Hàng loạt doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh ở “phút 89”

Chỉ còn một quý nữa là năm tài chính 2024 sẽ khép lại. Trong khi nhiều doanh nghiệp vui mừng công bố đã hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận theo báo cáo bán niên, thì không ít doanh nghiệp khác lại điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của mình để "theo kịp bạn bè"...

AN PHÁT.jpg

Chỉ còn vài ngày nữa là bước sang quý cuối cùng của năm 2024, nhiều doanh nghiệp đang bứt tốc “chạy về đích" để hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh đã đặt ra từ đầu năm.

Song cũng có hàng loạt doanh nghiệp niêm yết công bố điều chỉnh lại kế hoạch năm ở phút chót. Trong khi nhóm vận tải biển nâng kế hoạch, còn nhóm nhựa lại đi giật lùi.

APH VÀ AAA HẠ KẾ HOẠCH KINH DOANH NĂM 2024

Đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings (mã chứng khoán: APH), tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, kế hoạch kinh doanh của công ty được thông qua với doanh thu hợp nhất đạt 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế mục tiêu 314 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại nghị quyết của Hội đồng quản trị công ty mới đây cho biết, kế hoạch kinh doanh năm 2024 được điều chỉnh giảm lần lượt 7% về doanh thu và giảm 11% về lợi nhuận so với kế hoạch ban đầu, tương ứng mục tiêu sau điều chỉnh là 13.000 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 281 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên, An Phát Holdings ghi nhận mức lãi 271 tỷ đồng trong nửa đầu năm, như vậy công ty dự kiến chỉ có mức lãi khiêm tốn 10 tỷ trong 6 tháng cuối năm 2024.

Mặt khác, tại Công ty Cổ phần Nhựa An Phát Xanh (mã chứng khoán: AAA), tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, kế hoạch kinh doanh được thông qua với doanh thu hợp nhất đạt 12.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế mục tiêu 377 tỷ đồng.

Sau đó, Hội đồng quản trị công ty đã thông qua việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2024 giảm lần lượt 8% về doanh thu và 17% về lợi nhuận so với kế hoạch ban đầu, tương ứng là 11.000 tỷ đồng và 314 tỷ đồng.

Đáng chú ý, cũng như An Phát Holdings, ngày 29/8, Nhựa An Phát Xanh đã báo cáo lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2024 đạt 282 tỷ đồng. Như vậy, Hội đồng quản trị công ty ước tính lãi 6 tháng cuối năm chỉ đạt 32 tỷ đồng.

Đáng chú ý, việc An Phát Holdings và Nhựa An Phát Xanh điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh khi cả hai doanh nghiệp này đều đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong nửa đầu năm. Với kế hoạch kinh doanh điều chỉnh, sau 6 tháng, An Phát Holdings và Nhựa An Phát Xanh đã thực hiện được lần lượt được 96%, 90% mục tiêu lợi nhuận.

Hội đồng quản trị Tập đoàn An Phát Holdings và Nhựa An Phát Xanh đều giao Tổng giám đốc công ty nỗ lực đẩy mạnh công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả các kế hoạch hành động phù hợp với điều kiện thực tế nhằm đạt được các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh sau điều chỉnh.

Đáng chú ý, sau khi An Phát Holdings đưa ra quyết định điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh, nhiều lãnh đạo tập đoàn đã công bố hoàn tất bán ra lượng lớn, thậm chí toàn bộ cổ phiếu APH đang nắm giữ.

Theo đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị An Phát Holdings Phan Nguyễn Huy Cường vừa công bố đã bán thành công toàn bộ 750.000 cổ phiếu (chiếm 0,46%) đang nắm giữ tại doanh nghiệp.

Bà Trần Thị Tiện, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị thường trực kiêm Tổng Giám đốc An Phát Holding cũng công bố bán ra thành công 750.000 cổ phiếu APH, giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu APH còn 125.000 cổ phiếu.

Bà Trần Thị Thoản, Phó Tổng Giám đốc phụ trách sản xuất, đã hoàn tất bán toàn bộ 500.000 cổ phiếu (chiếm 0,21% vốn điều lệ) tại An Phát Holdings đang nắm giữ.

Bà Hòa Thị Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tài chính, đã bán ra 500.000 cổ phiếu APH (chỉ còn nắm giữ 625 cổ phiếu).

Liên quan đến lãnh đạo cấp cao của An Phát Holdings, đầu tháng 9 vừa qua, ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, đã nộp đơn xin từ nhiệm vì lý do cá nhân, tạo thêm sự xáo trộn và thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.

Trước khi nộp đơn xin từ nhiệm, ông Phạm Ánh Dương đã đăng ký bán ra toàn bộ số cổ phiếu APH đang nắm giữ là 11,87 triệu cổ phiếu APH, tương đương 4,87% vốn tại An Phát Holdings. Mục đích thực hiện giao dịch này nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư. Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến từ ngày 27/8 đến 25/9/2024 theo hình thức thoả thuận hoặc khớp lệnh.

Nếu giao dịch diễn ra thành công, ông Phạm Ánh Dương sẽ không còn sở hữu bất kỳ cổ phiếu APH nào. Ước tính, thương vụ này sẽ mang về cho ông Dương khoảng 90,9 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Tập đoàn 911 (mã chứng khoán: NO1) đã thông báo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2024.

Đáng chú ý, tập đoàn bất ngờ đặt mục tiêu doanh thu chỉ ở mức 200 tỷ đồng, giảm tới 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế dự kiến chỉ còn 4 tỷ đồng, giảm tới 72%.

Đáng nói, Tập đoàn 911 lên kế hoạch kinh doanh 6 tháng cuối năm “đi lùi” trong bối cảnh giai đoạn nửa đầu năm, doanh nghiệp này ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc. Cụ thể, kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn 911 ghi nhận doanh thu đạt 446 tỷ đồng, tăng 190% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 15 tỷ đồng, tăng mạnh tới 496%. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 4,1%, lên tới 8,6%.

Được biết, trong năm 2024, Tập đoàn 911 lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu ở mức 600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 18 tỷ đồng.

Như vậy, đi hết nửa chặng đường 2024, Tập đoàn 911 đã hoàn thành 74% chỉ tiêu doanh thu và hoàn thành 81% kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm nay.

NHÓM VẬN TẢI TĂNG MẠNH KẾ HOẠCH LỢI NHUẬN

Ngược lại, mới đây, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải (mã chứng khoán: HAH) - doanh nghiệp sở hữu đội tàu container lớn nhất Việt Nam - đã công bố điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2024. Theo đó, năm nay doanh nghiệp này nâng mục tiêu doanh thu 3.957 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 450 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 55% so với trước khi điều chỉnh.

Kế hoạch sau điều chỉnh của Hải An cũng tăng lần lượt 51% và 25,7% so với thực hiện năm 2023.

Ngoài ra, Hội đồng quản trị Hải An còn thông qua việc đầu tư mua tàu container đã qua sử dụng, loại Panamax (3.500-5.000 TEU) để chuẩn bị cho việc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong 6 tháng đầu năm, Hải An ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.653 tỷ đồng, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 21%, còn 176 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp này đã hoàn thành 58% kế hoạch doanh thu và 38% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Ban lãnh đạo Xếp dỡ Hải An cho biết, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của công ty giảm chủ yếu là do giá cho thuê tàu giảm và giá cước vận hành tăng cao khi chi phí vận hành tăng mạnh trong quý 1/2024.

Theo kế hoạch ban đầu được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 thông qua hồi tháng 4, Xếp dỡ Hải An dự kiến nhận 2 tàu đóng mới loại 1.800 TEU (Bangkok Mark IV) trong năm nay.

Trên thực tế, công ty đã tiếp nhận tàu Anbien Sky vào tháng 5 và Haian Opus vào tháng 7. Trước đó, Xếp dỡ Hải An cũng nhận 2 tàu khác là Haian Alfa vào tháng 12/2023, Haian Beta vào tháng 3 năm nay.

Theo Chứng khoán Mirae Asset, việc nhận thêm 4 mới từ cuối năm 2023 đến nay đã giúp tổng trọng tải của công ty nâng thêm 44%, tương ứng tăng thêm hơn 7.000 TEU từ mức 16.000 TEU vào cuối năm 2022.

Trong tài liệu gửi cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024, Công ty Cổ phần Vận tải biển Hải Âu (mã chứng khoán: SSG) đề xuất điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm nay.

Cụ thể, công ty muốn nâng doanh thu gấp 3 lần so với mục tiêu ban đầu, từ hơn 30,2 tỷ đồng lên hơn 98 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế được điều chỉnh gấp 9,5 lần kế hoạch cũ, từ 5,2 tỷ đồng lên 49,5 tỷ đồng.

Theo Vận tải Hải Âu, kế hoạch này được xây dựng trên kịch bản là giá thanh lý tàu Sea Dream đạt gần 74 tỷ đồng. Công ty cho biết sau gần 18 năm khai thác, tàu Sea Dream đang bước vào giai đoạn tàu già, tình trạng kỹ thuật thường xuyên có những dấu hiệu không ổn định.

Tuy nhiên, tại biên bản họp Đại hội đồng cổ đông vào ngày 18/9 của Vận tải biển Hải Âu lại không đề cập đến phương án điều chỉnh mục tiêu kinh doanh mà chỉ thông qua việc bán tàu.

Xem thêm

Khả năng thị trường có thể giảm điểm

Khả năng thị trường có thể giảm điểm

VN-Index đang mở ra những cơ hội mua mới cho nhà đầu tư tại vùng hỗ trợ 1.260 và 1.240 điểm. Nhà đầu tư có thể giải ngân mua vào cổ phiếu hoặc chờ đợi thị trường có phiên bật tăng khỏi ngưỡng 1.280 điểm đối với những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp...

Xu hướng tăng điểm của VN-Index vẫn được bảo toàn

Xu hướng tăng điểm của VN-Index vẫn được bảo toàn

Theo nhận định của công ty chứng khoán, xu hướng tăng điểm của VN-Index vẫn được bảo toàn. Ngoài các vị thế nắm giữ theo xu hướng, nhà đầu tư có thể linh hoạt bán bớt một phần tỷ trọng, đã mua gối đầu tại hỗ trợ, để cân bằng lại vị thế khi chỉ số hoặc các mã mục tiêu tiếp cận vùng cản gần...

"Mưa" thưởng ESOP: Một mũi tên trúng nhiều đích

"Mưa" thưởng ESOP: Một mũi tên trúng nhiều đích

Dù ESOP là một chiến lược tối ưu giúp tăng vốn và củng cố đội ngũ nhân viên, nhưng nếu không cẩn trọng, nó có thể khiến một số cổ đông không hài lòng, từ đó gây ra những xung đột lợi ích...

Có thể bạn quan tâm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...

“Cá mập” Pyn Elite Fund trở thành cổ đông lớn của Haxaco

“Cá mập” Pyn Elite Fund trở thành cổ đông lớn của Haxaco

Pyn Elite Fund đã nâng sở hữu tại Haxaco từ 5,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,8% vốn) lên thành 6,1 triệu đơn vị (tỷ lệ 5,7% vốn) qua đó trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp phân phối Mercedes-Benz chính hãng đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam...