Dược phẩm Medibest nợ gần 700 triệu tiền bảo hiểm

Dược phẩm Medibest bị bêu tên trong danh sách chậm đóng bảo hiểm xã hội và các loại bảo hiểm khác của Bảo hiểm xã hội Khu vực 1...

Dược phẩm Medibest chậm đóng 3 tháng tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm khác

Mới đây, Bảo hiểm xã hội Khu vực 1 đã công bố danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tại nạn lao động – bệnh nghề nghiệp từ 2 tháng trở lên trên địa bàn thành phố Hà Nội tháng 6/2025.

Trong danh sách này có tên của Công ty Cổ phần Dược phẩm Medibest. Theo đó, Dược phẩm Medibest chậm đóng 698,7 triệu đồng tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm khác, thời gian chậm đóng là 3 tháng.

Được biết, Công ty Cổ phần Dược phẩm Medibest được thành lập năm 2014, tiền thân là Công ty TNHH Dược phẩm HiKid. Danh mục sản phẩm của MediBest bao gồm: Thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho người lớn.Thực phẩm bảo vệ sức khỏe bao gồm: bào chế dạng viên, dạng cốm, dạng lỏng...

Về việc doanh nghiệp nợ, chậm đóng các loại bảo hiểm cho người lao động khiến quá trình tích lũy thời gian đóng bảo hiểm, ảnh hưởng đến khả năng khám chữa bệnh, nhận trợ cấp thất nghiệp, thai sản, và cả chế độ hưu trí sau này…

Từ ngày 1/7/2025 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực đã nêu rõ hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội sẽ bị xử lý nghiêm, trong đó có truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, với hành vi chậm đóng, doanh nghiệp sẽ phải đóng đủ số tiền chậm đóng, nộp thêm khoản lãi 0,03%/ngày tính trên số tiền và số ngày trốn đóng, đồng thời bị xử phạt hành chính và không được xét thi đua, khen thưởng.

Đặc biệt, nếu trốn đóng, ngoài việc phải nộp đủ số tiền trốn đóng và lãi phạt như trên, doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Còn căn cứ điểm a khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, sẽ phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau:

Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng.

Còn nếu người sử dụng lao động là tổ chức vi phạm thì sẽ bị phạt gấp đôi từ 24% - 30% tổng số tiền bảo hiểm phải đóng nhưng không quá 150 triệu đồng.

Có thể bạn quan tâm