Năm ngoái, SK Telecom và công ty Joby Aviation của Mỹ đã ký kết hiệp định hợp tác phát triển taxi hàng không cho thị trường Hàn Quốc. Trong đó, Joby Aviation sẽ chịu trách nhiệm sản xuất phương tiện này.
Dịch vụ taxi bay được nhiều người cho rằng sẽ có khả năng giảm áp lực giao thông trong các thành phố đông đúc. Chính phủ Hàn Quốc cũng đang dự định đẩy mạnh nỗ lực thương mại hóa taxi bay vào năm 2025.
Ha Min-yong, giám đốc phát triển của SK Telecom đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng dịch vụ taxi bay của công ty sẽ được đưa ra thị trường “vào khoảng giữa năm 2025”, trước khi mở rộng sang các lĩnh vực khác như vận chuyển hàng hóa.
“Vì vậy, đến năm 2025, nếu chúng tôi có thể đảm bảo an ninh và chứng minh sự an toàn của dịch vụ này cho công chúng, thì chính phủ sẽ cho phép mở rộng mô hình ra các lĩnh vực như vận chuyển hàng hóa và du lịch, cũng như các dịch vụ liên quan đến y tế,” bà Ha Min-young cho biết tại sự kiện Mobile World Congress ở Barcelona, Tây Ban Nha.
SK Telecom đang tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh của mình ra ngoài vai trò là đơn vị cung cấp dịch vụ di động. Họ đặt mục tiêu tiến vào các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo và taxi bay. Tương lai, dịch vụ taxi bay của SK Telecom sẽ tiến tới được vận hành hoàn toàn tự động hóa.
Mặc dù hình thức chuyên chở bằng phương tiện này còn đang ở giai đoạn đầu, công ty tư vấn Roland Berger dự đoán rằng sẽ có gần 160.000 máy bay không người lái chạy bằng điện được sử dụng trên toàn thế giới vào năm 2050. Công ty cho biết chúng sẽ tạo ra doanh thu hàng năm lên đến gần 90 tỷ USD.
SK Telecom cũng muốn đặt chân vào thị trường máy bay không người lái này. Bà Ha Min-young nói rằng nếu quá trình diễn ra suôn sẻ, taxi bay có thể mang lại nguồn doanh thu lớn cho công ty trong tương lai.
“Trong 5 đến 7 năm tới, chúng tôi cần đảm bảo rằng dịch vụ mà chúng tôi sắp cung cấp cho xã hội và cộng đồng là đủ an toàn để vận hành,” bà Ha nói và nhấn mạnh: “Một khi được cộng đồng và xã hội chấp nhận, chúng tôi tin rằng nó sẽ tạo ra một lượng doanh thu đáng kể cho công ty.”