Theo thống kê của Công an thành phố Hà Nội trong 79 chung cư, nhà cao tầng vi phạm về phòng cháy, chữa cháy được công bố từ đầu năm 2018, còn 19 công trình tồn tại vi phạm, trong đó có 7 công trình các chủ đầu tư chây ỳ, không khắc phục.
Đáng lo ngại hơn, thực hiện kế hoạch tổng kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thành phố năm 2020, công an các quận, huyện, thị xã đã phát hiện 45 cơ sở không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy, trong đó có nhiều chung cư đã đưa vào sử dụng...
Để khắc phục những tồn tại kể trên, ngày 13/11/2020, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Công văn số 5373/UBND-SXD về công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy và việc giải quyết các hạn chế trong quản lý, vận hành nhà chung cư trên địa bàn thành phố. Trong đó, với trách nhiệm xây dựng nội dung tuyên truyền, hướng dẫn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với loại hình nhà chung cư, nhà cao tầng, các đơn vị của Công an Thành phố đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo PCCC.
Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn hiện tượng chưa tuân thủ công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy và việc giải quyết các hạn chế trong quản lý, vận hành nhà chung cư trên địa bàn Thành phố.
Nghi vấn phòng sinh hoạt cộng đồng chung cư Watermark bị chiếm dụng thành của riêng
Đơn cử như nhiều sai phạm liên quan đến PCCC ở tòa nhà chung cư Watermark (địa chỉ: 395 Lạc Long Quân, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, T.P Hà Nội) đã tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để khiến cư dân ở đây vô cùng bất an. Cư dân tại đây đã phải gửi nhiều đơn thư và cũng nhận được phản hồi của cơ quan chức năng nhưng hiện nay vẫn chưa được xử lý triệt để sai phạm trong PCCC.
Hiện nay, ban quản trị tòa nhà không có hồ sơ hoàn công về xây dựng và hồ sơ phòng cháy chữa cháy, gây khó khăn cho việc di tu bảo dưỡng, ban quản trị đang làm công văn gửi PC07 để lấy lại hồ sơ PCCC. Đại diện cư dân tòa nhà Watermark Lạc Long Quân cho biết.
Theo cư dân tòa nhà, vấn đề về PCCC lớn nhất hiện nay của tòa nhà nằm ở tầng 19 là tầng trên cùng của tòa nhà. Năm 2016, tòa nhà đi vào hoạt động, chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư thì cả tầng 19 đóng cửa. Đến khi bắt đầu hội nghị nhà chung cư là năm 2017 thì cho Top A của tầng 19 là nhà sinh hoạt cộng đồng, còn Top B tầng 19 vẫn đóng cửa. Đến năm 2019 khi Thanh tra PCCC làm việc mới phát hiện ra là phòng Top B tầng 19 chưa có đầy đủ PCCC. Chủ đầu tư bàn giao cho cư dân phòng sinh hoạt cộng đồng bên Top 19A sau khi Thanh tra Công an TP.Hà Nội đã kết luận là không đảm bảo đầy đủ hệ thống PCCC. Vì thế, ban quản trị đã quyết định đóng cửa phòng cộng đồng và cư dân tòa nhà hiện không có phòng cộng đồng từ 2019 đến nay. Tong khi đó, trách nhiệm này sẽ thuộc chủ đầu tư phải phối hợp để cư dân có phòng sinh hoạt cộng đồng.
Nghiên trọng hơn, phòng cộng đồng tại tầng thượng tầng 19 hiện đang bị một cá nhân chiếm hữu thành nhà ở riêng (Top 19B) trong khi theo thiết kế đây là phòng sinh hoạt cộng đồng của cư dân. Phòng sinh hoạt cộng đồng sai công năng không được phép là nhà ở, nếu xảy ra cháy nổ thì ai phải chịu trách nhiệm?
"Việc mua bán giữa chủ đầu tư và Công ty ABC tại khu vực tầng 19 Top B và khu vực tầng T là sai công năng. Tầng 19 Top B mà ông Giám đốc Công ty ABC đang biến thành nhà ở cá nhân ông Giám đốc và không xuất trình được giấy chứng nhận sở hữu nhà đất hợp pháp". Đại điện cư dân cho biết.
Ngoài ra, khu kỹ thuật tầng T cho công ty thuê là sai luật về công năng. Việc cho thuê tại tầng T khiến toà nhà không kiểm soát được lượng người ra vào nhất trong lúc đại dịch covid-19 diễn biến phức tạp. Tầng T hiện Công ty Đại Hoàng Hà đang cho Công ty Hạ Long thuê, đang khoá cửa khu vực thoát hiểm của cư dân.
Theo đại diện cư dân tòa nhà Watermark Lạc Long Quân: “Mới đây nhất vào ngày 6/5/2021, chúng tôi tiếp tục gửi đơn kiến nghị tới Chủ đầu tư (Công ty Cổ phần BĐS Tây Hồ Tây) và các Cơ quan Quản lý Nhà nước nhờ can thiệp trong tình trạng toàn bộ tòa nhà bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng Chủ đầu tư không trả lời văn bản, không phối hợp để xử lý dứt điểm vi phạm PCCC, gây khó khăn cho công tác quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng tòa nhà”.
Những nguy cơ bất ổn về PCCC
Những phản ánh nêu trên của đại diện cư dân tòa nhà Watermark Lạc Long Quân là hoàn toàn có cơ sở khi nhiều vấn đề sai phạm PCCC của tòa nhà trên đã được cơ quan chức năng chỉ ra và yêu cầu khắc phục trước ngày 15/5.
Cụ thể, tại biên bản kiểm tra định kỳ về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của Công an quận Cầu Giấy ngày 15/4/2021 ghi nhận tồn tại như sau: “Tại thời điểm kiểm tra, tầng kỹ thuật (tầng T) văn phòng Công ty Vihelm đang hoạt động không đúng công năng thiết kế phê duyệt, (theo bản vẽ khu vực này được bố trí là khu vực kỹ thuật không được làm văn phòng và các dịch vụ khác). Trên sân thượng top 19A bố trí nhiều cây cảnh làm cản trở đường, lối thoát nạn và vị trí và vị trí tập kết thoát nạn khi có cháy nổ xảy ra”.
Từ đó, đoàn kiểm tra Công an quận Cầu Giấy kiến nghị: Công ty CP đầu tư dịch vụ Bát Cảnh Sơn, Công ty CP DV SBM không khóa cửa thoát nạn tại khu vực tầng M và tầng 1, đảm bảo khả năng thoát nạn cho người dân trong trường hợp xảy ra sự cố cháy nổ.
Đặc biệt, tại tầng 19 (Top B) hiện tại đang bị Công ty ABC Toàn Cầu biến thành nhà riêng, so với bản vẽ thẩm duyệt về PCCC thì đây là phòng sinh hoạt cộng đồng sử dụng sai công năng đang là căn hộ để ở, đề nghị trả lại nguyên trạng ban đầu theo hồ sơ đã được thẩm duyệt PCCC.
Đề nghị trả lại hiện trạng tại khu vực tầng kỹ thuật T theo đúng chức năng được phê duyệt, đảm bảo các đầu báo cháy theo đúng vị trí được lắp đặt, bỏ đầu chụp của đầu báo cháy. Tất cả các kiến nghị của đoàn kiểm tra Công an quận Cầu Giấy có thời hạn hoàn thành trước ngày 15/5.
Tuy nhiên, đại diện cư dân tòa nhà Watermark Lạc Long Quân cho biết: “Những yêu cầu của cơ quan chức năng phải hoàn thành trước ngày 15/5 nhưng đến nay đã quá hạn nửa tháng nhưng chưa sai phạm nào được khắc phục. Với hiện trạng hiện nay của toà nhà thì cư dân Watermark không có nhà cộng đồng đảm bảo PCCC để sinh hoạt. Đặc biệt, mùa nắng nóng đang bước vào đợt cao điểm, nguy cơ cháy nổ cao, khiến cư dân sống ở đây vô cùng bất an”.
Bị khởi tố vì vi Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy Ngày 5/4/2019, Công an TP HCM hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ vụ án sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Văn Tùng (nguyên Giám đốc Công ty Hùng Thanh - chủ đầu tư chung cư Carina) và Nguyễn Quốc Tuấn (trưởng Ban quản lý) về hành vi Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy theo Điều 313 BLHS, mức án cao nhất lên đến 12 năm tù. Hai bị can là người chịu trách nhiệm trong vụ cháy chung cư Carina khiến 13 người chết, hơn 60 người bị thương. "Ông Tùng đã không thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình để duy trì theo các quy định của pháp luật về PCCC. Đến khi xảy ra hoả hoạn hệ thống không kịp thời báo cháy, chữa cháy tự động - là nguyên nhân gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng", kết luận điều tra nêu. |