Khi còn bé, Jacques Torres chắc chắn tương lai mình sẽ trở thành thợ mộc giống bố. “Tôi biết mình sẽ làm việc bằng tay và trở thành thợ thủ công vào một ngày nào đó. Tôi thích làm những thứ như thế”, ông nhớ lại.
Torres đã đúng khi thực tế cho thấy ông làm việc liên quan đến đôi bàn tay và tạo nên các đồ vật, nhưng lại không lại không đi theo bước chân của bố.
Là một trong những người làm chocolate và bánh ngọt nổi tiếng nhất thế giới, Torres đã mở 7 cửa hàng bán lẻ với doanh thu 10 triệu USD mỗi năm về chocolate và các món bánh kẹo khác. Tất cả đều được làm tại nhà máy rộng gần 4.000 m2 tại Brooklyn (Mỹ) và gói trong những chiếc bao bì đặc trưng có màu cam và nâu của thương hiệu.
Torres cũng có chương trình cố định trên kênh ẩm thực. Năm 1998, ông ra mắt 52 tập chương trình có tên “Rạp xiếc tráng miệng với Jacques Torres”. Sau đó, ông dẫn dắt chương trình “Chocolate” trên Food Network và gần đây trở lại dẫn dắt một chương trình làm bánh thực tế trên Netflix.
Người đàn ông 59 tuổi không chắc điều gì đã mang lại động lực cho cuộc đời mình và nghĩ rằng có thể tất cả đến từ việc ông chào đời sớm đến hai tháng. “Bạn bè tôi nói rằng khi bạn phải chiến đấu cho cuộc sống từ quá sớm, cuộc đời sẽ cho bạn sức mạnh để đi tiếp. Nhưng tôi thấy mình cũng là một người rất may mắn”.
Torres và gia đình chạy khỏi chiến tranh tại Algeria và trốn đến miền Nam nước Pháp năm ông chỉ mới 3 tuổi. Cả gia đình sống tại một thị trấn nhỏ tại Bandol - đó là một thế giới hoàn toàn khác và nét đẹp của những bãi biển Provence đã quyến rũ Torres ngay khi ông còn rất nhỏ.
Mẹ ông thường tìm công việc dọn nhà để làm giữa những khoảng thời gian chăm sóc ba đứa con trai trong khi bố ông vẫn tiếp tục công việc của một người thợ mộc. Những ngày tháng ấy, Torres bị quyến rũ bởi tay nghề của bố. Nhiều năm sau, ông có thể tự tay làm các quầy, kệ hàng và đồ nội thất cho cửa hàng chocolate đầu tiên của mình tại Brooklyn. “Làm mọi thứ bằng tay đã nằm trong huyết quản của tôi”, ông nói và tình yêu với những món ăn cũng vậy.
Khi trở về nhà sau một ngày ở trường, Torres thường xem mẹ chuẩn bị những bữa ăn. “Hương vị món ăn ở miền Nam nước Pháp rất đặc biệt. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã cảm thấy rất biết ơn những món trái cây, rau quả và bánh mì tươi. Tôi luôn xem bà thực hiện và nghĩ rằng sẽ như thế nào nếu mình trở thành một đầu bếp”, ông nhớ lại.
Một phần chương trình cấp ba ở trường là hai năm học nghề. Tuy nhiên tại Bandol không có nhà hàng tốt nào để Torres đến thực tập nhưng lại có một cửa hàng bánh khá ổn. Vì vậy ông đã đến nói chuyện với người chủ cửa hàng và được nhận vào thực tập lúc 15 tuổi. “Tôi biết đó là một cuộc thương lượng lớn và tạo nên cuộc đời mình”, Torres kể.
Vào những ngày nghỉ học, ông sẽ đến cửa hàng bánh vào 5h để lau sàn và chuẩn bị mọi thứ cho buổi sáng. Cậu bé thực tập sinh bắt đầu yêu những chất nhớp nháp trên sàn nhà, mùi vị và cái không khí của tiệm bánh. Ông nói tất cả giúp bản thân trân trọng giá trị của làm việc chăm chỉ.
Torres học hỏi từng ngày thông qua công việc và ngấu nghiến những quyển sách về kỹ năng làm bánh. Ba năm sau, khi mới chỉ 18 tuổi, ông đã trở thành một thợ làm bánh chuyên nghiệp và tìm được công việc tại thị trấn lân cận.
Bước ngoặt lớn trong sự nghiệp đến với Torres vài năm sau đó khi ông quyết định chuyển đến thành phố Nice. Trẻ trung và táo bạo, cậu thanh niên ngày ấy đã đến thẳng quầy lễ tân của khách sạn Negresco ứng tuyển một vị trí tại nhà hàng nổi tiếng của họ là Le Chantecler, nơi có hai ngôi sao Michelin và được dẫn dắt bởi đầu bếp nổi tiếng Jacques Maximin. Torres nói ông chưa từng thấy căn bếp nào như thế và mọi người đều đội nón trắng.
Maximin thích vẻ ngạo mạn của chàng trai trẻ và nói sẽ giữ ông lại cho đến khi có sự thể hiện tốt. Vài tháng sau, đầu bếp làm bánh ở nhà hàng xin nghỉ và Torres trở thành người làm bánh tại đây. Lúc đó, ông chỉ mới 21 tuổi và chịu trách nhiệm toàn bộ những vấn đề liên quan đến bánh của khách sạn.
Sự thuần thục của Torres đã gây chú ý cho mọi người. Sau nhiều năm gia nhập khách sạn, ông nhận huy chương quốc gia Meilleur Ouvrier de France, một giải thưởng được đánh giá rất cao trong ngành ẩm thực Pháp. Torres là người trẻ nhất giành giải thưởng này và nhiều người cho rằng ông đã đến đỉnh cao của nghề nghiệp. “Ở tuổi 26, tôi đã đứng ở trên đỉnh và điều này làm cho tôi phải sợ. Đó là một gánh nặng mà tôi phải mang trên người”, ông chia sẻ.
Torres làm việc tại khách sạn Negresco trong 8 năm trước khi sẵn sàng cho một thử thách mới. Năm 1988, ông rời đi và trở thành trưởng bếp bánh toàn hệ thống của chuỗi khách sạn Ritz Carlton đặt trụ sở tại Atlanta (Mỹ) nhưng công việc này chỉ giữ chân ông trong một năm. Torres đã lọt vào mắt xanh của huyền thoại ngành nhà hàng Sirio Maccioni - người mời ông gia nhập nhà hàng nổi tiếng Le Cirque tại New York ở vị trí bếp trưởng về bánh.
“Tôi không thể nói không. Ông đưa ra đề nghị về một mức lương hấp dẫn và tôi nói với ông rằng mình sẽ tạo nên những món tráng miệng ngon nhất thế giới”. Trước sự ngờ vực của rất nhiều người, Torres đã chứng minh được thực lực và cống hiến hết mình suốt 12 năm ở đó. Tuy nhiên, đến một thời điểm, ông dần cảm thấy kiệt sức khi làm việc tại nhà hàng. “Ở New York, bạn không bao giờ có thể ngừng lại. Tôi làm việc quá nhiều giờ và quyết định cần phải thay đổi cuộc đời”, ông nói.
Điều này khiến ông suy nghĩ nên làm gì tiếp theo: làm bánh kem, kem hay chocolate. Torres nhận ra ở New York lúc đó chưa có ai làm tốt món chocolate. Với ý nghĩ ấy, năm 2000, ông quyết định nghỉ việc tại Le Cirque và đầu tư 120.000 USD tiền tiết kiệm hưu trí vào một hợp đồng thuê 10 năm cho một không gian thương mại trống trong một khu công nghiệp tại Brooklyn có tên gọi Dumbo.
Người đàn ông gốc Algeria và bạn bè tự lau dọn, sửa sàn nhà, trần nhà, lắp đặt điện và hệ thống ống nước. “Chúng tôi muốn nó sẽ sẵn sàng để có thể sản xuất trong ba tháng, có nghĩa là đến Giáng sinh”.
Kế hoạch đầu tiên của Torres chỉ là làm những món chocolate để bán cho các nhà hàng và khách sạn. Nhưng trong phút cuối, ông đã thay đổi suy nghĩ và quyết định mở cửa hàng bán lẻ và đặt tên công ty là Jacques Torres Chocolate.
Cửa hàng đầu tiên khai trương vào tháng 12/2000 mang đến nhiều lựa chọn về chocolate. Một nhà phê bình về ẩm thực đã viết một bài về thương hiệu này trên tờ New York Times - đó là một cách tiếp thị mà Torres cần để quảng bá cho nhãn chocolate của mình. Sự đánh cược đã được đền đáp xứng đáng khi bốn năm sau, ông khai trương cửa hàng thứ hai và đến nay công ty có 40 nhân viên. Torres cũng đã mở rộng thêm các sản phẩm khác như bánh quy, kem và đang nghĩ đến việc mở cửa hàng ở các thành phố khác như Chicago, Boston và Washington DC. “Sẽ rất tốt nếu bạn mở ra những ý tưởng khác và không đặt tất cả trứng vào một rọ”, ông giải thích.
Torres đã trở nên nổi tiếng đến mức người ta bắt đầu gọi ông là “ngài chocolate”. Khi đã chạm một ngưỡng mới của thành công, ở lứa tuổi gần đi qua sườn sốc bên kia của cuộc đời, Torres bắt đầu nghĩ đến việc trả lại cho xã hội và hướng dẫn những đầu bếp trẻ bởi cho rằng bên ngoài có rất nhiều người tài năng cần được giúp đỡ.
“Hãy hành động nếu bạn thật sự yêu thích. Có bao nhiêu đầu bếp có một sự nghiệp lẫy lừng, có lẽ chỉ khoảng 1-2%. Tôi thấy may mắn nhưng tôi cũng đã làm việc rất chăm chỉ”, ông dành lời khuyên này cho những người trẻ đang đứng trước những lựa chọn của cuộc đời.
Theo NDH