Là con gái của danh ca Paul McCartney trong nhóm nhạc huyền thoại Beatles, Stella McCartney được công chúng biết đến rộng rãi với vai trò là nhà thiết kế tiên phong trong công cuộc “xanh hóa” ngành công nghiệp may mặc. Với những thành công vang dội trong hiện tại, ít ai biết rằng Stella McCartney đã từng “đơn phương độc mã” trên hành trình tìm lại tiếng nói “xanh” cho thời trang thế giới.
Không chỉ vậy, Stella McCartney còn là nhà hoạt động vì môi trường đầy nhiệt huyết. Stella từng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Anh. Với vai trò là một nhà lãnh đạo tư tưởng, Stella mang theo nguyện vọng thúc đẩy những thay đổi mang tính bền vững hơn cho ngành công nghiệp may mặc và các doanh nghiệp có liên quan.
NHÀ THIẾT KẾ CÓ TƯ DUY SÁNG TẠO VÀ LỐI ĐI RIÊNG
Nhà thiết kế Stella McCartney sinh năm 1971 tại London. Stella McCartney bắt đầu hứng thú với thời trang từ khi còn rất nhỏ.
Kể từ khi bắt đầu thực tập cho nhiều nhà mốt và tốt nghiệp trường đại học danh tiếng Central Saint Martins, sự nghiệp của Stella McCartney nhanh chóng lên đà phát triển. Stella McCartney luôn nuôi dưỡng ước mơ về ngành công nghiệp thời trang bền vững từ khi còn là giám đốc sáng tạo của Chloé. Chính bởi lối tư duy đổi mới này, Stella McCartney đã sáng lập nên thương hiệu thời trang riêng mang tên mình – Stella McCartney.
Stella McCartney nhận được sức ảnh hưởng lớn từ bố mẹ về lối sống bảo vệ động vật và môi trường sống. Do đó, Stella McCartney là một trong số ít những nhà thiết kế thế hệ mới không sử dụng bất kỳ chất liệu được làm từ động vật.
Stella McCartney là người ăn chay trường nên cô không bao giờ sử dụng bất kì chất liệu da hay lông thú cho các thiết kế của mình. Stella là người hỗ trợ tích cực cho PETA - Tổ chức bảo vệ động vật. Stella McCartney đặc biệt không sử dụng các loại len, lụa hay những loại vải có nguồn gốc động vật.
Stella McCartney cố gắng thay thế bằng cách phát triển chất liệu thân thiện với môi trường như đồ giả da và cotton hữu cơ. Trong giới thời trang cao cấp, để cạnh tranh với những thương hiệu lâu đời mang tính biểu tượng như Chanel, Gucci, Dior… là một điều rất khó khăn. Bởi các thương hiệu thời trang cao cấp hầu hết sử dụng chất liệu như da cá sấu, lông cáo... trong các bộ sưu tập của họ.
Do đó, tư duy và lối đi mới của Stella McCartney đã tạo nên thành công lớn, tạo nên tiếng vang trong làng thời trang toàn cầu. Stella McCartney đã chứng mình rằng các thương hiệu thời trang hoàn toàn có thể sử dụng các vật liệu bền vững để thay thế. Điều đó hoàn toàn bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và không hề gây hại tới động vật, đặc biệt là các loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng.
Chỉ trích giới thời trang quá vô tâm khi lạm dụng động vật, Stella McCartney đã tạo ra cách để biến những chất liệu thay thế trở nên tinh xảo và đầy cám dỗ. Giày của Stella McCartney được làm từ vinyl hoặc plastic, còn túi và thắt lưng được làm chủ yếu từ sợi cọ hoặc vải. Ai trong giới thời trang cũng biết Stella McCartney là người luôn sát cánh cùng hội bảo vệ động vật Peta.
Stella McCartney từng chia sẻ: "Giết chết động vật để lấy da và lông là quá dã man và không cần thiết! Tôi đã dựng nên một hình mẫu doanh nghiệp lành mạnh, phát triển mà chẳng cần đến lông thú nào. Bạn có thể sáng tạo và đam mê với mô hình kinh doanh không dựa trên việc sát hại động vật này".
ĐẾN NỮ HOÀNG ĐẾ CHẾ THỜI TRANG BỀN VỮNG
Hơn 20 năm gắn bó với ngành thời trang bền vững, Stella McCartney đã thay đổi quan điểm mua sắm từ những khách hàng lâu năm của thời trang cao cấp.
Không ngạc nhiên khi đế chế Stella McCartney đứng vị trí độc tôn trong lĩnh vực thời trang bền vững trong thời gian rất dài. Nhiều người cho rằng cô có chiến lược kinh doanh khôn ngoan và mang tính xuyên suốt, thống nhất với nhau. Từ ý tưởng thiết kế, quy trình sản xuất, cửa hàng trưng bày đều tuân theo triết lý kinh doanh bảo vệ môi trường.
Năm 1997, Stella McCartney được bổ nhiệm chức Giám đốc sáng tạo của Chloé tại Paris, theo bước Karl Lagerfeld. Ông hoàng thời trang đã từng công khai không hứng thú với người kế nhiệm vì cho rằng Chloé nên chọn một nhân vật có tiếng tăm trong thời trang chứ không phải âm nhạc. Mặc cho những hoài nghi ban đầu, những thiết kế của Stella đạt thành công cả về thương mại lẫn chuyên môn với sự hỗ trợ của người bạn, trợ lý Phoebe Philo, người sau này thay thế vị trí của Stella.
Năm 2001, Stella McCartney ra mắt nhãn thời trang mang tên mình dưới sự liên doanh với nhà Gucci và cho ra mắt bộ sưu tập đầu tiên ở Paris. Stella hiện nay sở hữu 17 cửa hàng ở nhiều thành phố lớn như New York, London, Los Angeles, Paris, Barcelona, Milan, Rome, Miami...
Năm 2003, cô ra mắt dòng nước hoa đầu tiên mang tên Stella. 2007, McCartney ra mắt thêm dòng sản phẩm chăm sóc da CARE. Năm 2008, dòng đồ lót của cô được khai trương. 2010, các bộ sưu tập Stella McCartney Kids được giới thiệu với những thiết kế cho trẻ sơ sinh đến tuổi 12.
Năm 2012, Stella McCartney đích thân mời ban Soul Rebels Brass band biểu diễn tại buổi trình diễn mùa Xuân tổ chức tại New York Marble Cemetery. Khách mời gồm đông đảo những tên tuổi lớn trong ngành thời trang như Anne Hatheway, Anna Wintour, Jim Carrey, Solange Knowles, Annie Leibovitz...
Bên cạnh đó, Stella McCartney còn từng hợp tác với Addidas với những trang phục cho các vận động viên Olympic của Mỹ, H&M hay Target, Úc. Stella còn thiết kế bộ áo cưới cho Madona, trang phục cho Gwyneth Paltrow và Jude Law trong Sky Captain and the World of Tomorrow.
Trong suốt sự nghiệp, nhà thiết kế lừng danh Stella McCartney giành rất nhiều những giải thưởng danh giá. Đáng chú ý nhất là vào năm 2011, cô nhận được giải thưởng “Trang phục thảm đỏ” bởi Hiệp hội thời trang Vương quốc Anh. Cô được bổ nhiệm vào hàng ngũ OBE (Cán bộ danh dự hoàng gia vương quốc Anh) vì những đóng góp trong ngành thời trang năm 2013. Trong tháng 2/2018, Stella lọt top 100 phụ nữ quyền lực nhất Vương quốc Anh do Woman’s Hour bình chọn trên BBC Radio.