Theo báo cáo của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, năm 2020, Trung tâm đã thực hiện các dự án cải tạo, sửa chữa xuống cấp bằng nguồn kinh phí thường xuyên để phục vụ khách tham quan tại Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa; tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại số 18 Hoàng Diệu theo quy hoạch tổng thể mặt bằng đã được phê duyệt.
Trung tâm đã và đang thực hiện đầu tư và chuẩn bị đầu tư 5 dự án. Trong số này có Dự án bảo tồn, tôn tạo tường thành cung phía Tây, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (hoàn thành năm 2017); Dự án bảo tồn nhà Cục Tác chiến và từng bước hoàn trả không gian điện Kính Thiên; Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (dự án tổng thể), Dự án lập quy hoạch chi tiết 1/500 Khu di tích Thành Cổ Loa.
Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới đã được công nhận hơn 10 năm qua; Khu di tích Cổ Loa là di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong nhiệm kỳ 2015-2020, có 14 dự án liên quan 2 di tích trên, nhưng mới hoàn thành được 2 dự án và phần lớn hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu về bảo tồn, tôn tạo, phát triển văn hóa du lịch. Trong đó, dự án phục dựng điện Kính Thiên có ý nghĩa rất quan trọng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu tập trung bàn về Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (đối với Khu di tích Cổ Loa cơ chế sẽ tương tự), phân tích kỹ, nguyên nhân khách quan, chủ quan từ nhận thức đến chủ trương, từ chủ trương đến thể chế và nên chăng có Ban Chỉ đạo liên ngành của thành phố để thúc đẩy việc này? Tất cả hướng đến tầm nhìn là phát triển Khu di tích Hoàng thành Thăng Long trở thành công viên di sản đẹp nhất Hà Nội dành cho du khách trong và ngoài nước.
"Nguồn lực không thiếu, các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử rất tâm huyết, sẵn sàng cống hiến, nhân dân Thủ đô rất mong đợi, vậy 5 năm tới làm gì để đưa Hoàng thành Thăng Long trở thành công viên di sản xứng đáng với giá trị toàn cầu nổi trội?", Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu cũng nhất trí cao với ý kiến của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, đặc biệt là tầm nhìn đưa Khu di tích Hoàng thành Thăng Long trở thành công viên di sản của Thủ đô, vừa bảo tồn, vừa phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch và dự án phục dựng điện Kính Thiên.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho rằng, việc phục dựng điện Kính Thiên là rất quan trọng, nhưng thành phố nên chia ra một dự án nghiên cứu trước, sau đó, sau khi kết quả nghiên cứu được phê duyệt mới thực hiện dự án phục dựng.
Còn theo Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia Lưu Trần Tiêu, chúng ta không thể không phục dựng điện Kính Thiên. Tuy nhiên, trước hết phải nghiên cứu cơ sở để phục dựng. Ông đề nghị thành phố Hà Nội vào Huế để nghiên cứu thêm, vì chắc chắn triều Nguyễn có tham khảo hình thức Hoàng thành Thăng Long để xây dựng kinh thành.