Cụ thể, Hà Nội vừa có báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ trên địa bàn và đề xuất hàng loạt cơ chế để đẩy nhanh việc cải tạo chung cư, nhà tập thể cũ.
"Đáng chú ý, Hà Nội đề nghị, để cải tạo xây mới nhà chung cư cũ chỉ cần trên 70% chủ sở hữu đồng ý; với những chủ sở hữu còn lại sẽ có chế tài nếu không đồng ý phá dỡ.
Về vấn đề này, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, quy định hiện nay yêu cầu phải có sự đồng ý của 100% chủ nhà thì chung cư cũ mới được phá dỡ để xây dựng lại là một trở ngại cho chỉnh trang đô thị.
Do đó, nội dung này cần sửa đổi theo hướng chung cư sẽ được xây dựng lại khi có tối thiểu bốn phần năm (4/5, khoảng 80%) các chủ sở hữu tại đây thống nhất tại Hội nghị nhà chung cư, HoREA đề xuất.
Ngoài ra, báo cáo Bộ Xây dựng đề xuất, thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng xem xét, cho phép thành phố được chủ động quyết định việc điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch về dân số, tầng cao công trình trong khu vực nội đô lịch sử; đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của từng dự án và khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, xã hội trong khu vực.
Khi thực hiện dự án xây mới chung cư cũ, Hà Nội đề xuất diện tích các căn hộ dành cho tái định cư tại chỗ không nhỏ hơn 30 m2 và căn thương mại từ 45 m2 trở lên (tính theo diện tích thông thủy).
Trong trường hợp các chủ sở hữu nhà chung cư không lựa chọn được chủ đầu tư, Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng cho phép địa phương được chỉ định doanh nghiệp có đủ năng lực làm chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ theo hình thức xã hội hóa, nhằm đẩy nhanh việc cải tạo, xây mới, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp...
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có gần 1.300 chung cư cũ tại 76 khu vực tập trung và hơn 300 khu chung cư cũ ở các nơi riêng lẻ. Các chung cư này đều được xây dựng từ những năm 1960 đến 1990 và đang trong tình trạng xuống cấp. Việc cải tạo, nâng cấp các khu chung cư đã được đặt ra từ lâu. Nhưng trong 10 năm nay, thành phố Hà Nội chỉ cải tạo được 14 chung cư cũ.