Kiến trúc sư, CEO Nguyễn Thế Phương: Tôi muốn thả hồn vào những công trình có thể tự viết nên lịch sử

Chia sẻ với Thương Gia, Kiến trúc sư Nguyễn Thế Phương - Tổng giám đốc của Finko Architect Hồng Kông và Finko Việt Nam cho biết, tiêu chí để anh bắt tay vào thiết kế các dự án đó là những công trình ấy luôn hướng tới sự phát triển bền vững và có thể “tự viết nên lịch sử” cho nó.
Kiến trúc sư Nguyễn Thế Phương - Tổng giám đốc của Finko Architect Hồng Kông và Finko Việt Nam
Kiến trúc sư Nguyễn Thế Phương - Tổng giám đốc của Finko Architect Hồng Kông và Finko Việt Nam

CEO Nguyễn Thế Phương cho rằng, Kiến trúc sư là "công cụ" để chủ đầu tư đạt được mục tiêu và mỗi kiến trúc sư sẽ có lựa chọn chủ đầu tư phù hợp cho riêng mình. Bởi vậy, anh được “định vị” cho các chủ đầu tư 'limited" - tinh tế, không "Rồng bay Phượng múa" nhưng cầu kỳ về vật liệu và phá cách trong khuôn khổ.

Mới đây, anh lựa chọn trở thành “công cụ” cho chủ đầu tư là Tập đoàn Quốc tế Năm Sao (Five Star Group) cùng Agritour và Green World khi tham gia cuộc thi tuyển thiết kế biểu tượng kiến trúc biển cho dự án Five Star Poseidon và Five Star Odyssey sẽ được xây dựng tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Sau một ngày làm việc công bằng và khoa học, Hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc do ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển đã lựa chọn được 3/6 phương án tối ưu nhất để trao giải. Điều đáng nói, trong 3 đơn vị tư vấn được trao giải thì đơn vị Finko của anh xuất sắc giành số điểm cao nhất cho 2 phương án kiến trúc Five Star Poseidon và Five Star Odyssey.

Thiết kế quy hoạch phải có tầm nhìn xa

- Chúc mừng đơn vị của anh đã được trao giải cao trong cuộc thi tuyển thiết kế biểu tượng kiến trúc biển cho dự án Five Star Poseidon và Five Star Odyssey. Là một kiến trúc sư với các công trình luôn khác biệt và có sức ảnh hưởng không nhỏ tại Việt Nam, theo anh vì sao chủ đầu tư phải tổ chức một cuộc thi tuyển thay vì chỉ cần chọn một đơn vị tư vấn chuyên nghiệp cho doanh nghiệp mình?

Mỗi công trình có một vai trò thông qua sự xuất hiện của nó. Có những công trình mang thêm nhiều căn hộ, phòng khách sạn, mang thêm lợi nhuận cho nhà đầu tư. Có những công trình mang lại sức ảnh hưởng đến khu phố. Five Star Poseidon và Five Star Odyssey vượt ra khỏi những điều đó vì cần có những đóng góp cho cả một vùng kinh tế trọng điểm đang ở giai đoạn bước ngoặt lịch sử. Vì thế chúng ta không nên nhìn cục bộ là chỉ thiết kế tốt cho một tập đoàn mà chúng ta phải thiết kế làm sao để cho hàng trăm, hàng chục nghìn và hàng chục triệu người hưởng lợi. Đó là lý do phải thi tuyển. Và tôi nghĩ bộ máy lãnh đạo Five Star Group cùng chung suy nghĩ như tôi.

Toà Five Star Odyssey
Toà Five Star Odyssey

Mặt khác, nếu chỉ thiết kế để đưa ra một dự án có hiệu quả về mặt hình khối thì đấy không phải là thiết kế tốt vì hiệu quả về kinh tế sẽ không bền, chỉ có hiệu quả trong khoảng thời gian 5 năm khi thị trường đang nóng. Hết nóng thì sao và làm sao luôn duy trì công trình “nóng hổi”? 

Do đó, tầm nhìn trong thiết kế quy hoạch luôn luôn phải nhìn xa hơn, ít nhất là 50 năm. Bản thân công trình phải tạo ra được sức nóng thì đó mới gọi là bền vững.

- Anh có thể chia sẻ cảm hứng của mình khi thiết kế dự án Five Star Poseidon và Five Star Odyssey?

Đầu tiên là cần dẹp hết những cảm hứng cá nhân thuần túy khi bất chợt xuất hiện một hình khối nào đó trong đầu vì thật sự nó không bền và không phù hợp cho những dự án ở tầm vóc này. Cũng phải gạt đi những câu chuyện hay một sự ưa thích nào đó, vì nó không có tầm vóc bao quát. Tôi đi tìm công trình có thể tự viết nên lịch sử bằng hình khối của nó, bằng không gian của nó, bằng chính những con người sống trong đó.

Tôi đi tìm câu trả lời cho một vùng đất đang ở giai đoạn bước ngoặt lớn nhất, chuyển mình hướng tới thịnh vượng ở tầm vóc châu lục – sẽ rất khác với sự phấn đấu cơm đủ ăn, mặc đủ ấm. Chúng ta hướng tới sự phát triển bền vững, không phải mục đích lãi nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất mà lãi nhiều nhất, duy trì lâu nhất cho tất cả. Làm sao đưa được tư tưởng của sự trỗi dậy, của sự vươn mình ra biển Đông vào thiết kế một cách hữu dụng nhất. Vẻ đẹp lâu bền nhất là vẻ đẹp được ứng dụng trong thực tế và phản chiếu trung thực tư tưởng thời đại. Đó là sợi chỉ đỏ trong quá trình thiết kế hai công trình này, mặc dù cùng của Finko, trên cùng một con đường nhưng hai công trình hoàn toàn khác nhau về mọi mặt.

Đưa ngành du lịch và nghỉ dưỡng của Vũng Tàu lên tầm vóc quốc tế

- Theo anh, sự khác biệt mà Five Star Poseidon và Five Star Odyssey sẽ mang lại cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu là gì?

Five Star Poseidon và Five Star Odyssey sẽ đưa ngành dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng của Vũng Tàu lên tầm vóc quốc tế.

Hai tòa nhà thực sự là hai tổ hợp thẳng đứng với rất nhiều không gian đa dạng đan vào nhau tạo ra một mạng lưới của dịch vụ du lịch, hấp dẫn bởi điểm nhấn không gian cho cả người ở và người quan sát từ bên ngoài thành phố. Muốn có một thành phố năm sao, chúng ta cần những công trình năm sao thật sự như Five Star Poseidon và Five Star Odyssey.

- Sự độc đáo trong hệ thống tiện ích của Five Star Poseidon và Five Star Odyssey là gì, thưa anh?

Poseidon là tòa nhà gia tăng sức mạnh cho quảng trường biển của Thùy Vân. Đó là điểm đến của thế giới du lịch không giới hạn. Bất kể trang phục nào, mức tiêu dùng nào cũng có chỗ ở đó. Tòa nhà được thiết kế để là một phần mở rộng của quảng trường bãi tắm công cộng hiện hữu, bổ sung thêm các không gian và chức năng cần thiết cho dịch vụ du lịch quốc tế: Đường hầm nối biển, khu thương mại bãi biển Cá Ông, quảng trường mua sắm và ăn uống trong nhà, “Mã Pí Lèng trên cao” với chuỗi hồ bơi bậc thang ở hai cánh tòa tháp.

Toà Five Star Poseidon
Toà Five Star Poseidon

Trong khi đó, Odyssey đảm nhận vai trò biểu tượng không chỉ về mặt quy hoạch đô thị mà còn cả về văn hóa, nghệ thuật, chính trị xã hội. Hình khối của biểu tượng ASEAN nói lên tất cả, rằng chúng ta muốn chủ động trong thế kỷ 21, chúng ta muốn tiên phong ở hàng đầu.

Chúng ta là một ngôi sao duy nhất lấp lánh trên bầu trời và lướt nhanh trên đại dương. Vì vậy mà hệ thống tiện ích ở đây phục vụ cho những sự kiện hội họp lớn, cho những phát minh công nghệ của loài người như taxi bay với hệ thống sảnh đón ở tầng trên cùng. Ở các tầng trệt sẽ là các Flagship store của các nhãn hàng tên tuổi tại Việt Nam và trên thế giới. Một đường hầm kết nối với hệ thống bãi xe công cộng và dịch vụ bãi biển cũng đảm bảo một môi trường không khí lưu thông hoàn hảo. Chuỗi phòng Tổng thống ở 4 tầng trên cao nhất đáp ứng cho các cuộc tiếp đón khách Chính phủ ở tầm vóc châu lục với hệ thống thang máy riêng biệt và sảnh đón trực thăng.

- Vậy hạng mục nào khiến anh tâm đắc nhất ở Five Star Poseidon và Five Star Odyssey?

Với Poseidon là hai khu vườn bậc thang trên mây, còn Odyssey là tầng trệt với 5 quảng trường kết nối hoàn hảo với các tuyến phố tạo ra một trung tâm đúng nghĩa; là tầng mái với 5 khán phòng ngoài trời phô diễn vẻ đẹp ngạt thở của vùng vịnh biển tỏa đi năm hướng, biểu tượng sự cân bằng tuyệt đối và tương sinh luân hồi của vũ trụ.

- Các phương án thiết kế của Finko đã thuyết phục hoàn toàn Hội đồng thi tuyển. Điều đó chứng tỏ anh đã nghiên cứu rất kỹ về vị trí địa lý, văn hóa, môi trường, tiềm năng kinh tế tại Vũng Tàu trong quá trình tìm kiếm ý tưởng thiết kế. Vậy anh đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển kinh tế của Vũng Tàu khi hai dự án này đi vào hiện thực?

Với Vũng Tàu, đây là một thành phố biển có tiềm năng rất lớn, không thể lãng phí bất kỳ một điều gì bởi may mắn là Vũng Tàu phát triển chậm. Tôi khẳng định một lần nữa là may mắn khi Vũng Tàu phát triển chậm (Cảm ơn vì đến trễ - Thomas Friedman). Đó là lợi thế lớn của Vũng Tàu cho đến thời điểm hiện tại bởi vì các thành phố biển Việt Nam phát triển quá nhanh trong khi chưa có một chiến lược sâu sắc nên các lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu, vùng biển đẹp, cảnh quan hoàn toàn bị bỏ qua khiến cho tính cạnh tranh đối với khu vực không còn cao nữa. Do đó thời điểm này là thích hợp nhất để Vũng Tàu tăng tốc về kinh tế sau khi đã có một chuỗi kinh nghiệm trước đó.

Trong quá trình làm dự án, Finko gặp may mắn vì Đảng và chính quyền địa phương đang đẩy mạnh phát triển kinh tế và đặt biệt là phát triển vùng biển. Tuy nhiên các phương án thiết kế của chúng tôi luôn hướng đến sự cộng hưởng. Giống như câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đó là không nên hài lòng với giấc mơ nhỏ, bởi vì giấc mơ nhỏ ở Việt Nam ở đâu cũng có. Nhưng còn giấc mơ lớn thì phải như thế nào để không cạnh tranh với nhau.

Việt Nam là một sức mạnh tổng hòa, tính cộng hưởng rất quan trọng, khi đó mới tạo được năng lực cạnh tranh trong khu vực ASEAN và châu lục. Dự án Five Star Poseidon và Five Star Odyssey mang một sự cộng hưởng lớn, nâng đỡ chứ không dập vùi các công trình xung quanh. Five Star Poseidon và Five Star Odyssey sẽ hỗ trợ, sẽ nâng tầm cho các khu du lịch nghỉ dưỡng xung quanh nó.

KTS Nguyễn Thế Phương: Dự án Five Star Poseidon và Five Star Odyssey được xây dựng ở thời điểm này chắc chắn sẽ mang tầm ảnh hưởng và có trọng trách rất lớn
KTS Nguyễn Thế Phương: Dự án Five Star Poseidon và Five Star Odyssey được xây dựng ở thời điểm này chắc chắn sẽ mang tầm ảnh hưởng và có trọng trách rất lớn

Nói riêng về Vũng Tàu thì đây là vị trí chiến lược nhất của bán đảo Đông Dương chứ không chỉ của Việt Nam – và được dành đến thời điểm này mới phát triển thì đấy là sự may mắn của Việt Nam cũng như đối với kiến trúc sư và các nhà thiết kế đô thị.

Dự án Five Star Poseidon và Five Star Odyssey được xây dựng ở thời điểm này không đơn thuần chỉ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp mà chắc chắn sẽ mang tầm ảnh hưởng và có trọng trách rất lớn đó là đẩy mạnh tính cạnh tranh của Việt Nam đối với khu vực.

Muốn bứt phá phải có ý tưởng khác biệt

- Các công trình của anh luôn khác biệt và có sức ảnh hưởng không nhỏ tại Việt Nam. Anh cũng từng đạt giải thưởng thiết kế Nghiên cứu ở Red Dot Design Center – sân chơi về thiết kế và kiến trúc uy tín nhất trên toàn cầu. Điều gì đã hỗ trợ anh tạo nên những khác biệt đó?

Tôi may mắn gặp được những giáo sư tốt ở trường ĐH và được thực hành công việc thiết kế tại các văn phòng của họ từ khi còn là sinh viên. Làm việc ở môi trường như vậy cho phép tôi tiếp cận với những tư tưởng vượt trội.

Việc thường xuyên tham gia các cuộc thi kiến trúc cho sinh viên là chiến lược học tập của tôi khi đó – muốn thắng phải có ý tưởng khác biệt, vừa có đủ tiền trang trải học tập vừa rèn luyện bản thân trong cách tiếp cận vấn đề, nghiên cứu và kỷ luật làm việc.

Hiểu biết xã hội là kho báu cho sáng tạo - tôi được sống trong nhiều nền văn hóa khác nhau, nói 4 ngôn ngữ khác nhau nên việc có nền tảng kiến thức xã hội đa dạng cũng mang lại sự khác biệt cho các công trình của mình.

- Tại sao anh lại về Việt Nam trong khi anh đang rất thành công ở nước ngoài?

Tại vì “trong hồ không có sóng” (cười). Tôi có một cuộc gọi từ Mỹ vào năm 2008, từ một tập đoàn thiết kế đang mong muốn bước chân vào Việt Nam. Khi đó tôi vừa hoàn thành nghiên cứu ở Red Dot, quay lại Berlin (Đức) và mong muốn có một bước tiến tiếp theo cho sự nghiệp của mình, muốn tìm kiếm thách thức lớn hơn.

Cuộc gọi đó là số mệnh – nếu nói theo cách của người châu Á. Với tôi đó là kết quả của những khao khát và mong muốn, tôi đi tìm và may mắn đã gặp.

CEO Nguyễn Thế Phương: Tòa nhà không phải là công cụ thể hiện sự giàu có đơn thuần mà cần thể hiện tri thức và văn hóa, sự thấu hiểu với môi trường và tương lai
CEO Nguyễn Thế Phương: Tòa nhà không phải là công cụ thể hiện sự giàu có đơn thuần mà cần thể hiện tri thức và văn hóa, sự thấu hiểu với môi trường và tương lai

Quay lại Việt Nam với vị trí Giám đốc điều hành văn phòng thiết kế đã lát những viên gạch đầu tiên cho sự thành công của tôi và Finko hôm nay. Thị trường nước ngoài vẫn còn đó – đó sẽ là thách thức tiếp theo mà chúng tôi muốn theo đuổi. 

- Có bao giờ anh có ý định quay lại nơi trước kia anh đã từng học tập và sinh sống?

Tôi thích câu hỏi này vì nó mang lại một sự hoài niệm thật sự. Nơi lưu giữ thanh xuân của đời người luôn mang lại cảm xúc và ai cũng mong quay trở lại. Trước dịch bệnh tôi vẫn đi lại thường xuyên, ở đó còn rất nhiều người bạn tốt, còn nhiều cuốn sách hay trong thư viện của trường. Tôi giữ mối quan hệ với nơi chốn và con người ở đó vì nó giúp tôi có cái nhìn rộng hơn, suy nghĩ sâu hơn và khách quan hơn.

Suy cho cùng, chúng ta đang sống chung ở trên một hành tinh và ít nhiều có sức ảnh hưởng lẫn nhau. Finko vẫn đang có những dự án có sự tham gia của các KTS từ Berlin. Không có gì giá trị hơn những đồng nghiệp hiểu biết. 

Bản sắc nằm ở tâm thức, không phải ở hình thức

- Khi về Việt Nam, anh thấy kiến trúc ở Việt Nam còn thiếu điều gì, thưa anh?

Năm 2010 tôi có phát biểu nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội: Bản sắc nằm ở tâm thức, không nằm ở hình thức - Đó là vấn đề nổi bật nhất của kiến trúc, không chỉ Việt Nam mà còn nhiều nơi khác.

Tinh thần Việt chảy trong dòng máu không thể hiện bằng guốc mộc hay răng đen, không bằng con trâu hay bếp than tổ ong. Tinh thần Việt không bằng phào chỉ hay chạm rồng, chạm phượng. Những điều đó chỉ là hình ảnh của một giai đoạn phát triển, không phải là tinh thần của dân tộc.

Tinh thần Việt thể hiện rõ nhất, lớn nhất ở những khao khát vươn lên, vượt qua số phận và chinh phục cái mới được xây dựng trên nền móng bản sắc.

Sự mặc cảm và hoài niệm quá mức cần thiết đã làm chậm bước tiến của không chỉ kiến trúc mà cả hội họa, âm nhạc, văn học nghệ thuật. Thị hiếu đám đông cũng làm cho chúng ta mải mê vào hái hoa bắt bướm ven đường mà quên đi mục đích là chinh phục đỉnh núi.

Tòa nhà không phải là công cụ thể hiện sự giàu có đơn thuần, chạy đua theo trào lưu mà cần thể hiện tri thức và văn hóa, sự thấu hiểu với môi trường và tương lai, đặc biệt là bản lĩnh của người chủ - biết kiểm soát và sâu sắc.

- Giải pháp khắc phục cho vấn đề còn thiếu đó là gì, thưa anh?

Các Kiến trúc sư và các nhà Quy hoạch đô thị cần đi trước. Họ cần đi nhiều nhưng phải nhìn kỹ thay vì đi nhiều nhìn smartphone; đọc nhiều, suy nghĩ, tìm tòi thay vì chỉ biết xem hình và vẽ đẹp.

- Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện thú vị này!

Kiến trúc sư, CEO Nguyễn Thế Phương tốt nghiệp kiến trúc sư tại Berlin, CHLB Đức, làm việc ở châu Âu rồi nghiên cứu về Kiến trúc ở Trung Quốc, Mông Cổ, Nepal, Tây Tạng cùng với Giáo sư Andreas Brandt, nghiên cứu về nhà ở 1 năm chương trình của EU. Năm 2009 anh điều hành DA Group Hà Nội, 2011 Aedas Việt Nam, kiến trúc sư trưởng của một trong những dự án lớn nhất và sớm nhất tại bán đảo Thủ Thiêm và hiện là Tổng giám đốc của Finko Architect Hồng Kông và Finko Việt Nam.

Anh được nhắc đến nhiều khi dự án nghiên cứu quốc tế Universal Home mà anh tham gia được Quỹ phát triển EU tài trợ và Red Dot Design Museum - tại CHLB Đức hỗ trợ. Trong 10 năm qua, anh cũng được mọi người biết đến với các dự án lớn đã thực hiện tại Việt Nam.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Tiền điện tử chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong phiên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đã gây áp lực lên nhóm các tài sản rủi ro…

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Dù còn phải đối mặt với nhiều biến động, nhưng triển vọng giá bạc được các chuyên gia dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ nhu cầu công nghiệp và nguồn cung hạn chế…