GDP bình quân đầu người tăng lên gần 2.800USD/năm

Năm 2019 quy mô GDP và GDP bình quân đầu người tăng lên, đạt khoảng 267 tỷ USD và gần 2.800 USD (năm 2018 đạt 245,2 tỷ USD và khoảng 2.590 USD).
GDP bình quân đầu người tăng lên gần 2.800USD/năm

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của Chính Phủ cho biết tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 về quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng, tăng trưởng kinh tế đạt khá cao, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định.

Cụ thể, quy mô GDP và GDP bình quân đầu người tăng lên, đạt khoảng 267 tỷ USD và gần 2.800 USD (năm 2018 đạt 245,2 tỷ USD và khoảng 2.590 USD). Tốc độ tăng GDP đạt 7,02% (tăng so với số đã báo cáo là 6,8%), vượt mục tiêu Quốc hội đề ra, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao của khu vực và quốc tế.

Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát tốt, CPI bình quân năm 2019 tăng 2,79% (số đã báo cáo là 2,7-3%), thấp hơn mục tiêu đề ra và thấp nhất trong 3 năm qua.

Các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng diễn biến tích cực, phù hợp với định hướng điều hành, tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức 4,43% (giảm so với số đã báo cáo là 5,39%), tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,63%.

Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán 9,9% (tăng so với số đã báo cáo là 3,3%). Cơ cấu thu, chi ngân sách nhà nước chuyển biến tích cực, tỷ trọng thu nội địa tăng, đạt mức 82,1% (năm 2018 là 80,6%), tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt 29,2% (năm 2018 là 29,4%); bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát, bằng 3,36% GDP (giảm so với số đã báo cáo là khoảng 3,4%).

Nợ công giảm còn 54,7% GDP, nợ Chính phủ khoảng 47,7% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47% GDP (số đã báo cáo lần lượt là: 57%; 50%; 46%).

Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 33,9% GDP. Trong đó, đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước là chủ yếu, chiếm tỷ trọng 46% (số đã báo cáo là 45,3%), phù hợp với định hướng cơ cấu lại đầu tư, giảm dần sở hữu Nhà nước tại các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tạo động lực thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, đạt 38 tỷ USD, tăng 7,2% (năm 2018 giảm 2%), vốn thực hiện đạt 20,4 tỷ USD (năm 2018 đạt 19,1 tỷ USD). Hiệu quả đầu tư được cải thiện, hệ số ICOR năm 2019 khoảng 6,07, bình quân giai đoạn 2016-2019 giảm còn 6,14 (giai đoạn 2011-2015 là 6,25).

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn tăng, đạt trên 517 tỷ USD (giảm so với số đã báo cáo là 525 tỷ USD), và cán cân thương mại duy trì trạng thái tích cực, xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp với mức thặng dư trên 11 tỷ USD, chiếm 4,2% kim ngạch xuất khẩu (tăng so với số đã báo cáo là thặng dư khoảng 1 tỷ USD và chiếm 0,4% kim ngạch xuất khẩu).

Đáng chú ý, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 264,2 tỷ USD, tăng 8,4%, vượt mục tiêu đề ra (7-8%), trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh (21,9%) và cao hơn nhiều so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (3%).

Có thể bạn quan tâm