GDP ngành nông nghiệp năm 2023 đạt 3,83%, khẳng định vị thế trụ đỡ của nền kinh tế

Ngành nông nghiệp năm 2023 được đánh giá là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế khi GDP toàn ngành đạt 3,83%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp to lớn cho mức tăng trưởng của nền kinh tế chung…

GDP ngành nông nghiệp năm 2023 đạt 3,83%

Chiều 3/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Theo đó, GDP toàn ngành nông nghiệp năm 2023 đạt 3,83%, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế.

NÔNG NGHIỆP LÀ TRỤ ĐỠ CỦA NỀN KINH TẾ

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 là năm thực hiện đổi mới tư duy và mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp. Về những điểm sáng, thành tích nổi bật năm 2023, Bộ cho biết, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế.

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Toàn cảnh buổi hội nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiều nay

Sản lượng lúa đạt 43,5 triệu tấn, tăng 1,9% và năng suất đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha; sản lượng thịt hơi các loại 7,79 triệu tấn, tăng 6,38%; sản lượng thủy sản 9,32 triệu tấn, tăng 2,3%; sản lượng gỗ khai thác 20,84 triệu m3, tăng 2,8%. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 1.200 tỷ đồng.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản duy trì mức cao trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Trong đó một số mặt hàng tăng cao kỷ lục, như rau quả 5,69 tỷ USD, gạo 4,78 tỷ USD, hạt điều 3,63 tỷ USD. Việt Nam cũng đã sản xuất và xuất khẩu vắc xin thương mại phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Bên cạnh đó, ngành đã phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản theo hướng chế biến sâu, giá trị cao. Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững ngành.

Ngành cũng tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế như festival quốc tế ngành hàng lúa gạo, festival bảo tồn và phát triển làng nghề, hội nghị bộ trưởng ASEAN về phòng chống thiên tai… Qua đó, giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu nông lâm thủy sản trong nước, khu vực và quốc tế, thúc đẩy tiêu thụ nông sản.

Đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới. Trong tổng số 20 tỉnh, thành phố có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Sản phẩm OCOP phát triển nhanh về lượng và nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu. Đến nay có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm) với 5.724 chủ thể tham gia, có gần 20.500 HTX nông nghiệp và 19.660 trang trại. Về đầu tư xây dựng cơ bản, Bộ được giao 9.852 tỷ đồng và giải ngân trên 94,6%.

Bên cạnh những thành tích đạt được, ngành nông nghiệp cũng nhìn nhận đối mặt với một số khó khăn, hạn chế như 3 quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (về lâm nghiệp, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão) chưa được ban hành đúng kế hoạch; tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản mới chỉ gần đạt chỉ tiêu Chính phủ giao; các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hiệu quả chưa thật sự ổn định; còn điểm nóng về phá rừng, chưa gỡ được “Thẻ vàng” của EC; sạt lở bờ sông, bờ biển, tiếp tục diễn ra. Ngoài ra, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn những bất cập so với yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

6 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TẠO ĐÀ TĂNG TỐC CHO NĂM 2024

Năm 2024, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3-3,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 54 - 55 tỷ USD. Bên cạnh đó, ngành cũng đặt mục tiêu tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%, tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 58%, tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới 82%.

Để đạt được những mục tiêu đó, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, thực hiện các luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo động lực tăng trưởng ngành. Thứ nhất là tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi.

Hai là định hướng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường, bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ba là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu.

Bốn là đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Năm là phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua tháo gỡ rào cản, nút thắt cơ chế, chính sách, gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.

Sáu là đổi mới phương thức, nội dung, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhất là truyền thông chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Ngoài ra, phát biểu trong hội nghị, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ, ngành không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, không chủ quan, lơ là, không bi quan, lo sợ trước những diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức, tình hình luôn thay đổi.

Thủ tướng yêu cầu quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, thực hiện phương châm chỉ đạo, điều hành năm 2024 của Chính phủ là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”.

Đồng thời, coi trọng, tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức, cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Có thể bạn quan tâm