EVN Finance toan tính gì khi rót 582 tỷ vào hai công ty?

Công ty tài chính CP Điện lực EVN Finance đã tỏ ra khá “hào phóng” khi đầu tư mua cổ phiếu của các công ty bất động sản “ruột”. Hiệu quả chưa thấy đâu nhưng một số khoản đầu tư đã bị “bốc hơi”, có ngu
EVN Finance toan tính gì khi rót 582 tỷ vào hai công ty?

EVN Finance tỏ ra khá “hào phóng” khi đầu tư mua cổ phiếu Novaland 

Trong khi nhiều công ty tài chính làm ăn thua lỗ, bết bát đã buộc phải sáp nhập trước nguy cơ phá sản thì EVN Finance lại vẫn dư dả vốn hoạt động, đẩy mạnh cho vay, tìm kiếm lợi nhuận… Hiện, EVN Finance dẫn đầu về quy mô vốn điều lệ đạt 2.500 tỷ đồng và tổng tài sản đạt 19.321 tỷ đồng vào cuối năm 2015.

“Vung tiền” cho vay

Với nguồn vốn dư dả, EVN Finance liên tục đẩy mạnh cho vay và gửi tiền vào các tổ chức tín dụng khác, tăng tín dụng, đầu tư chứng khoán… Cụ thể, tại ngày 31/12/2015, công ty có gần 3.878 tỷ đồng (tăng 2,3% so với năm trước) tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác, trong đó tiền gửi chiếm gần 2.668 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng hơn 14,5% (tương ứng 1.098 tỷ đồng), đạt 8.694 tỷ đồng, song dự phòng rủi ro cho vay tăng lên mức 122 tỷ đồng.

Tính chung 3 năm (2013-2015), tổng số dự phòng rủi ro lên tới 534,6 tỷ đồng. Báo cáo của EVN Finance không thuyết minh cụ thể phân loại chất lượng nợ nên chưa rõ tình trạng nợ xấu có ở mức độ nguy hiểm hay không. Hoạt động đầu tư chứng khoán của EVN Finance cũng diễn ra rất sôi động, quy mô khoản đầu tư ngày càng “phình” to kéo theo dự phòng rủi ro tăng nhanh.

Cụ thể, đến cuối năm 2015, EVN Finance có hơn 345,7 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh và 3.964 tỷ đồng chứng khoán đầu tư, và tổng số dự phòng rủi ro tăng tới 30,6%, lên mức 142 tỷ đồng. Và công ty đã bị lỗ hơn 11 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư chỉ lãi vỏn vẹn… 817 triệu đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng bất ngờ bị lỗ hơn 12,8 tỷ đồng trong khi năm trước lãi gần 5,5 tỷ đồng.

Ba năm qua, EVN Finance vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận, đơn cử: năm 2013 lợi nhuận sau thuế đạt 93,5 tỷ đồng, năm 2014 là 108,6 tỷ đồng và năm 2015 đạt 134,9 tỷ đồng (tăng 24,2%)… Mức lãi cơ bản trên cổ phiếu EVN Finance ghi nhận trên sổ sách là 540 đồng/CP, tăng cao hơn mức 434 đồng/CP của năm trước.

Dù báo lãi cao nhưng hiện EVN Finance vẫn tiềm ẩn nguy cơ giảm lãi do các khoản phải thu hơn 1.211 tỷ đồng, lãi và phí phải thu 1.402 tỷ đồng… Phần dự phòng rủi ro cho các tài sản Có nội bảng khác hiện lên tới hơn 272 tỷ đồng. Mà các khoản lãi dự thu này, theo một số chuyên gia tài chính cũng đang tồn tại ở nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng dẫn tới lợi nhuận “ảo” trên sổ sách.

“Bơm” vốn cho BĐS

Hai năm 2014-2015, đơn vị kiểm toán đều lưu ý hàng loạt vấn đề tài chính của EVN Finance như: Chính sách dự phòng rủi ro đối với các khoản phải thu từ các hợp đồng mua và bán lại, hỗ trợ hợp tác đầu tư, phải thu chậm trả trong nghiệp vụ nhận ủy thác, các khoản uỷ thác đầu tư, các khoản phải thu khác…

Do đó, kết quả kinh doanh có nguy cơ “đổi chiều” nếu tính đầy đủ các khoản dự phòng rủi ro. Phải chăng đây là nguyên nhân khiến công ty này “giấu” không công bố báo cáo tài chính đầy đủ? Theo tìm hiểu, được biết EVN Finance tiến hành đầu tư lượng lớn cổ phiếu của các công ty kinh doanh ở lĩnh vực bất động sản.

Thương vụ thứ nhất là cuối năm 2014, EVN Finance mua lại 19,95 triệu cổ phiếu OCH (tỷ lệ 9,975% vốn điều lệ) – Công ty CP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (mã:OCH) thuộc Tập đoàn Ocean Group. Khi đó, Ocean Group đang gặp khủng hoảng trầm trọng sau khi hàng loạt lãnh đạo cấp cao bị bắt giam, phải bán bớt tài sản (đất đai, dự án, cổ phiếu…) để trả nợ nần.

Dù chưa hoàn thành chuyển nhượng cổ phiếu OCH, song EVN Finance đã ứng trước 240 tỷ đồng cho Ocean Group, tương ứng giá mua 12.000 đồng/CP. Đến ngày 17/7/2015, giao dịch chuyển nhượng này mới hoàn thành. Tuy nhiên, EVN Finance đã bị lỗ đậm trong thương vụ này bởi cổ phiếu OCH liên tục mất giá tới 76%, từ mức 25.000 đồng/CP xuống còn 6.000 đồng/CP trong năm 2015. Tính theo giá cổ phiếu OCH hiện là 6.300 đồng/CP thì lô 19,95 triệu cổ phiếu “ngót” đi còn 125 tỷ đồng, tức chỉ bằng một nửa số tiền EVN Finance đã chi ra…

Thương vụ thứ hai còn kỳ lạ hơn, khi EVN Finance quyết định chi ra 342 tỷ đồng mua cổ phiếu của Công ty CP địa ốc Novaland Group – chủ đầu tư của hơn 24 dự án bất động sản lớn ở TP.HCM. Tập đoàn này liên tục tăng vốn điều lệ rất nhanh chóng, hiện đạt 3.600 tỷ đồng nhưng tình hình tài chính, lỗ lãi của Novanland ra sao hiện vẫn là điều… bí ẩn (!?) Theo các tài liệu hiện có, tháng 8/2015 EVN Finance quyết định mua 5,7 triệu cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi Novaland (kỳ hạn 2 năm, cổ tức ưu đãi 3.000 đồng/CP, giá mua 60.000 đồng/CP).

Hết thời hạn này, nếu Novaland không mua lại toàn bộ cổ phần này thì phải chuyển nhượng cho người mua là 3 cổ phần phổ thông Novaland Group đối với mỗi cổ phần ưu đãi không được mua lại với giá 0 đồng. Nếu tình huống này xảy ra, EVN Finance sẽ sở hữu tối đa tới 17,1 triệu cổ phiếu phổ thông, chiếm tỷ lệ 4,75% vốn điều lệ Novaland.

Liệu rằng EVN Finance đã tiến hành thẩm định, đánh giá năng lực tài chính, khả năng trả nợ của Novaland hay Ocean Group ra sao để chi tới 582 tỷ đồng mua cổ phiếu? Chủ trương đầu tư chứng khoán, cho vay là của Hội đồng quản trị, song khi khoản đầu tư thua lỗ, có nguy cơ mất vốn thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Thu Hằng

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…