Nếu sáp nhập 3 quận này thành Khu đô thị sáng tạo phía Đông, đây sẽ là quả đấm kinh tế, dự báo đóng góp đến 30% GRDP của TPHCM. Điều này đồng nghĩa “Thành phố phía Đông” sẽ đóng góp kinh tế gấp 3 lần so với mức bình quân của toàn thành phố.
Cuối tháng 4 vừa qua, UBND TP. HCM quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố. Ban Chỉ đạo gồm 22 thành viên do Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong làm trưởng ban.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch phát triển tổng thể Khu đô thị sáng tạo phía Đông; xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tri thức, các chương trình kêu gọi đầu tư phát triển đô thị và thu hút nhân tài đến sống và làm việc; nghiên cứu các chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch và phát triển khu đô thị này...
Thời gian tới, thành phố sẽ xúc tiến, ký kết hợp đồng với các đơn vị tư vấn để cụ thể hóa ý tưởng thành bộ khung pháp lý về quy hoạch. Đồng thời, thành phố sẽ rà soát cơ sở pháp lý hiện nay, xây dựng các quy định mới tạo điều kiện thuận lợi nhất hình thành Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông. Đây là tiền đề cho ra đời thành phố khu Đông thuộc TP. HCM trong tương lai gần.
Việc chuẩn bị thành lập “Thành phố phía Đông” (gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức), đã được TP. HCM gấp rút chuẩn bị từ nhiều năm trước. Năm 2018, Thành phố đã tổ chức cuộc thi tuyển quốc tế “Ý tưởng quy hoạch phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao TPHCM”, thu hút nhiều chuyên gia quốc tế tham dự.
Theo lộ trình, đề án Khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ được TPHCM trình ra Quốc hội trong năm 2020. “Nếu được thông qua, từ năm 2021 trở đi TPHCM có thể bắt tay triển khai”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết.
Theo đề án thành lập “Thành phố phía Đông”, việc sáp nhập 3 quận ở phía Đông là để xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM nhằm phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có như: Các khu đại học ở quận Thủ Đức (đào tạo bậc cao), Khu công nghệ cao quận 9 (sản xuất tiên tiến), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (trung tâm tài chính và kinh doanh) và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đã và đang được hoàn thiện như Xa lộ Hà Nội, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, đường Phạm Văn Đồng...).