Hải quan ra tay “chặn” hàng giả bùng phát mạnh

Trước thực trạng tình hình buôn lậu, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên cả nước không có chiều hướng giảm, đặc biệt là Tết Nguyên đán đang đến gần, chuyên gia cho rằng nguy cơ bùng phát mạnh, cần có chế tài siết chặt.

Vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ ngày càng có chiều hướng tăng và tinh vi, các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương đã ráo riết thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cùng sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân.

Hàng giả không giảm

Theo ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), năm 2021, tình hình buôn lậu, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên cả nước không có chiều hướng giảm. Nhất là các loại hàng hoá có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng như: găng tay y tế, khẩu trang và các loại thuốc, vật tư y tế dùng để phòng chống Covid-19, hàng tiêu dùng, thực phẩm, thực phẩm chức năng, tân dược, đông dược; các mặt hàng thời trang giả các nhãn hiệu nổi tiếng như quần áo, giày dép, túi ví, valy, đồng hồ đeo tay; các mặt hàng bách hóa, điện, điện tử đồ gia dụng, máy móc thiết bị, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Địa bàn trọng điểm là Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Nội và Hải Phòng, các khu vực thuộc Hà Tĩnh (cửa khẩu Cầu Treo), Quảng Trị (cửa khẩu Lao Bảo) và Đà Nẵng, các tỉnh thuộc tuyến biên giới Tây Nam, Tây Ninh, TP HCM, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Mặc dù đã có nhiều giải pháp ngăn chặn nhưng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn lộng hành. (Ảnh: Int)
Mặc dù đã có nhiều giải pháp ngăn chặn nhưng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn lộng hành. (Ảnh: Int)

Đối với hành vi vi phạm xuất xứ hàng hóa, lực lượng Hải quan phát hiện một số đối tượng người Trung Quốc thành lập các doanh nghiệp ở Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ để thực hiện việc xuất khẩu sản phẩm từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm mục đích thay đổi nguồn gốc xuất xứ sản phẩm hoặc thông qua các công đoạn sản xuất đơn giản chưa đáp ứng được tiêu chí chuyển đổi mã số HS hoặc tiêu chí tỉ lệ phần trăm giá trị nhưng vẫn khai báo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ để lẩn tránh thuế quan.

Trong nước, có một số doanh nghiệp lợi dụng cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để nhập khẩu, mua nguyên liệu, sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc sau đó sản xuất hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam trong địa bàn hoạt động hải quan rồi bán ra thị trường nội địa nhằm lừa dối người tiêu dùng là hàng Việt Nam chất lượng cao.

Liên quan đến vấn đề này, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, có 3 yếu tố mới liên quan đến hàng giả, hàng lậu mà doanh nghiệp rất lo lắng. Thứ nhất là sức mua của người tiêu dùng giảm rất rõ rệt. Thứ hai, theo thông lệ hàng năm mùa cao điểm mua sắm cuối năm cũng là thời điểm hàng giả xuất hiện rất nhiều. Thứ ba là sự bùng nổ của thương mại điện tử. Hiện các doanh nghiệp rất bức xúc về vấn đề hàng giả buôn bán trên mạng, kể cả các sàn thương mại điện tử uy tín lẫn các điểm bán của cá nhân trên Facebook, Zalo.

“Nhiều trường hợp người tiêu dùng phát hiện rồi báo lại thì doanh nghiệp mới biết sản phẩm của mình bị làm giả” – bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, những yếu tố dẫn tới vấn nạn hàng giả là lòng tham, tình trạng người tiêu dùng không biết hoặc ngần ngại đi thưa kiện và cơ quan chức năng chưa tinh nhạy trong việc theo dõi, chế tài hạn chế. Trong năm nay, tình trạng này có điều kiện trở nên nghiêm trọng hơn do thị trường thiếu hàng, kinh doanh online bùng nổ và những khó khăn trong việc phát hiện, cũng như chế tài với hàng giả trên thương mại điện tử.

Đồng bộ các giải pháp

Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái gây thiệt hại rất lớn, không chỉ là những con số cụ thể về doanh số bán hàng, mà còn có thể làm mất uy tín, mất thương hiệu của doanh nghiệp nếu không được ngăn chặn kịp thời.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, tình trạng này kéo dài sẽ giết chết các doanh nghiệp chân chính và cả nền sản xuất trong nước trong bối cảnh hàng hóa đang phải chật vật cạnh tranh với hàng nhập khẩu, trong khi hoạt động xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn do còn những điểm yếu về vấn đề tiêu chuẩn.

Mặc dù Bộ luật Hình sự đã quy định cụ thể các mức xử phạt đối với hành vi sản xuất hàng giả với mức án lên đến 15 năm tù, thậm chí là tử hình đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh gây hại tới sức khỏe, tính mạng con người. Tuy nhiên, việc phát hiện và theo đuổi đến cùng để xử lý vẫn là vấn đề rất nhiêu khê.

Trước những nguy cơ bùng phát hàng gian, hàng giả, bà Vũ Kim Hạnh kiến nghị, cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra các trang mạng, các sàn thương mại điện tử, qua đó vừa xử phạt, vừa truyền thông.

Về phía người tiêu dùng, bà Vũ Kim Hạnh khuyến nghị cần chú ý hơn tới yếu tố pháp lý khi mua sắm hàng hóa. Các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc bị khống chế rất chặt chẽ bởi các quy định về ghi nhãn hàng hóa, nhưng các đối tượng làm hàng giả thì có thể tùy ý ghi nhãn. Nên nếu để ý kỹ, người tiêu dùng sẽ nhận thấy có rất nhiều thông tin lộn xộn thậm chí là vô lý.

Ngoài sự thờ ơ của người tiêu dùng thì nhiều doanh nghiệp cũng có tâm lý né tránh trong việc chống hàng gian, hàng giả vì sợ khi làm to chuyện thì người tiêu dùng sẽ quay lưng với hàng hóa của mình. Tuy nhiên, theo quan điểm của bà Vũ Kim Hạnh, việc có nên tố cáo hay không phải do chính doanh nghiệp tự quyết định, không thể giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp trong việc này được.

Trước tình hình đó, Cục Điều tra chống buôn lậu đã chủ động tham mưu lãnh đạo Tổng cục Hải quan ban hành Công văn số 1239/TCHQ-ĐTCBL ngày 17/3/2021 để chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành về công tác chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhằm triển khai thực hiện đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm, bám sát tình hình thực tế công tác và yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đồng thời, thực hiện điều tra nghiên cứu nắm tình hình, rà soát dữ liệu trên các chương trình nghiệp vụ để sàng lọc đối tượng trọng điểm, lập kế hoạch đấu tranh, bắt giữ.

Về mặt hành chính, ông Nguyễn Hùng Anh cho biết, để ngăn chặn hàng giả, hàng giả mạo xuất xứ, Tổng cục Hải quan đã tham mưu lãnh đạo Bộ Tài chính xây dựng Kế hoạch số 1195/KH-BTC ngày 4/10/2019 về việc kiểm tra, xác minh, đấu tranh với hoạt động giả mạo nhãn hiệu, gian lận xuất xứ nhằm mục đích buôn lậu, trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng, chuyển tải bất hợp pháp.

Đồng thời, Cục Điều tra chống buôn lậu tham mưu Lãnh đạo Tổng cục Hải quan xây dựng Kế hoạch số 441/KH-TCHQ ngày 18/10/2019 về kiểm tra, xác minh, đấu tranh với hoạt động giả mạo nhãn hiệu, gian lận xuất xứ nhằm mục đích buôn lậu, trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng, chuyển tải bất hợp pháp để triển khai trong toàn Ngành.

Quá trình thực hiện đã phát hiện nhiều vụ vi phạm về xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp. Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến ngày 24/11/2021, đã phát hiện bắt giữ 13.092 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.553 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 12.652 vụ, thu NSNN đạt 276,980 tỷ đồng; khởi tố 28 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 155 vụ.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...