Theo đó, giá bán điện bình quân sẽ tăng thêm 55,93 đồng/kWh, tương đương tăng 3%. Như vậy, một kWh sẽ được bán với giá 1.920,37 đồng, mức giá này chưa bao gồm thuế VAT.
Bộ Công Thương cho biết, việc thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 thời điểm hiện tại thuộc thẩm quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Điều này tuân thủ theo quy định tại Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Lãnh đạo Bộ cũng cho biết, phương án đề xuất tăng giá điện đã được tính toán kỹ và có lộ trình phù hợp. Điện hiện nay chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Theo số liệu công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện 2022 được Bộ Công Thương công bố cuối tháng 3, giá sản xuất là 2.032,26 đồng một kWh, tăng 9,27% so với năm 2021. Tức là với mức giá bán lẻ bình quân hiện hành 1.864,44 đồng, EVN đang bán lỗ gần 168 đồng một kWh.
Thuonggiaonline cũng đã đưa, tính riêng kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện EVN lỗ 36.294,15 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ vào khoản thu nhập từ hoạt động tài chính và tiền bán công suất phản kháng thì mức lỗ giảm xuống còn 26.235,78 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).
Trước đó, Bộ Công Thương yêu cầu EVN thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh điện, cải thiện tình trạng tài chính. Trong đó bao gồm việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đàm phán với các nhà đầu tư, nhà cung cấp, hộ bán điện theo nguyên tắc hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro,...