Kết thúc phiên 3/6, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 115,29 điểm (-0,30%) xuống 38.571,03 điểm, S&P 500 tăng 5,89 điểm (+0,11%) lên 5.283,40 điểm và Nasdaq Composite thêm 93,66 điểm (+0,56%) thành 16.828,67 điểm.
Trong số 11 lĩnh vực thuộc S&P 500, công nghệ là ngành có mức tăng mạnh nhất, trong khi năng lượng là lực cản lớn nhất.
Ở các diễn biến riêng lẻ, Nvidia tăng 4,9% sau khi CEO Jensen Huang tiết lộ rằng nền tảng chip AI thế hệ tiếp theo của công ty sẽ được tung ra vào năm 2026.
Cổ phiếu của các công ty vốn hóa lớn khác, bao gồm Apple, Amazon, Alphabet và Meta cũng đóng cửa ở mức cao hơn. Trong khi đó, Microsoft và Tesla kết thúc ở mức thấp hơn.
GameStop leo vọt 21% nhờ bài đăng vào cuối tuần trước trên Reddit từ một nhân vật có tầm ảnh hưởng đến cổ phiếu meme - Keith Gill, hay còn được gọi là "Roaring Kitty" - cho thấy khoản đặt cược 116 triệu USD vào nhà bán lẻ trò chơi.
Một trục trặc tại Sở giao dịch chứng khoán New York đã gây ra sự biến động lớn về giá cổ phiếu của Berkshire Hathaway và Barrick Gold. Giao dịch của ít nhất 60 cổ phiếu niêm yết trên NYSE đã bị tạm dừng trước khi sàn giao dịch khắc phục sự cố kỹ thuật và hoạt động trở lại.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là khoảng 11,5 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 12,6 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Về khía cạnh kinh tế, thị trường cân nhắc các dữ liệu về hoạt động sản xuất của Mỹ, trong đó chỉ ra sự chậm lại trong tháng thứ hai liên tiếp và làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế.
Keith Lerner, đồng giám đốc đầu tư tại Truist Advisory Services cho biết: “Hôm nay là một trong những ngày mà mọi người đang chờ đợi chất xúc tác tiếp theo với biến động thất thường sau thu nhập. Có một chút giằng co giữa thị trường khi chứng kiến dữ liệu suy yếu và kỳ vọng rằng Fed có thể cắt giảm lãi suất”.
Theo công cụ FedWatch của CME, các nhà giao dịch nhận thấy 59% khả năng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9, tăng từ khoảng 53% trước khi dữ liệu ISM được công bố.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai tuần sau báo cáo về dữ liệu sản xuất.
Trong tuần, các nhà đầu tư sẽ chuyển sự chú ý đến hàng loạt dữ liệu mới, bao gồm các cuộc khảo sát về lĩnh vực dịch vụ, đơn đặt hàng tại nhà máy và báo cáo bảng lương phi nông nghiệp. Những báo cáo này có thể cung cấp manh mối về động thái tiếp theo của Fed đối với lãi suất.
GIÁ DẦU GIẢM MẠNH
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm mạnh trong phiên 3/6. Hợp đồng tương lai dầu Brent kỳ hạn tháng 8 giảm 3,4% xuống 78,36 USD/thùng, dầu thô WTI của Mỹ giảm 3,6% xuống mức 74,22 USD/thùng.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh, được gọi là OPEC +, đã quyết định gia hạn mức cắt giảm sản lượng lên khoảng 5,86 triệu thùng/ngày cho đến năm 2025. Cụ thể, họ sẽ duy trì mức cắt giảm 3,6 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm 2025. Trong khi đó, mức cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày sẽ được kéo dài thêm 3 tháng cho đến cuối tháng 9 năm nay và sau đó sẽ giảm dần từ tháng 10/2024 cho đến tháng 9/2025.
Quyết định gia hạn cắt giảm sản lượng có thể sẽ giữ cho cung và cầu cân bằng trong thời gian tới, nhưng việc bắt đầu loại bỏ dần việc cắt giảm từ quý 3 năm nay có thể gây ra vấn đề vào năm 2025.
“Điều này cho thấy tín hiệu mạnh mẽ rằng mức hỗ trợ thị trường cực độ của OPEC+, chủ yếu ở Arab Saudi, có thể không kéo dài mãi mãi. Và nó có thể trở thành vấn đề trong năm 2025”, tổ chức tài chính Macquarie cho biết trong một ghi chú.
Các nhà phân tích từ Goldman Sachs cũng đồng tình với quan điểm này.
Tuy nhiên, một số khác lại tin rằng việc loại bỏ dần việc cắt giảm sẽ không gây ra một làn sóng nguồn cung tràn ngập thị trường và đẩy giá xuống thấp hơn. UBS cho biết: “Chúng tôi tin rằng OPEC+ vẫn sẽ có sự linh hoạt và có thể chỉ sản xuất nhiều hơn nếu họ tin rằng những thùng dầu bổ sung sẽ được thị trường hấp thụ tốt”. UBS tiếp tục duy trì triển vọng tích cực, nhưng khiêm tốn, đối với giá dầu.