Hà Nội quyết tâm "hồi sinh" sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh

Nhiều năm qua, nhiều dòng sông ở Hà Nội luôn trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh. Do vậy, việc phục hồi chất lượng nước, môi trường, cảnh quan đang được chính quyền Hà Nội đặc biệt quan tâm…

Sông Tô Lịch bị ô nhiễm nặng nhiều năm qua

Tại kỳ họp thứ 15, kỳ họp chuyên đề hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với 92,55% đại biểu có mặt tán thành.

Quy hoạch nêu rõ, tại các sông nội thành như Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét, Lừ, kết quả quan trắc phản ánh tình trạng bị ô nhiễm nặng.

Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới được thành phố Hà Nội đặt ra là giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô.

Cụ thể, Hà Nội sẽ phân vùng xử lý nước thải theo khu vực với quy mô phù hợp, đảm bảo hiệu quả trong thu gom và công suất xử lý. Đảm bảo quy mô nhà máy xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu phát triển trên địa bàn Thủ đô, tạo dòng chảy các sông Tô Lịch, sông Tích góp phần làm sạch sông, hồ trong đô thị trung tâm.

Đặc biệt, Hà Nội sẽ hạn chế hoặc tạm ngừng việc khai thác cát trên sông Hồng. Việc này nhằm góp phần nâng cao mực nước sông Hồng để tăng khả năng lấy nước vào các sông Đáy - Nhuệ, Tô Lịch và hệ thống công trình thủy lợi khác.

Theo đại diện UBND thành phố Hà Nội, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các dự án thu gom, xử lý nước thải theo quy hoạch. Thành phố cũng đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện đề án "Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét".

Những năm qua, một số dự án đã và đang được thực hiện để góp phần cải thiện ô nhiễm sông, hồ ở Hà Nội. Trong đó có dự án thoát nước, cải thiện môi trường giai đoạn 1 và 2 bao gồm việc cải tạo hệ thống thoát nước khu vực nội thành; cải tạo kè và công trình hạ tầng kỹ thuật dọc các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét; cải tạo, nạo vét hồ nội thành.

Bên cạnh đó, nhiều dự án liên quan khác cũng đang được triển khai như đầu tư, đưa vào vận hành các nhà máy xử lý nước thải Kim Liên, Trúc Bạch, Bảy Mẫu, Yên Sở (công suất 200.000 m3/ngày đêm).

Đáng chú ý, dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Yên Xá là một trong những dự án quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải.

Công trình có tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng, khởi công tháng 10/2016, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Dự án bao gồm nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (huyện Thanh Trì) công suất 270.000 m3/ngày đêm và hệ thống cống thu gom, cống bao, hệ thống cống đầu nối dọc 2 bờ sông Tô Lịch, sông Lừ, quận Hà Đông (Hà Nội) và khu đô thị mới, với tổng chiều dài cống các loại khoảng 53 km.

Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có 35 gói thầu lớn nhỏ nhưng công tác triển khai thi công, xây dựng tập trung vào 4 gói thầu.

Đến nay, gói thầu số 1 xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đã hoàn thành 97% khối lượng, dự kiến vận hành thử trong quý 2/2024, đi vào hoạt động chính thức trong năm 2025.

Gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính đến nay đã đạt 90% tiến độ.

Gói thầu số 3 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Lừ mới chỉ đạt khoảng 10% khối lượng. Gói thầu số 4 xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị đạt khoảng 16% khối lượng.

Ngày 28/2, thị sát công trường xây dựng hệ thống cống bao sông Lừ và nhà máy xử lý nước thải, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá việc hai gói thầu số 3 và 4 thi công chậm trễ ảnh hưởng tiến độ thu gom và chỉ tiêu xử lý nước thải của nhà máy.

Do vậy, ông Dũng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp các sở, ngành chấm dứt hợp đồng gói thầu số 3, sớm đấu thầu lựa chọn nhà thầu khác ngay trong năm nay. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công gói thầu số 4, đảm bảo hoàn thành dự án vào năm 2025.

Sông Tô Lịch là một trong những trục tiêu thoát nước chính của Hà Nội với chiều dài 14,6km, chảy qua 6 quận, huyện là Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì.

Mỗi ngày có hơn 150.000 m3 nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp chưa qua xử lý xả trực tiếp xuống sông này. Ngoài nước thải, trên mặt sông xuất hiện rất nhiều rác thải nổi lềnh bềnh gây ô nhiễm.

Có thể bạn quan tâm