Khảo sát sáng ngày 7/3, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố giữ nguyên ở mức 24.017 USD/VND như mức niêm yết hôm qua. Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 22.816 - 25.218 USD/VND.
Với biên độ trên, giá USD được các ngân hàng bán ra khoảng 24.800 VND. Cụ thể, Eximbank bán ra 24.800 đồng; Vietcombank bán ra 24.850 đồng; ACB bán ra 24.850 đồng…
Cũng trong ngày 7/3, trên thị trường "chợ đen", tỷ giá USD/VND vẫn đang duy trì ở mức cao. Cụ thể, đồng USD giao dịch (mua - bán) ở quanh mức 25.050 - 25.250 USD/VND.
Như vậy, chênh lệch giữa giá bán USD tại các nhà băng và giá mua USD trên thị trường tự do đã tăng lên khoảng 200 đồng. Thậm chí, đây chưa phải mức chênh lệch lớn nhất trong thời gian vừa qua.
Vào đầu tháng 3/2024, chênh lệch giữa giá bán USD chính thống và giá mua USD "chợ đen" đã lên đến 600 đồng. Điều này dẫn đến nhiều khả năng sẽ kích hoạt hiện tượng gom USD trong ngân hàng thương mại rồi bán ra thị trường phi chính thức để ăn chênh lệch tỷ giá.
Trao đổi với giới chuyên môn, hiện tượng "chảy máu" USD từ kênh chính thức chảy ra thị trường "chợ đen" nêu trên được cho là ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ, chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định. Đó là khi chênh lệch giá USD bán tại ngân hàng thương mại và mua tại thị trường ngoại hối đen dao động trong khoảng 300 đồng.
Trên thực tế, hiện tượng này không phải là mới và đã từng được báo chí phản ánh rất nhiều, đặc biệt là thời điểm cuối tháng 9/2022. Khi đó, chênh lệch giữa giá USD bán tại ngân hàng và mua tại "chợ đen" dao động trong khoảng 355 đồng.
Được biết, không phải bất kỳ ai cũng được phép mua ngoại tệ. Khoản 1, Điều 2 trong Thông tư 20/2011 (Thông tư 20) của Ngân hàng Nhà nước quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép nêu rõ: "Cá nhân là công dân Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của bản thân và trẻ em chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ, bao gồm tiền ăn, tiền tiêu vặt, tiền đi lại ở nước ngoài là người học tập, chữa bệnh ở nước ngoài, hoặc đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài…"
Mặc dù, luật đã ghi rõ nhưng với thủ đoạn tinh vi, nhiều đối tượng “cao tay” vẫn lách luật một cách đơn giản. Trong các hội nhóm kín trên mạng xã hội, hàng loạt dòng tin tuyển dụng được đăng tải với nội dung: “Mình đang cần người đi cùng mình tại các điểm ngân hàng đổi USD, yêu cầu có căn cước công dân và hộ chiếu… Bao ăn ở, công 1 triệu/buổi…”
Ngay sau khi tìm được người có hộ chiếu và căn cước công dân, các đối tượng sẽ dẫn “cộng sự” đến các điểm giao dịch của ngân hàng để mua USD với danh nghĩa đi du lịch nước ngoài và cũng đã có vé máy bay.
Theo tìm hiểu, mỗi người có thể mua với hạn mức tối đa là 5.000 USD/người vì số ngoại tệ tiền mặt tối đa cá nhân được phép mang ra nước ngoài không phải khai báo hải quan là 5.000USD theo Điều 2 Thông tư 15/2011/TT-NHNN.
Như vậy, với mỗi người được thuê giả nhu cầu mua ngoại tệ đi nước ngoài nếu xếp hàng mua USD tại 5 ngân hàng thì những kẻ đầu têu sẽ thu về được 25.000 USD. Và nếu có 10 người đứng xếp hàng tại 5 nhà băng khác nhau, thì người cầm đầu sẽ thu về 250.000 USD.
Toàn bộ số USD gom được tại các ngân hàng ngay lập tức được đưa ra ngoài “chợ đen” để bán cho khách có nhu cầu nhằm ăn chênh lệch tỷ giá. Tùy theo biến động tỷ giá từng ngày, những đối tượng trên có thể thu về hàng chục triệu đồng mỗi giao dịch.
Đánh giá về "kỹ nghệ" trên, nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng khẳng định, đây là hành vi vi phạm pháp luật và có hệ lụy vô cùng lớn. Việc trục lợi của một nhóm người nhỏ nhưng hậu quả ảnh hưởng rộng đến thị trường tiền tệ nói chung và thị trường ngoại hối nói riêng, gây thiệt hại cho kinh tế đất nước.
Ngoài ra, giá USD "chợ đen" và giá vàng luôn có mối quan hệ mật thiết. Vì muốn mua vàng thì buộc phải gom USD. Thế nhưng muốn mua USD tại ngân hàng thì cần chứng minh rất nhiều thời gian và thủ tục. Do đó, các đối tượng buôn lậu thường chọn mua USD tự do.
Soi chiếu dưới góc nhìn của luật pháp, hành vi mua – bán ngoại tệ bất chính nêu trên là vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng theo Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ “Vi phạm quy định về ngoại hối”.
Đồng thời có thể vi phạm pháp luật hình sự trong hoạt động của các tổ chức tín dụng căn cứ theo Điểm i, Khoản 1, Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017: “Kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép”. Đối với mức độ vi phạm này, người nào thực hiện các hành vi kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại tệ trái phép có thể sẽ bị phạt từ 50 - 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng cơ quan chức năng cần kiểm soát một cách chặt chẽ để hạn chế dòng ngoại tệ chảy vào kênh giao dịch phi chính thức, qua đó tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ.