Kết thúc phiên 7/6, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 87,18 điểm (-0,22%) xuống 38.798,99 điểm, S&P 500 mất 5,97 điểm (-0,11%) còn 5.346,99 điểm và Nasdaq Composite trượt 39,99 điểm (-0,23%) xuống 17.133,13 điểm.
Trong khi ngành tài chính và công nghệ đi lên, thì tiện ích, vật liệu và dịch vụ truyền thông là những ngành gây ra lực cản lớn nhất trong số 11 lĩnh vực thuộc S&P 500.
Trong tuần, S&P 500 tăng 1,32%, Nasdaq tăng 2,38% và chỉ số Dow Jones tăng thêm 0,29%.
Ở các diễn biến riêng lẻ, GameStop “lao dốc” 39% ngay khi nhà đầu tư Keith Gill, hay còn được biết đến với tên gọi "Roaring Kitty”, bắt đầu buổi livestream đầu tiên sau ba năm.
Các cổ phiếu meme khác, bao gồm AMC Entertainment và Koss Corp giảm lần lượt 15,1% và 17,4%.
Nvidia trượt dốc, có xu hướng kéo dài khoản lỗ của phiên trước đó, với vốn hoá thị trường một lần nữa giảm xuống dưới mốc 3 nghìn tỷ USD.
Ngược lại, cổ phiếu Lyft nhích nhẹ 0,6% nhờ dự báo tăng trưởng tổng lượng đặt xe hàng năm 15% cho đến năm 2027.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là khoảng 10,75 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 12,7 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Về khía cạnh kinh tế, báo cáo mới đây của Bộ Lao động Mỹ cho thấy nền kinh tế này đã bổ sung thêm khoảng 272.000 việc làm trong tháng 5, cao hơn nhiều so với mức 185.000 nhà phân tích đã dự báo. Thu nhập trung bình mỗi giờ tăng 0,4% so với tháng trước, cao hơn dự báo 0,3%, làm dấy lên lo ngại mới về lạm phát, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4%, cao hơn mức dự kiến 3,9%.
Theo công cụ FedWatch của CME, các nhà giao dịch hiện nhìn thấy 56% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Các nhà đầu tư sẽ chuyển sự chú ý đến dữ liệu lạm phát của Mỹ vào tuần tới cũng như cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Fed vào 11 và 12/6.
Ryan Detrick, giám đốc chiến lược thị trường tại Carson Group nhận xét: “Không ai kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ngay vào tuần tới, nhưng việc liệu Fed có sẵn sàng cho đợt nới lỏng vào tháng 9 hay không là câu hỏi lớn trong tâm trí mọi người”.
GIÁ DẦU TRƯỢT DỐC
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 25 cent xuống 79,62 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ giảm 2 cent xuống 75,53 USD/thùng. Giá dầu thô ghi nhận mức giảm ở tuần giảm thứ 3 liên tiếp do lo ngại về nhu cầu, với dầu Brent giảm 2,5% và dầu WTI giảm 1,9%.
“Báo cáo việc làm mới cho thấy khả năng lãi suất có thể sẽ giữ ở mức cao trong thời gian dài hơn. Điều này có xu hướng làm giảm sự nhiệt tình trên thị trường dầu mỏ”, Andrew Lipow, chủ tịch Hiệp hội Dầu Lipow cho biết.
Đồng USD cũng tăng 0,8% lên mức cao nhất trong hơn một tuần ngay sau khi báo cáo việc làm được công bố.
Giá dầu đã có nhiều biến động kể từ đầu tuần này khi các nhà phân tích coi cuộc họp OPEC+ trước đó là một tín hiệu cho thấy nguồn cung có thể gia tăng vào quý 3 năm nay. Tuy nhiên, các thành viên OPEC+ bao gồm Arab Saudi và Nga đều đã lên tiếng cho biết họ sẵn sàng tạm dừng hoặc đảo ngược việc mở rộng nguồn cung nếu thấy cần thiết.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, dữ liệu cho thấy mặc dù xuất khẩu tăng ở tháng thứ hai trong tháng 5 nhưng nhập khẩu dầu thô lại giảm, báo hiệu mối lo ngại về nhu cầu ở quốc gia mua dầu nhiều nhất thế giới.
“Xuất khẩu vượt kỳ vọng một cách ngoạn mục. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại đối với dầu là tổng lượng nhập khẩu lại giảm”, Tamas Varga của công ty môi giới dầu mỏ PVM chỉ ra.