Giải mã sức hấp dẫn của du lịch Tây Ninh

Đón hai triệu lượt khách chỉ trong hơn 1 tháng đầu năm 2023 – Tây Ninh vụt sáng trở thành một hiện tượng của ngành du lịch Việt khi đại dịch Covid-19 vừa lắng và toàn ngành du lịch đang chuyển mình.
Hàng ngàn Phật tử và du khách dâng hoa đăng trong Lễ Vía Quán Thế Âm Bồ Tát tại núi Bà Đen

Đưa văn hoá tâm linh thành sản phẩm du lịch đặc trưng riêng có; Kêu gọi sự vào cuộc của các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn để đầu tư các sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao; Đưa các di sản phi vật thể thành sản phẩm du lịch “độc nhất vô nhị”. Nếu cần giải mã cho sự bứt tốc của du lịch Tây Ninh, thì đó chính là vài trong rất nhiều bí quyết đưa Tây Ninh vượt qua nhiều điểm đến có bề dày phát triển du lịch lâu năm thành điểm đến với nhiều hấp lực mới..

Điểm đến tâm linh hàng đầu Nam bộ

Với những điểm đến tâm linh nổi tiếng như núi Bà Đen, toà thánh Cao Đài, chùa Gò Kén…, du lịch tâm linh trở thành sản phẩm du lịch mũi nhọn được Tây Ninh tập trung đầu tư trong những năm gần đây.

Năm 2020, tuyến cáp treo hiện đại tại núi Bà Đen đi vào khai thác, đưa du khách lên đỉnh núi trong 8 phút thay vì phải mất 4 giờ đồng hồ theo đường núi hiểm trở. Hệ thống các chùa Núi Bà được cải tạo, mở rộng khuôn viên khang trang, dẫn lối du khách tới hành trình tâm linh an yên với điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu đã có từ 300 năm, với chùa Hang huyền thoại, với bức tượng Phật nhập niết bàn bên lưng chừng núi nhìn ra vùng đồng bằng mênh mông, với động Kim Quang ghi lại dấu tích của lịch sử một thời hào hùng, hay động Ba Cô chứa đựng những sự tích ly kỳ được truyền lại qua nhiều thế hệ.

Đặc biệt, nhờ cáp treo, hàng triệu du khách được lên Nóc nhà Nam bộ chỉ sau vài phút, để phóng tầm mắt ra toàn cảnh đồng bằng trù phú với hồ Dầu Tiếng mênh mông và những cánh đồng lúa xanh mướt mát. Ngay trên đỉnh núi là bức tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Châu Á đứng uy nghi hướng tuệ nhãn ra vùng cả đồng bằng Nam bộ rộng lớn.

Đỉnh núi Bà Đen luôn ngập trong sắc hoa

Dưới chân đại tượng Phật, du khách được tiếp cận với thế giới Phật giáo bằng ứng dụng công nghệ hiện đại lần đầu tiên có tại Việt Nam – công nghệ chiếu phim 3D mapping về sự hình thành của vũ trụ dưới lăng kính Phật giáo. Cũng tại quần thể này, các tín đồ được chiêm ngưỡng hàng trăm phiên bản mô phỏng những tác phẩm nghệ thuật Phật Giáo kinh điển, trong đó có nhiều pho tượng Phật nổi tiếng của Việt Nam và thế giới.

Đặc biệt quanh năm, tại núi Bà Đen diễn ra rất nhiều lễ hội quy mô hút hàng triệu Phật tử và du khách thập phương như Lễ hội Xuân núi Bà Đen (tháng Giêng), Lễ hội Vía Quán Thế Âm Bồ Tát (Tháng 2 âm lịch), Lễ hội Vía Bà (Tháng 5 âm lịch)…

Với cả một quần thể tâm linh kỳ vĩ giữa đỉnh núi được mệnh danh “đệ nhất thiên sơn”, núi Bà Đen trở thành điểm đến tâm linh hút khách bậc nhất cả nước. Năm 2019, tổng lượng khách đến với Tây Ninh chỉ đạt hơn 2 triệu người, thì năm 2022 Tây Ninh đã đón 4,5 triệu lượt khách, với doanh thu 1.400 tỷ đồng. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán 2022, Tây Ninh dẫn đầu cả nước về lượng khách, vượt xa nhiều điểm đến nổi tiếng trong nước. Và trong tháng đầu tiên của năm 2023, Tây Ninh đã đón lượng khách bằng tổng cả năm 2019.

Hành trình định danh trên bản đồ du lịch Việt

Không chỉ có núi Bà Đen, Tây Ninh còn là một vùng đất sở hữu nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên để khai thác du lịch, với những điểm đến tạo nên linh hồn cho thành phố bò tơ bánh tráng như Toà Thánh, Ma Thiên Lãnh, hay vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát...

Sở hữu đến 8 di sản văn hoá phi vật thể - một con số khiến nhiều địa phương phải ngưỡng mộ – Tây Ninh được khách thập phương biết đến nhiều nhất với Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu, với điệu múa trống Chhay-dăm, nghệ thuật đờn ca tài tử, với nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, hay với nghệ thuật chế biến món chay lừng danh khắp xứ. Các di sản văn hoá phi vật thể làm nên linh hồn của một vùng đất trù phú đậm đà bản sắc văn hoá truyền thống, nhưng chưa đủ để có thể “hữu xạ tự nhiên hương” để đưa Tây Ninh thành kinh đô du lịch.

Để thực sự trở thành điểm đến có thể cạnh tranh với các trung tâm du lịch lớn, Tây Ninh đang quyết liệt đầu tư mở rộng các sản phẩm du lịch và nhiều lễ hội quy mô gắn với đặc trưng văn hoá của vùng đất. Vào mỗi dịp đầu năm mới, Lễ hội xuân Núi Bà Đen diễn ra suốt tháng Giêng là một trong những lễ hội lớn nhất tại Tây Ninh, hút một lượng khách lớn. Chỉ tính trong dịp Tết năm nay, Lễ hội Xuân núi Bà đã đón 1 triệu lượt khách đến với Tây Ninh.

Ngay sau Tết, Lễ hội “Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh” được tổ chức lần đầu tiên trong 3 ngày từ 17-19/2/2023 với gần 200 món chay chế biến độc đáo và rất nhiều hoạt động sôi nổi đã hút hơn 25.000 du khách.

Hệ thống cáp treo hiện đại lên đỉnh núi Bà Đen

Tới đây, vào ngày 23-24/4, giải chạy Baden Mountain Marathon 2023 được tổ chức với quy mô 7.000 vận động viên sẽ tạo nên một sự kiện thể thao văn hoá lớn nhất Tây Ninh. Với chủ đề “Đường chạy huyền thoại”, giải chạy sẽ lan toả cộng đồng cả trong nước và quốc tế về một hình ảnh năng động, đầy sức sống cùng những điểm đến du lịch đã đi vào huyền thoại của vùng đất này như Núi Bà Đen, Toà Thánh Cao Đài, Ma Thiên Lãnh…

Theo đồ án quy hoạch chung đến năm 2035, Tây Ninh sẽ phát triển Khu du lịch núi Bà Đen thành khu du lịch đặc sắc, hấp dẫn, đa dạng sản phẩm và loại hình du lịch truyền thống, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Như thế, một hệ sinh thái du lịch giải trí nghỉ dưỡng hứa hẹn sẽ sớm được hình thành tại Tây Ninh, để nơi đây không chỉ là điểm đến tâm linh hàng đầu Nam bộ, mà còn là điểm đến để du khách có thể vui chơi tại các công viên giải trí quy mô và trải nghiệm nhiều loại hình du lịch khác.

Có thể thấy, Tây Ninh đang quyết liệt đi tìm lời giải cho sự bứt tốc của ngành du lịch. Và nếu sớm được đẩy mạnh đầu tư một hệ sinh thái du lịch đẳng cấp, thì sớm thôi, Tây Ninh sẽ từ một vùng trũng của ngành du lịch trở thành điểm đến mới có thể cạnh tranh và bứt phá hơn so với các địa danh du lịch nội địa nổi tiếng khác trên cả nước.

Có thể bạn quan tâm