Từ chiều 11/7, giá xăng đồng loạt giảm sau khi trải qua 4 phiên tăng liên tiếp trước đó. Trong khi, giá dầu tăng, giảm tùy loại.
Theo đó, xăng E5 RON 92 giảm 180 đồng/lít xuống 22.280 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 260 đồng/lít, giá mới là 23.290 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel cũng được điều chỉnh giảm 340 đồng/lít, giá bán hiện đang ở mức 20.830 đồng/lít. Bên cạnh đó, dầu hỏa có mức giá mới là 21.030 đồng, giảm 180 đồng/lít; dầu mazut tăng 250 đồng, có giá mới là 17.780 đồng/kg.
Như vậy, kể từ đầu năm 2024 đến thời điểm hiện tại, giá xăng trong nước đã có 14 lần tăng, 11 lần giảm và 3 lần tăng giảm đan xen.
Tại kỳ điều chỉnh này, liên bộ Công Thương - Tài chính không trích cũng không chi sử dụng từ Quỹ bình ổn giá với các mặt hàng xăng dầu. Hiện tại, dư địa Quỹ bình ổn giá xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối ghi nhận mức dương lớn do nhiều kỳ điều hành gần đây không sử dụng quỹ.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, việc điều giá xăng dầu với chu kỳ 7 ngày/lần sẽ khiến mức độ biến động giá giữa 2 kỳ điều chỉnh cơ bản không còn lớn. Vì vậy, nên bỏ quỹ để giúp giảm thiểu rủi ro và bất cập trong quản lý quỹ như thời gian vừa qua.
Về vấn đề trên, Bộ Công Thương cho hay, theo quy định của Luật Giá, xăng dầu là một trong bốn mặt hàng thuộc đối tượng quản lý phải bình ổn giá. Do đó, trong dự thảo nghị định không thể bỏ quỹ bình ổn giá mà vẫn duy trì cơ chế này để khi áp dụng biện pháp bình ổn giá sẽ sử dụng các công cụ trích lập, chi sử dụng quỹ.
Bộ cũng nói thêm, việc này đã được quy định rõ trong luật và các văn bản hướng dẫn, nên cần phải thực hiện theo đúng quy định.
Căn cứ theo hướng dẫn tại Thông tư 103/2021//TT-BTC, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được sử dụng khi chênh lệch giữa giá cơ sở kỳ công bố với giá cơ sở kỳ liền kề trước tăng từ 7% trở lên.
Khi giá giảm hơn 5%, quỹ được trích thêm, ngoài 300 đồng/lít như quy định. Đối chiếu các kỳ điều chỉnh gần đây, mức chênh lệch đều dưới 7%.