Ồ ạt bán cổ phiếu, nhiều tỷ phú thế giới tranh thủ chốt lời, ôm hàng chục tỷ USD tiền mặt

Ba nhà điều hành nổi tiếng bao gồm Jeff Bezos, Mark Zuckerberg và Jamie Dimon đã bán tổng cộng 9,3 tỷ USD cổ phiếu trong chỉ vòng vài tháng qua...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
65dc895c6080194819fa0eb4-8511.jpeg

Khi thị trường chứng khoán chứng kiến đà tăng tích cực, đó là thời điểm để chuyển đổi tài sản giấy thành tiền mặt. Bằng chứng là các nhà điều hành nổi tiếng, như Jamie Dimon của JPMorgan, Mark Zuckerberg của Meta hay Jeff Bezos của Amazon đều đã bán ra một phần cổ phiếu của mình trong thời gian qua.

CHUYỂN ĐỔI CỔ PHIẾU THÀNH TIỀN MẶT

Cái tên được nhắc đến nhiều nhất có lẽ là Jeff Bezos, khi nhà sáng lập Amazon bán ra 50 triệu cổ phiếu Amazon chỉ trong 9 ngày giao dịch đầu tháng 2, “bỏ túi” ước tính 8,5 tỷ USD. Theo một hồ sơ, giao dịch gần đây nhất của ông diễn ra trong ba ngày giao dịch kết thúc vào thứ Ba tuần trước. Trước đợt vừa rồi, tỷ phú giàu thứ ba thế giới đã không bán cổ phiếu công ty kể từ năm 2021.

Ông Bezos, người sáng lập Amazon và chủ sở hữu công ty thám hiểm không gian Blue Origin cùng tờ Washington Post, vẫn chưa tiết lộ kế hoạch của ông đối với số tiền thu được. Chỉ có duy nhất gần đây là thông báo vào 2/11/2023 về ý định chuyển “hộ khẩu” của ông từ Miami về Seattle, cũng là nơi đặt trụ sở chính của Amazon. Trên thực tế, bang Washington đã áp dụng thuế lợi vốn 7% vào năm 2022 – điều mà Florida không có – có nghĩa là việc tái định cư của Jeff Bezos có thể giúp ông tiết kiệm hàng trăm triệu USD tiền thuế.

Tương tự như Jeff Bezos, sau hai năm “im ắng”, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã bán gần 1,8 triệu cổ phiếu Meta với giá hơn 400 triệu USD trong hai tháng cuối năm 2023. Tính đến tháng 11/2023, các tổ chức từ thiện và chính trị của Mark Zuckerberg cũng như quỹ tín thác của ông đã bán thêm khoảng 682.000 cổ phiếu trị giá gần 185 triệu USD thông qua các kế hoạch giao dịch, như được tiết lộ trong hồ sơ pháp lý.

Đáng chú ý, Meta nằm trong số những cổ phiếu hoạt động tốt nhất năm 2023, tăng gần 172% tính đến tháng 11/2023 và vượt trội hơn hẳn so với tất cả các công ty lớn khác ngoại trừ Nvidia. Meta cũng đang ngày càng tiến gần đến mức cao kỷ lục được thiết lập vào năm 2021, do đó, xét đến việc Zuckerberg và quỹ từ thiện gia đình Chan Zuckerberg Initiative đã bán 1 triệu USD cổ phiếu Meta thì quyết định gần đây có vẻ dễ hiểu.

Trong khi đó, Jamie Dimon - CEO của JPMorgan Chase mới đây cũng tham gia “cuộc đua”, bán đi khoảng 822.000 cổ phiếu của ngân hàng mà ông lãnh đạo với giá 150 triệu USD. Đây cũng là lần đầu tiên ông Dimon bán cổ phiếu JPMorgan sau 18 năm giữ chức vụ CEO của công ty.

Cổ phiếu của JPMorgan, vốn đã hoạt động vô cùng khả quan so với thị trường rộng lớn hơn và các cổ phiếu khác cùng ngành, đang được giao dịch ở mức cao kỷ lục. Khi ông Dimon mới đảm nhận vị trí CEO, cổ phiếu JPMorgan được giao dịch vào khoảng 40 USD. Đến thời điểm ông bán ra, mỗi cổ phiếu của ngân hàng có giá gần 183 USD, tăng khoảng 30% kể từ thông báo về dự định bán bớt cổ phiếu của ông vào tháng 10/2023. Cùng với gia đình, ông Jamie Dimon hiện vẫn nắm trong tay khoảng 7,7 triệu cổ phiếu JPMorgan.

Jamie Dimon đã bán 150 triệu USD cổ phiếu JPMorgan vào ngày 22/2.

Mark Zuckerberg đã bán 661 triệu USD cổ phiếu Meta từ cuối tháng 11/2023 đến 21/2/2024.

Jeff Bezos đã bán 8,5 tỷ USD cổ phiếu Amazon trong khoảng thời gian từ ngày 9 đến ngày 20/2.

THU VỀ LỢI NHUẬN

Tổng cộng, cả ba nhà điều hành nổi tiếng đã bán ra hơn 9 tỷ USD cổ phiếu trong vòng chưa đầy 4 tháng qua, theo công bố của chuyên gia Jonathan Moreland của Insider Insights. Nhưng ngay cả những con số đáng kinh ngạc này cũng chưa là gì so với số cổ phiếu Tesla trị giá 39,5 tỷ USD mà Elon Musk đã bán từ giai đoạn tháng 11/2021 đến tháng 12/2022, chủ yếu là để huy động số tiền mặt cần thiết để mua lại Twitter.

Ngay cả Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation Trust của tỷ phú Bill Gates và vợ cũ Melinda cũng đã bán cổ phần của mình ở một số công ty công nghệ bậc nhất, bao gồm Apple, Meta, Alphabet, Amazon và Nvidia. Tuy nhiên, quỹ vẫn giữ nguyên số cổ phiếu của mình ở Microsoft, hiện chiếm 33,98% danh mục đầu tư của Quỹ.

Tất cả các giao dịch mua bán đều được thực hiện đúng theo kế hoạch đã công bố trước nhiều tháng, mà các giám đốc điều hành/chủ sở hữu phải thực hiện để có thể bán cổ phiếu mà không khiến nhà đầu tư bên ngoài nghĩ rằng công ty của họ “gặp biến” hoặc cổ phiếu đã đạt mức cao không bền vững.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng khả năng Bezos, Zuckerberg và Dimon quyết định bán cổ phiếu của mình là bởi giá trị đã tăng cao vượt kỳ vọng và việc rút tiền mặt ngày càng có ý nghĩa hơn. Cổ phiếu Meta đã tăng 186% trong năm qua, JPMorgan tăng gần 30% và Amazon tăng gần 90%. Cả ba công ty đều đang giao dịch gần mức cao kỷ lục.

Rất có thể, bộ ba nhận thấy giá cổ phiếu công ty họ từ đây sẽ chỉ tăng nhẹ nhàng ở mức ổn định, hoặc đơn giản là họ cần giải quyết các vấn đề cá nhân, ví dụ như phải trả một hoá đơn thuế lớn hoặc cần tiền mặt để chi trả cho một giao dịch đầu tư giá trị cao như biệt thự hoặc siêu du thuyền.

Cũng có khả năng họ muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình nếu hầu như tất cả tài sản của họ đều tập trung vào một mã cổ phiếu, hoặc họ đang điều chỉnh lại cổ phần của mình như một yếu tố trong kế hoạch nghỉ hưu hay kế hoạch thừa kế.

Mặc dù vậy, các giám đốc điều hành vẫn hoàn toàn nhận thức được thông điệp mà họ gửi tới thị trường khi bán ra một lượng lớn cổ phiếu của công ty mình. “Nhà tiên tri xứ Omaha” Warren Buffett nổi tiếng là chưa bao giờ bán cổ phiếu của Berkshire Hathaway. Ông nói rằng việc giữ hơn 99% tài sản của mình trong cổ phiếu Berkshire có nghĩa là lợi ích của ông tương đồng với lợi ích của các cổ đông và số tiền đó báo hiệu sự tin tưởng cũng như cam kết lâu dài của ông đối với công ty.

Vẫn cần lưu ý rằng, các khoản bán ra của cả ba nhà điều hành vẫn chỉ là phần nhỏ trong tổng số cổ phiếu mà họ nắm giữ, do vậy, chắc chắn Jeff Bezos, Mark Zuckerberg và Jamie Dimon vẫn đang đặt niềm tin lớn vào thành công của các công ty của họ.

Có thể bạn quan tâm