FDI liên tục “đổ tiền” vào Việt Nam giúp bất động sản khu công nghiệp tăng trưởng ấn tượng

Với dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam ngày càng mạnh mẽ, thị trường bất động sản khu công nghiệp đang có rất nhiều ưu thế trong tương lai...

diendandoanhnghiepvn-media-uploaded-477-2022-01-26-dat-khu-cong-nghiep-khai-niem-thoi-han-su-dung-tiem-nang-sinh-loi-rui-ro.jpg
Các tỉnh thành phía Bắc tiếp tục là địa điểm yêu thích của dòng vốn FDI

Nhiều doanh nghiệp ngoại đang "rót tiền" để làm nhiều dự án lớn tại Việt Nam, kéo theo nhu cầu thuê đất công nghiệp tăng cao. Đặc biệt, các ông lớn nước ngoài đang tập trung đầu tư vào các ngành công nghiệp hiện đại như chế biến, chế tạo và công nghệ cao.

TỶ LỆ LẤP ĐẦY DUY TRÌ MỨC CAO

Theo báo cáo ngành bất động sản khu công nghiệp của Shinhan Securities hiện nay dòng vốn FDI tiếp tục duy trì sự tăng trưởng ổn định qua các tháng. Tình hình xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI có sự cải thiện rõ rệt qua từng tháng. Điều này cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam tiếp tục duy trì tích cực, qua đó tạo cơ sở cho triển vọng nguồn vốn FDI tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.

Tình hình vốn FDI giải ngân có sự tăng trưởng ổn định, lũy kế 9 tháng đầu năm 2024 ghi nhận vốn FDI giải ngân đạt 17,34 tỷ USD tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tiếp tục xu hướng tích cực. Đặc biệt, đầu tư mới và điều chỉnh tăng cả về số lượng dự án cũng như quy mô vốn đầu tư.

Hiện nay, các tỉnh thành như Bắc Ninh, TP.HCM, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội, và Đồng Nai là những điểm đến chủ yếu của dòng vốn FDI vào Việt Nam. Đáng chú ý là các tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu và Bắc Ninh khi tăng trưởng lần lượt gấp 5,37 và 3,49 lần so với cùng kỳ. Vị trí chiến lược và đầu tư cơ sở hạ tầng mạnh mẽ là các yếu tố góp phần vào sự tăng trưởng nguồn vốn FDI của các tỉnh thành trong nước.

anh-man-hinh-2024-11-08-luc-103526.png

“Các tỉnh thành phía Bắc tiếp tục là địa điểm yêu thích của dòng vốn FDI khi nguồn cung bất động sản khu công nghiệp tại đây vẫn dồi dào và chi phí thuê rẻ hơn so với các tỉnh miền Nam”, báo cáo nhấn mạnh.

Đáng chú ý, các nhà đầu tư đến từ Châu Á là Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan vẫn là các đối tác đầu tư truyền thống chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu vốn FDI đăng ký 9 tháng đầu năm 2024. Riêng 6 đối tác này đã chiếm tới 81% tổng vốn FDI đăng ký của cả nước trong 9 tháng đầu năm 2024.

Và lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực đầu tư chủ yếu của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, chiếm 63% nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, tổng vốn FDI đăng ký hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 4,38 tỷ USD, gấp 2,26 lần so với cùng kỳ. Lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, nhà ở và văn phòng là các lĩnh vực đang được hưởng lợi từ dòng vốn FDI.

Shinhan Securities ước tính nguồn cung bất động sản khu công nghiệp trong năm 2024 tại hai vùng phía Bắc và phía Nam tăng trưởng lần lượt là 7% và 6,4%. Trong đó, nguồn cung tại khu vực miền Bắc chủ yếu tập trung tại các tỉnh như Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên. Đối với khu vực miền Nam nguồn cung chủ yếu sẽ nằm tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa Vũng Tàu.

Còn giá đất khu công nghiệp được dự phóng sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định 5 - 10%/năm 2024 và 2025 nhờ nhu cầu thuê ổn định, và nguồn vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Tỷ lệ lấp đầy dự kiến tiếp tục duy trì ở mức cao với 84% tại khu vực miền Bắc và 93% tại khu vực miền Nam.

anh-man-hinh-2024-11-08-luc-103512.png

Đánh giá về thị trường, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao Chi nhánh CBRE Việt Nam tại Hà Nội, cho biết: “Trong thời gian gần đây, chúng tôi quan sát thấy nhiều dự án kho xưởng cao tầng bắt đầu được triển khai và lên kế hoạch tại khu vực phía Bắc, tại các vị trí kết nối thuận tiện với Hà Nội và giá thuê đất công nghiệp cao – xu hướng đã xuất hiện trong một vài năm trước tại thị trường Miền Nam. Đây là giải pháp giúp chủ đầu tư tối ưu hóa hệ số sử dụng đất, tăng nguồn cung ở các khu vực kết nối thuận tiện tới Hà Nội và giúp thị trường có thêm nhiều sản phẩm đa dạng”.

Tại miền Nam đang có sự đầu tư mạnh mẽ hơn trong phát triển hạ tầng giao thông, thị trường bất động sản khu công nghiệp đang lan ra những khu vực mới như các thị trường cấp 2 và đồng bằng sông Cửu Long, mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư.

“Thị trường bất động sản khu công nghiệp từng là thị trường truyền thống, chủ yếu được phát triển bởi các chủ đầu tư trong nước. Tuy nhiên trong những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ hơn từ các chủ đầu tư nước ngoài, đến từ Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan”, chuyên gia CBRE nêu rõ.

CƠ HỘI NGHÌN NĂM CÓ MỘT

Động lực vốn ngoại vẫn đang thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền kinh tế trong nước, tại diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam 2024, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam có rất nhiều lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư với các nước, đặc biệt là sự ổn định về chính trị, giúp nhà đầu tư nước ngoài xác định mục tiêu đầu tư lâu dài.

Tiếp đến, nền kinh tế Việt Nam luôn duy trì được mức độ tăng trưởng cao ổn định và có sự hội nhập sâu rộng khi tham gia vào 16 Hiệp định thương mại tự do (FTAs), nơi có sự tham gia của các nền kinh tế lớn, nên có không gian vô cùng lớn, nhiều cơ hội cho nhà đầu tư.

dia-oc-xanh-toan-cau.jpg
giá đất khu công nghiệp được dự phóng sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định 5 - 10%/năm

Bên cạnh đó, Việt Nam có thị trường 100 triệu dân, lực lượng lao động dồi dào với 57-59 % người trong độ tuổi lao động và đang được bổ sung với trình độ rất tốt. Thay vì trước đây thu hút đầu tư lao động giá rẻ, giờ đây Việt Nam có điều kiện thu hút đầu tư chất lượng cao hơn nhờ chất lượng lao động được nâng lên.

Về chính sách, các đột phá chiến lược mà Chính phủ tập trung thực hiện đang thay đổi hàng ngày hàng giờ. Đơn cử như hạ tầng có sự phát triển vượt bậc về đường bộ, hàng không, tương lai là đường sắt. Hiện nay, Chính phủ đang quyết liệt tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Các mảng liên quan đến ngành mới như bán dẫn, Al, công nghệ cao, Chính phủ đều thành lập các tổ công tác để trực tiếp làm việc với các nhà đầu tư.

Còn lĩnh vực công nghệ cao, hàng tuần Chính phủ và các Bộ, ngành đều họp trao đổi để đề xuất những chính sách hỗ trợ cho đầu tư. Trong đó, Chính phủ đã thành lập tổ công tác để hiện thực mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn đến năm 2030.

Theo Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài năm 2023, FDI duy trì tốc độ tăng 34%, trong 7 tháng đầu năm tăng gần 11 %, trong đó có trên 70% nằm trong lĩnh vực chế tạo, điều đó cho thấy đầu tư ngành công nghệ cao đang tăng.

“Nhiều nhà đầu tư nhận định Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn, đây là cơ hội tốt. Có ý kiến cho rằng đây là cơ hội nghìn năm có một trong thu hút đầu tư chất lượng cao. Đây cũng là cơ hội cho thị trường bất động sản công nghiệp phát triển bùng nổ trong thời gian tới”.

anh-chuan-9999.jpg
Ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Không những thế, xu hướng hiện nay đang chuyển từ trạng thái thu hút đầu tư sang hợp tác đầu tư nước ngoài để cùng nhau phát triển, cùng hưởng thành quả, nên hiển nhiên Việt Nam rất có lợi trong xu hướng này.

Dù có nhiều tín hiệu lạc quan trong việc thu hút đầu tư ngành bán dẫn nhưng ông Chung lưu ý, việc chuyển sang thu hút FDI chất lượng cao có chọn lọc, đặt ra thách thức cho các Ban quản lý các khu công nghiệp cần nâng cao chất lượng như quy mô phải lớn hơn, hạ tầng đồng bộ hiện đại hơn, đảm bảo môi trường xanh hơn...

Một nội dung nữa cần lưu ý là giá dịch vụ khu công nghiệp cần giữ ở mức hợp lý, bởi nếu cứ tăng giá thì đến lúc nào đó khả năng cạnh tranh sẽ bị ảnh hưởng.

Đối với giải pháp tăng cường thu hút ngành bán dẫn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Chính phủ xây dựng cơ chế thu hút đầu tư có chọn lọc liên quan đến ngành Al, bán dẫn.

Hiện nay, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Nghị định thành lập quản lý quỹ hỗ trợ đầu tư, trong đó có cơ chế ưu đãi cho ngành bán dẫn. Ngoài ra, nguồn quỹ này cũng hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước phục vụ cho các ngành mũi nhọn của Việt Nam.

Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các chính sách ưu đãi hiện nay để tập trung vào những ngành trọng điểm, lĩnh vực trọng điểm. “Khi các chính sách ưu đãi này được Quốc hội thông qua, tôi tin rằng sẽ hỗ trợ nguồn lực cho thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản công nghiệp nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhà đầu tư”, ông Chung kỳ vọng.

Xem thêm

Hành trình 10 năm với những dấu ấn khác biệt của Masterise Homes

Hành trình 10 năm với những dấu ấn khác biệt của Masterise Homes

Liên tục giới thiệu những sản phẩm cao cấp, phát triển các dự án bất động sản hàng hiệu, sáng tạo trong các hoạt động vì cộng đồng, hành trình 10 năm qua của Masterise Homes đã ghi được nhiều dấu ấn khác biệt với khách hàng, đối tác và cộng đồng…

Có thể bạn quan tâm

Vinhomes ra mắt nhà mẫu The Premium

Vinhomes ra mắt nhà mẫu The Premium

Sự kiện ra mắt nhà mẫu Vinhomes The Premium đã thực sự làm nóng thị trường bất động sản Thanh Hóa, với thiết kế lấy cảm hứng từ những khu vườn Nhật Bản, cùng hệ thống tiện ích đẳng cấp 5 sao như bể bơi vô cực...

Aqua City là một trong những dự án then chốt của Novaland

Novaland nhận tin vui khi nút thắt pháp lý Aqua City được tháo gỡ

Ngày 19/11, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Võ Tấn Đức chính thức phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung 1/10.000, đánh dấu bước quyết định trong việc tháo gỡ pháp lý cho dự án Aqua City của Tập đoàn Novaland, vốn đã bị vướng mắc hơn 2 năm qua…