Giá vàng thế giới
Phiên giao dịch sáng ngày 21/4, giá vàng thế giới giảm 0,11% xuống 1.955,4 USD/ounce vào lúc 6h30 (giờ Việt Nam), theo kitco. Giá vàng giao tháng 6 cũng giảm 0,11% xuống 1.958,05 USD.
Giá vàng tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (20/4) nhờ đồng USD suy yếu, cũng như lo ngại về lạm phát và sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thế giới dưới ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Tuy nhiên, đà tăng bị kìm hãm bởi triển vọng tăng lãi suất của Mỹ.
Đầu phiên có thời điểm giá xuống thấp nhất kể từ ngày 8/4 ở 1.938,8 USD.
Michael Hewson, Trưởng nhóm phân tích thị trường tại CMC Markets UK, cho biết: “Rất nhiều khả năng giá vàng phụ thuộc vào sức mạnh của đồng USD, vốn vẫn còn khá ổn định vào thời điểm hiện tại, xu hướng của lợi suất và dự báo lạm phát của Mỹ còn cao hơn hiện tại”.
Hôm thứ Ba, giá vàng giảm tới 1,8% khi bình luận “diều hâu” từ các quan chức Fed, bao gồm Chủ tịch Fed chi nhánh bang St. Louis James Bullard, đẩy đồng USD và lợi tức kho bạc 10 năm lên mức cao nhất trong nhiều năm.
Vàng, được coi là hàng rào chống lại lạm phát, vốn rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất và lợi tức kho bạc của Mỹ, điều này làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi không sinh lợi.
Nhìn vào các nguyên tắc cơ bản, USD đã bắt đầu tăng giá vào cuối tuần trước sau một số động thái mạnh mẽ trên thị trường ngoại hối, đặc biệt là tỷ giá USD/JPY. Điều này có thể là do một số bình luận “diều hâu” từ các thành viên Fed.
Tuy nhiên, Jonathan Da Silva bình luận trên Kitco News rằng, kim loại quý đang được củng cố thêm trước khi có thể xảy ra sự dịch chuyển tới mốc trên 2.000 USD.
“Điều đó nói rằng, áp lực bán trong ngày hôm qua ở vàng (và bạc) có thể nhường chỗ cho ít nhất một sự phục hồi tạm thời. Nếu vàng giữ mức 1.950, rất có thể sẽ di chuyển đến vùng 1.975 USD/ounce.
Nếu mức 1.950 – 1.960 trở thành mức kháng cự, thì việc giảm xuống mức 1.915 trong trung hạn sẽ không gây ngạc nhiên”, nhà bình luận trên nói.
Trên các thị trường kim loại khác, giá bạc giao ngay ổn định ở mức 25,16 USD/ounce, và giá bạch kim giảm 0,4% xuống 986,83 USD.
Trong khi đó giá palladium tiếp tục chuỗi ngày biến động và tăng lên 2.461,68 USD. Trong phiên có thời điểm giá tăng tới 4,8%. Thị trường tiếp tục tập trung vào sự sụt giảm nguồn cung kim loại, được sử dụng trong bộ chuyển đổi để hạn chế khí thải của ô tô, từ nhà sản xuất chủ chốt Nga.
Giá vàng trong nước
Trước giờ mở cửa phiên sáng nay, giá vàng trong nước đồng loạt giảm mạnh phiên thứ hai.
Cụ thể, giá vàng SJC được Công ty SJC niêm yết cho thị trường TP.HCM là 69,50-70,20 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 550 nghìn đồng hai chiều so với cùng thời điểm phiên trước.
Hai phiên gần nhất, giá vàng thương hiệu quốc gia đã giảm 800 nghìn đồng.
Giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội cũng tiếp tục giảm mạnh 500 nghìn đồng mua vào và 550 nghìn đồng bán ra còn 79,50-70,25 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu cũng giảm thêm 450 nghìn đồng hai chiều về 55,92-56,62 triệu đồng/lượng.
Cùng chiều, giá vàng 9999 thương hiệu NPQ của Phú Quý cũng mất 600 nghìn đồng hai chiều về 55,75-55,55 triệu đồng/lượng mua vào bán ra.