Chung cư Westa, phường Mộ Lao, quận Hà Đông
Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội vừa phát đi thông báo số 348/TB-SXD(QLN) công khai danh sách các chủ đầu tư "chây ì" bàn giao kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư cho ban quản trị năm 2018. Theo đó, các chủ đầu tư có tên trong danh sách gồm:
- Công ty CP Xây dựng số 3 (Vinaconex 3) - Chủ đầu tư Dự án xây dựng nhà chung cư CT1 Khu nhà ở Trung Văn (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm);
- Công ty CP Sông Đà - Thăng Long và Công ty CP Đầu tư xây dựng Ba Đình số 1 - Chủ đầu tư nhà chung cư CT5B Khu đô thị Văn Khê (phường La Khê, quận Hà Đông);
- Công ty CP Sông Đà 1 - Chủ đầu tư nhà chung cư CT4 Khu đô thị Văn Khê (phường La Khê, quận Hà Đông);
- Công ty CP tập đoàn Bắc Hà - Chủ đầu tư cụm nhà chung cư Bắc Hà C14 (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm);
- Công ty CP Cơ khí xây dựng số 18 (COMA 18) - Chủ đầu tư nhà chung cư Westa (phường Mộ Lao, quận Hà Đông);
- Liên doanh Công ty CP đầu tư kinh doanh và phát triển hạ tầng Phúc Hà với Công ty CP Đầu tư và xây dựng Việt Nam (Vinaconi) - Chủ đầu tư dự án chung cư Nam Xa La (phường Phúc La, quận Hà Đông);
- Công ty CP Xây dựng số 1 Sông Hồng - Chủ đầu tư dự án nhà chung cư CT3 Trung Văn (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm);
- Công ty CP Sông Đà 1.01 - Chủ đầu tư dự án chung cư Hemisco (phường Phúc La, quận Hà Đông);
- Công ty CP Xây dựng số 2 Vinaconex - Chủ đầu tư Tòa tháp C1-VC2 Golden Silk Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai).
Được biết, năm 2018 Sở Xây dựng đã có báo cáo UBND Thành phố đề nghị ban hành văn bản yêu cầu các chủ đầu tư trên bàn giao đầy đủ kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư cho ban quản trị.
Nhưng đến thời điểm này, các chủ đầu tư vẫn chưa nghiêm túc thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định tại Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở; Thông tư 02/2016/TT-BXD ngày 15-2-2016 của Bộ Xây dựng trong việc bàn giao kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư cho ban quản trị.
Ở góc độ pháp lý, về hình thức quản lý quỹ 2%, theo luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty luật BASICO, khi thanh toán tiền mua nhà, buộc phải chuyển ngay phần quỹ bảo trì vào một tài khoản trung gian, có thể là của chính ngân hàng bảo lãnh chẳng hạn. Quan trọng nhất cần phong tỏa tài khoản đó. Thậm chí cần thiết, có thể giao quyền chủ tài khoản cho một cơ quan của Nhà nước như Sở Xây dựng hoặc UBND quận, huyện. Đã thu phí của dân thì phải có cơ chế bảo đảm an toàn từ đầu, chứ không thể nào cứ “gửi trứng cho ác” rồi lại phải giải quyết hậu quả.
“Trước kia dự thảo Luật Nhà ở cũng đã từng đưa nội dung UBND cấp quận sẽ quản lý tài khoản quỹ bảo trì, khi nào chung cư cần tiền phải làm thủ tục mới được rút. Như vậy, bị nhiều người phản đối vì cho rằng mất quyền chủ động của cư dân. Nhưng thực ra như thế mới bảo đảm tránh lạm dụng, thất thoát tiền của cư dân từ cả phía chủ đầu tư lẫn BQT sau này” – vị luật sư này thẳng thắn.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Chính phủ, hiện có 8 loại tranh chấp chung cư cơ bản, trong đó có tới 36% tranh chấp liên quan đến phí bảo trì. Nguyên nhân tranh chấp là do một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án, chỉ chú trọng đến thu lợi nhuận từ việc bán căn hộ mà chưa quan tâm đến nghĩa vụ sau bán hàng. Tại một số nơi, chính quyền địa phương chưa thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước nên không kịp thời xử lý, ngăn chặn mâu thuẫn phát sinh dẫn tới các tranh chấp kéo dài. Bên cạnh đó, khi mua nhà người dân đã không xem xét hết các nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng, đặc biệt là các thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quản lý, sử dụng. |