Cụ thể, trong danh sách 500 doanh nghiệp nợ BHXH bị công khai, với số tiền nợ 18 tháng là hơn 21 tỷ đồng, Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment (Mê Linh) là doanh nghiệp có số nợ lớn nhất.
Tiếp theo là Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân (Hà Đông) nợ 19 tháng với số tiền 16,4 tỷ đồng; Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC còn nợ 15 tháng với số tiền 12,9 tỷ đồng;…
Bên cạnh những doanh nghiệp có số nợ lớn, thời gian nợ kéo dài được BHXH TP. Hà Nội công bố thì có 3 đơn vị sử dụng lao động có số nợ BHXH ít nhất, với tổng số tiền nợ là hơn 360 triệu đồng: Công ty TNHH Thương mại Sao Kim (Ba Đình); Công ty CP Eonimix (Cầu Giấy); Công ty CP Cơ khí và vận tải HTC (Long Biên).
Lãnh đạo BHXH Hà Nội, cho biết, nguyên nhân số tiền nợ tăng cao là do nhiều doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hoạt động cầm chừng.
Bên cạnh đó, nhận thức của người sử dụng lao động về BHXH, BHYT, BHTN còn hạn chế, chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng lao động dẫn đến quyền lợi chính đáng của người lao động không bảo đảm. Công tác đôn đốc, thanh kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN ở một số nơi chưa sâu sát…
BHXH TP. Hà Nội cũng đề nghị các cơ quan: Công an, Viện Kiểm sát, TAND xem xét, xử lý hình sự đối với những đơn vị, doanh nghiệp vi phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015; Liên đoàn Lao động Thành phố tiếp tục chỉ đạo Công đoàn cơ sở khởi kiện theo quy định của pháp luật đối với các DN nợ đóng BHXH để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.