FLC tăng kịch biên độ trong 4 phiên liên tục

Các cổ phiếu FLC, ROS và HAI đã tăng kịch biên độ trong 4 phiên liên tục từ 22/6 đến 27/6. Tuần sau, Tập đoàn FLC sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường lần 2.
FLC tăng kịch biên độ trong 4 phiên liên tục

Kết phiên ngày 27/6, các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam đều tăng hơn 1%. VN-Index thêm 17 điểm và lấy lại mốc 1.200, VN30-Index đi lên 1,72%. Toàn thị trường có 66 mã tăng kịch trần trong đó có ba mã liên quan đến nhau là FLC của Tập đoàn FLC, ROS của Xây dựng FLC Faros và HAI của Nông dược HAI.

Đây là phiên thứ 4 liên tiếp FLC, ROS và HAI đóng cửa trong sắc tím và dư mua giá trần hàng triệu đơn vị.

Cả ba cổ mã cổ phiếu này đều đang trong thời gian hạn chế giao dịch và chỉ được mua bán trong buổi chiều kể từ 1/6/2022. Nguyên nhân là ba doanh nghiệp niêm yết đều chậm nộp báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

Về mối quan hệ giữa ba doanh nghiệp nói trên, bà Bùi Hải Huyền, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, cũng đang giữ chức Thành viên HĐQT của Nông dược HAI. Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và cựu Phó Chủ tịch FLC Hương Trần Kiều Dung đều đã từng làm Chủ tịch Xây dựng FLC Faros.

Ông Quyết và bà Dung đã bị khởi tố về tội thao túng thị trường chứng khoán và bắt tạm giam lần lượt vào ngày 29/3 và 8/4 nên không còn trong Hội đồng quản trị (HĐQT) của Tập đoàn FLC.

Ngày 23/6 vừa qua, một thành viên HĐQT của FLC là ông Lã Quý Hiển đã xin từ nhiệm. Như vậy, HĐQT nhiệm kỳ 2021 – 2026 của Tập đoàn FLC từ 5 thành viên ban đầu hiện chỉ còn lại hai người là Chủ tịch Đặng Tất Thắng và Tổng Giám đốc Bùi Hải Huyền.

Ban Kiểm soát của Tập đoàn FLC nhiệm kỳ 2021 - 2026 ban đầu có ba người nhưng cả ba đều đã xin từ nhiệm sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam.

Ngày 2/7 tới đây, FLC sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường lần 2 để bầu bổ sung nhân sự vào HĐQT và Ban Kiểm soát. Đại hội bất thường lần 1 được tổ chức vào ngày 10/6 nhưng không thành công do không đủ cổ đông tham dự.

Đại hội bất thường dự kiến sẽ bầu bổ sung ba thành viên HĐQT thay cho ông Quyết, bà Dung và ông Hiển, đồng thời bầu bổ sung toàn bộ ba thành viên Ban Kiểm soát.

Đại hội cổ đông lần đầu của FLC đòi hỏi các cổ đông tham dự phải đại diện trên 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thì mới đủ điều kiện tiền hành. Thực tế ngày 10/6, các cổ đông tham dự chỉ đại diện cho 33,1% số cổ phần.

Đại hội bất thường lần 2 tổ chức ngày 2/7 tới đây yêu cầu các cổ đông tham dự đại diện cho ít nhất 33% tổng số cổ phần là đủ điều kiện diễn ra nên khả năng thành công sẽ cao hơn lần 1.

Một mình cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đã sở hữu tới 30,34% vốn của FLC. Trước khi bị bắt tạm giam, ông Quyết đã ủy quyền toàn bộ số cổ phần tại Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways cho bà Vũ Đặng Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC.

Nếu bà Yến tham dự đại hội cổ đông bất thường lần 2 thì các cổ đông tham dự khác chỉ cần đại diện cho khoảng 3% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết là đại hội sẽ đủ điều kiện tiến hành.

Chủ tịch Tập đoàn FLC Đặng Tất Thắng hiện nay cũng đồng thời là Chủ tịch hãng hàng không Bamboo Airways.

Hiện nay Tập đoàn FLC, Xây dựng FLC Faros và Nông dược HAI đều chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 và báo cáo thường niên 2021 nên chưa đủ điều kiện tổ chức đại hội thường niên.

Ngoài FLC, ROS và HAI, thị trường ngày 27/6 còn ghi nhận nhiều cổ phiếu tăng trần khác như VND, BSI, HCM, CTS ở nhóm công ty chứng khoán, HVN ở ngành hàng không và HSG ở ngành thép.

Ngày 28/6, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022 để thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 cũng như đề án tái cơ cấu toàn diện giai đoạn 2021 – 2025.

Liên quan tới HSG, Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen vừa thông báo đã bán sạch 17,75 triệu cổ phiếu HSG theo phương thức thỏa thuận, giảm tỷ lệ sở hữu tại Tập đoàn Hoa Sen từ 3,6% còn 0%.

Cả Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen và Tập đoàn Hoa Sen đều do ông Lê Phước Vũ làm Chủ tịch. Giao dịch được thực hiện trong ngày 24/6 ở mức giá sàn 14.100 đồng/cp và đem về cho Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen 250 tỷ đồng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...