Nhiều phát hiện quan trọng trong cuộc khai quật di sản Hoàng thành Thăng Long 2019

Kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên, khu di sản Hoàng thành Thăng Long năm 2019 có nhiều phát hiện mới quan trọng, góp phần minh chứng rõ hơn, sâu hơn và toàn diện hơn về các di tích của các thời kỳ lịch sử.
Hoàng Thành Thăng Long
Hoàng Thành Thăng Long

Thông tin này vừa được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội vừa cho biết hôm qua (7/4).

Đợt khai quật thăm dò do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) thực hiện, trên tổng diện tích gần 990m2 thuộc khu vực phía Đông Bắc nền điện Kính Thiên với 1 hố khai quật, 3 hố thám sát.

Quá trình khai quật tiếp tục làm xuất lộ các tầng văn hóa, dấu tích kiến trúc thời Nguyễn, Lê Trung hưng, Lê sơ, Trần, Đại La và nhiều loại hình hiện vật thời tiền Đại La, Lý, Trần, Lê sơ, Lê Mạc, Lê Trung hưng, củng cố thêm cơ sở khoa học quan trọng về tính chất, niên đại, quy mô, chức năng và giá trị của các di tích tại khu vực.

Cụ thể, hệ thống cống nước gạch kiên cố thời Đại La; dấu tích đường đi, cấu trúc sân vườn, bồn hoa, cống nước ngầm, hồ ao thời Lê Trung hưng; dấu tích bó móng hoa chanh thời Lê sơ; dấu tích cống nước ngầm hình ống, đường nước, hàng cọc gỗ thời Trần... cùng hàng trăm di vật, mảnh di vật là gạch ngói xây dựng, chi tiết trang trí kiến trúc cung điện, thành quách.  

TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia đánh giá, kết quả cuộc khai quật năm 2019 mang lại nhiều phát hiện mới quan trọng, góp phần minh chứng rõ hơn, sâu hơn và toàn diện hơn về các di tích của các thời kỳ lịch sử, trong đó cơ bản là thời Lê (Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng), có thêm tư liệu để khẳng định khu vực chính tâm của Hoàng thành Thăng Long có lịch sử tồn tại liên tục, lâu dài hơn 1.300 năm không hề đứt đoạn, từ thời Đại La, Đinh - Tiền Lê đến thời Lý, Trần, Lê.

Với phát hiện cống nước gạch kiên cố thời Đại La, kết quả khai quật, thăm dò tiếp tục củng cố cho giả thiết khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long được dựng trên đúng khu vực tâm của thành Đại La như nhiều cứ liệu lịch sử đã cung cấp trước đó.

Các dấu tích kiến trúc thời Đinh - Tiền Lê, thời Lý, thời Trần tiếp tục phân bố ở khu vực sau nền điện Kính Thiên, chứng tỏ tính chất trung tâm khá đồng đều trên toàn bộ các vị trí đã khai quật tại khu vực Trung tâm và cũng là tương đồng với toàn bộ khu vực 18 Hoàng Diệu và Vườn Hồng.

Cùng với đó, nhiều dấu tích mới xuất lộ khác như: 2 dấu tích bó nền, 1 dấu tích kiến trúc có móng cột thời Lê sơ; tổ hợp kiến trúc có móng cột lớn phía Tây và kiến trúc sân vườn phía Đông thời Lê Trung hưng... cũng gợi mở nhiều giả thiết khác về không gian tại khu vực này.  

Từ kết quả khai quật thăm dò năm 2019, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học tiếp tục đề xuất UBND thành phố Hà Nội phương hướng khai quật năm 2020: Mở rộng khai quật xung quanh khu vực diện tích hố khai quật năm 2019, đặc biệt khu vực phía Nam và Tây Nam; tập trung khai quật trục trung tâm Đoan Môn - Kính Thiên - Hậu Lâu - Bắc Môn để có thêm tư liệu phục hồi không gian Điện Kính Thiên...

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Madam Pang sở hữu bộ sưu tập hàng hiệu đồ sộ

Người đứng sau đế chế Hermes tại “xứ chùa Vàng”

Madam Pang được người hâm mộ bóng đá biết đến là Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan, nhưng có thể nhiều người chưa biết, bà còn là nữ doanh nhân đứng sau “đế chế” thời trang đồ hiệu xa xỉ trên đất Thái…

Rủi ro tiềm ẩn khi chơi Pickleball

Rủi ro tiềm ẩn khi chơi Pickleball

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ, nhưng bộ môn thể thao Pickleball cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây chấn thương khó lường…