Hai người đàn bà bán muối

"Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi". Năm nào cũng vậy, sớm mồng một Tết, tôi nghe tiếng rao của chị Chanh: “Muối ơ... Ai mua muối ơ!...” Tiếng rao cất lên giữa đất trời thơm thảo vị xuân, hương Tết, sao lòng tôi ngậm ngùi, đắng đót, gợi nhớ một thời xa.
Hai người đàn bà bán muối

Nhà tôi nép trong ngõ nhỏ của “phố làng” Hòa Mục, sau lưng dãy nhà cao tầng hiện đại, chất quê còn vương nên tôi dễ gần với chị hơn người ở cao ốc chăng? Tôi nhớ mãi cái vóc dáng, hơi thở của chị Chanh - người bán muối mỗi lúc xuân về. Cái hơi thở xốn xang theo guồng quay của chiếc xe đạp cà tàng cõng theo bao muối. Cái giọng nói, lời rao miền quê Giao Thủy - Nam Định, có vị mặn của gió, hơi ấm của đất sa bồi và cả sự nhọc nhằn của làng quê ấy đã từng đi vào truyện ngắn hay điều tra xã hội học của tôi từ nhiều năm trước. Tôi đã hình thành thói quen dậy sớm vào mồng một Tết, ngóng từ xa cái vóc dáng mảnh mai, gương mặt hao gầy, chỉ có cặp mắt là vẫn long lanh như hai giọt nước biển. Càng gần, tôi càng nhìn rõ, mái tóc chị thưa mỏng, hoe vàng màu nắng, dấu vết của sự tảo tần, dãi nắng dầm mưa. Mỗi lần gọi chị Chanh mua muối đầu năm, tôi lại thoáng giật mình thấy tóc chị năm này mỏng hơn năm ngoái. Tôi bùi ngùi nhìn vào đôi chân khô nẻ, quá cỡ so với đôi dép nhựa màu xanh, gót mòn vẹt, mép quai sứt sẹo, chạnh nhớ hình bóng mẹ tôi xưa.

Hồi 50 năm trước, vì sự học hành của tám đứa con thơ, từ một tiểu thư khuê các, mẹ đã thanh thản hiến tiệm vải trong phố cổ cho Nhà nước, giải tán xưởng nhuộm Ích Thái, gia nhập tổ hợp tác chuyên thu mua vỏ bao xi măng ở các công trường. Rồi những ngày chủ nhật hay giáp Tết, mẹ cũng tềnh tang quang gánh, đi kiếm thêm bằng nải chuối, mớ rau, ở khắp các chợ Bắc Qua, Hàng Bè, Hàng Da, Ngọc Hà. Mẹ ơi! Con làm sao quên được cái Tết năm Giáp Thìn (1964), khi con không vào được đại học bởi thành phần trong lý lịch, mẹ cũng đã từng thản nhiên ngạo đời đi bán muối sớm mồng một Tết. Mẹ không đi xe đạp như chị Chanh bây giờ mà đi tàu điện xuống cửa chợ Đồng Xuân rồi từ đó gánh hàng dọc phố Hàng Ngang, Hàng Đường qua Hàng Đào đến tận cửa hiệu kem Hồng Vân, vừa đi vừa cất lời rao: “Muối đây...ơ muối đây... Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi, tài lộc đầy nhà, hoa đơm quả phúc, đức tụ bền lâu! Muối đây...ơ muối đây!...” Hàng phố kháo nhau, bà Ích Thái đi bán muối ngày Tết, đổ ra tíu tít mua những gói muối nửa cân, bọc trong giấy báo nhuộm điều, thắt nơ hình cánh hoa đào. Tận nơi xa lắc, nơi con đang lao động “tự cải tạo” mình để năm sau được xét tuyển vào đại học, con vẫn dường như nghe thấy rõ lời rao của mẹ có cánh bay đi. Con hình dung rõ mẹ mặc hai lớp áo dài, trong gấm ngoài lụa. Mẹ vấn khăn nhung có độn vì tóc mẹ rụng nhiều, sau bao tháng năm tần tảo. Chân đi guốc cao, vai đeo tay nải bằng lụa sồi Hà Đông, vai kia gánh muối, mẹ ngẩng cao đầu, đi giữa đường xuân Hà Nội, bán muối không đặt giá tiền, tùy lòng khách mua.

Anh tôi kể lại, trưa mồng một Tết năm ấy, trong bữa cơm đoàn tụ gia đình, mẹ đặt tay nải căng phồng tiền hào, tiền xu lên cuốn thư trước bàn thờ, lầm rầm khấn vái. Cha thương vợ, mắt đỏ hoe, nhìn mẹ tôi điềm nhiên ăn hết góc bánh chưng ngày Tết và người chống đũa, chẳng nói năng gì. Mẹ cười hiền, nhỏ nhẹ bảo cha: “Ơ hay! Sao ông không ăn, lại nhìn tôi mà khóc? Còn gì là Tết! Ngày xuân... Giữa đời lạt tình tôi đi bán cái mặn mòi. Giữa buổi nhộn nhạo, tôi đi rao mời quả phúc. Vui quá đi chứ. Buồn cái nỗi gì.”Thấy cha lắc đầu thở dài, mẹ càng say sưa, phấn khích, quay sang nói với cả nhà:“Tôi đi bán cái mình dư dả cho người đang khao khát, lãi lắm, cả nhà ơi! Có mấy tiếng đồng hồ, thu lãi bằng nửa năm lương làm ở tổ hợp tác, can cớ gì phải sĩ diện.” Mẹ nói rồi buông đũa, ngồi vuốt thẳng những tờ tiền hào, bó thành cục tiền to. Còn lại tiền xu, mẹ giơ cao tay nải, lắc mạnh cho cả nhà nghe tiếng tiền, tiếng bạc. Những đồng tiền xu bằng nhôm, đục lỗ ở giữa va đập vào nhau, ngân lên khúc nhạc xuân...

Chẳng biết mẹ vui thật hay cố giấu chặt nỗi đau, bởi lòng mẹ bao la như trời và đất, tình mẹ mặn mòi như hạt muối kết tinh từ sóng gió đại dương. Chỉ biết rằng, nhờ số tiền ấy góp thêm vàosự may mắn mà số phận đã run rủi cho tôi, mẹ đã đủ sức mua quà cáp, lo lót cho con quay về Hà Nội, có việc làm, tem phiếu, hộ khẩu đàng hoàng ở Thủ đô. Ngày con đi du học ở Vũ Hán, Trung Quốc, mẹ dạy: “Làm trai phải như con dao pha, thái thịt hay chặt xương thảy đều bén ngọt. Làm người dù lúc sướng hay khổ, lúc vinh hay nhục vẫn phải kiên trì chữ Đức, gây mầm chữ Phúc về lâu về dài. Cái ngày mẹ đi bán muối, người khác đã chắc gì lãi thế. Đấy là nhờ có thánh nhân phù trợ, Trời Phật có mắt ghi nhận cái công mẹ góp tiền, vàng vào ngân khố quốc gia năm Ất Dậu và cả vạn tiền Đông Dương mẹ bỏ ra cho bố mua công trái kháng chiến để Chính phủ đánh Tây. Có lẽ cũng nhờ hồng phúc ấy nên nay con mới được đi du học, con à”. Tôi bồi hồi nhớ lại vì thành phần gia đình nên anh cả của mình cũng mất một năm lao động“tự cải tạo”mới được vào Đại học Bách khoa học ngành cơ khí chế tạo máy. Rồi đây không biết các em trong nhà có được may mắn như mình? Thôi thì ta cứ hy vọng vào âm đức tổ tiên và phúc lộc của mẹ, bền gan nuôi chí học hành theo lời răn của mẹ.

Mẹ tôi khuất bóng đã lâu. Đời tôi cũng qua nhiều khúc quanh, lắm cuộc nổi nênh. Cái vòng quay định mệnh hay duyên cớ nào đã xui khiến tôi gặp lại chị bán muối, nài chị ngồi lâu, ăn mứt, uống trà. Thật tuyệt! Nhờ thế tôi hiểu thêm về chị Chanh. Vốn người xứ đạo Ninh Bình, chị dạt về Giao Thủy, làm giáo viên dạy văn, lấy chồng và sinh con. Chốn ấy, mùa xuân đầu tiên của thiên niên kỷ, tôi đã viết truyện ngắn “Đêm của thiên thần nhạc Jazz”, trong nỗi cô đơn, the thắt cõi lòng. Chị bảo đã đọc nó, đã từng rơi lệ trước số phận nhân vật cô ca sĩ hát nhạc Jazz, được người nhạc sĩ lang thang nhặt về từ góc chợ Giao An, lúc năm tuổi, tóc tanh mùi cá, bết cứng bùn đất và nước biển. Chao ôi, cái duyên kỳ ngộ! Chị bỏ nghề, xa quê, lên Hà Nội làm nghề mua gom giấy loại, bán thêm muối ngày Tết để nuôi các con theo học đại học, đứa gái học Y, đứa trai học công nghệ thông tin. Chắc rồi mai đây con cái thành đạt, chị sẽ lưu lại hẳn đây làm công dân chính thức của Hà Nội. Ở chốn kinh kỳ Thăng Long xưa này, người công dân mới như chị Chanh còn sáng giá gấp bội phần những ông quan tham nhũng hay các đại gia cướp đất làm dự án xây chung cư cao cấp, làm giàu trên nước mắt dân nghèo...

Chị Chanh đi đã lâu rồi, gấp gáp bán hàng, gấp gáp ra bến xe Giáp Bát để kịp về Giao Thủy tối nay, vớt vát cái Tết quê nghèo. Cái làng quê heo hút, nhọc nhằn ấy là Giao Thanh, Giao An hay Giao Tiến, tôi còn chưa kịp hỏi. Thương chị Chanh, bất giác tôi gọi thầm hai tiếng: Mẹ ơi!...

Nhà văn Vũ Ngọc Tiến

Có thể bạn quan tâm

Madam Pang sở hữu bộ sưu tập hàng hiệu đồ sộ

Người đứng sau đế chế Hermes tại “xứ chùa Vàng”

Madam Pang được người hâm mộ bóng đá biết đến là Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan, nhưng có thể nhiều người chưa biết, bà còn là nữ doanh nhân đứng sau “đế chế” thời trang đồ hiệu xa xỉ trên đất Thái…

Rủi ro tiềm ẩn khi chơi Pickleball

Rủi ro tiềm ẩn khi chơi Pickleball

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ, nhưng bộ môn thể thao Pickleball cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây chấn thương khó lường…