Giá vàng quốc tế
6h sáng nay 31/3 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới trên sàn Kitco giao dịch ở mức 1.933 USD/ounce, tăng 13 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua.
Vàng giao tháng 6 trên sàn Comex New York ở mức 1.936 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 30/3 cao hơn khoảng 2,0% (38 USD/ounce) so với đầu năm 2021. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 54,1 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 14,6 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 30/3.
Giá vàng trên thị trường quốc tế dồn dập tăng trở lại do đồng USD suy giảm và nỗi lo lạm phát chưa hề vơi đi. Tình hình tại Ukraine chưa có đột phá.
Sau vòng đàm phán hòa bình tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, người phát ngôn Điện Kremlin cho biết, Nga và Ukraine vẫn chưa đạt được đột phá. Hai bên chờ trở lại với những cuộc đàm phán mới.
Trong khi đó, giá cả tiếp tục leo thang ở châu Âu và thế giới.
Cuộc sống người dân châu Âu chao đảo vì chiến sự ở Ukraine. Theo Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde, triển vọng kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) vào "bất ổn nghiêm trọng". Cuộc chiến đã làm gián đoạn đà phục hồi của nền kinh tế các nước EU hậu Covid-19.
Tại EU, giá khí đốt đã tăng gấp rưỡi so với đầu năm. Giá năng lượng được dự báo sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài.
Không chỉ năng lượng, thế giới cũng đối mặt với giá thực phẩm lên cao. Ukraine và Nga chiếm 30% sản lượng lúa mỳ xuất khẩu của thế giới.
Tại Đức, tỷ lệ lạm phát tháng 3 đã lên tới mức 7,1% (so với cùng kỳ năm trước), cao hơn nhiều so với con số 5,1% của tháng 2.
Gần đây, căng thẳng Nga-EU lên sau khi Nga yêu cầu các nước “không thân thiện” thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng ruble. Nước Đức đã nâng mức báo động khẩn cấp về khí đốt do ngày càng lo ngại rằng Nga có thể cắt nguồn cung nếu các nước phương Tây cùng từ chối yêu cầu này của Nga.
Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẽ chỉ chấp thuận thanh toán bằng đồng ruble cho các hợp đồng chuyển khí đốt tới các nước thuộc EU. Đây là đòn đáp trả các biện pháp trừng phạt chưa từng có từ phương Tây liên quan vấn đề Ukraine.
Giá vàng trong nước
Giá vàng trong nước rạng sáng 31-3 biến động trái chiều với diễn biến trên thị trường vàng thế giới. Sau khi giá vàng thế giới lấy lại được đà tăng sau 2 ngày giảm sâu liên tiếp, giá vàng trong nước tiếp tục đà giảm. Hiện tại, giá vàng bán ra đã rơi xuống ngưỡng dưới 69 triệu đồng/ lượng sau nhiều ngày giữ ở mức trên 69 triệu đồng/ lượng.
Giá vàng DOJI ở khu vực Hà Nội rạng sáng 31-3 niêm yết ở mức 67,9 triệu đồng/lượng mua vào và 68,65 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 300.000 đồng ở chiều mua và 450.000 ở chiều bán so với ngày trước đó. Sau khi giảm 250.000 đồng ở ngày trước đó, DOJI ở khu vực TP Hồ Chí Minh tiếp tục điều chỉnh giảm thêm 450.000 đồng ở cả hai chiều xuống còn 67,9 triệu đồng/lượng mua vào và 68,7 triệu đồng/lượng bán ra.
SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang thu mua mức 68 triệu đồng/ lượng và bán ra mức 68,72 triệu đồng/ lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Như vậy, so với ngày trước đó giá vàng SJC đã giảm 400.000 đồng ở cả hai chiều.
Giá vàng Phú Quý SJC cũng giảm mạnh với mức giảm 550.000 đồng ở chiều mua và 450.000 đồng ở chiều bán xuống lần lượt 68 triệu đồng/lượng và 68,8 triệu đồng/lượng.
Mặc dù điều chỉnh tăng – giảm liên tục nhưng chênh lệch mua vào – bán ra hiện vẫn ổn định ở mức khoảng 700.000 đồng/ lượng.
Với giá vàng trong nước giảm và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco là 1.932,8 USD/ ounce, (tương đương 53,6 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục được thu hẹp.