 15%. Trước đây, Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm, đóng góp hơn 1 triệu lượt khách mỗi năm.
Trung bình, Thái Lan từng đón khoảng 900.000 du khách Trung Quốc mỗi tháng, tương đương 30.000 lượt/ngày. Nhưng trong bốn tháng đầu năm nay, con số này chỉ còn khoảng 13.739 lượt/ngày, theo ông Yuthasak Supasorn, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT).
Tổng lượng khách quốc tế đến Thái Lan hiện tại cũng chỉ ở mức dưới 60.000 lượt/ngày, giảm mạnh so với mức trung bình 100.000 lượt trước đại dịch.
Bên cạnh đó, phân khúc MICE (hội nghị, khen thưởng, hội thảo và triển lãm) cũng ghi nhận mức giảm đáng kể trong quý I/2025, với lượng khách quốc tế giảm 15% và doanh thu giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Yuthasak bày tỏ lo ngại: “Ngành du lịch Thái Lan đang đối mặt với sự sụt giảm rõ rệt cả ở phân khúc du lịch giải trí lẫn công vụ. Đã đến lúc ngành này cần mở rộng sản phẩm, phát triển thêm điểm đến mới và nâng cấp trải nghiệm dịch vụ.”
Theo ông Yuthasak, sự phát triển cơ bản trong ngành du lịch Thái Lan đã bị bỏ quên nhiều năm qua. Bằng chứng là xếp hạng của Thái Lan trong Báo cáo Chỉ số Phát triển Du lịch và Lữ hành do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố năm 2024: Thái Lan tụt 12 bậc, xuống vị trí 47, là mức giảm sâu nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Trong đó, chỉ số về an toàn và an ninh, Thái Lan giảm mạnh 16 bậc, trong khi nhu cầu về du lịch và lữ hành cũng giảm 59 bậc. “Nhiều quốc gia đối thủ hiện được đánh giá cao hơn Thái Lan về độ an toàn. Chính phủ cần đẩy nhanh cải thiện lĩnh vực này bằng cách nâng cấp sản phẩm du lịch và dịch vụ kèm theo,” ông Yuthasak nhấn mạnh.