Hạnh phúc đánh đổi

Có những thân phận người Việt xa xứ, hạnh phúc nhỏ nhoi của họ chỉ có thể được đong bằng những dòng nước mắt mặn mòi đến vô tận.
Hạnh phúc đánh đổi

Đã 12 năm kể từ khi tôi đến thăm vợ chồng Nam – Lan ở bên rìa thành phố San Francisco (Mỹ). Khi ấy họ đang ở trong căn nhà thuê vừa đủ cho cặp vợ chồng cùng hai con nhỏ. Cả hai từng là sinh viên, rồi lấy nhau, rồi sinh con, rồi phải bỏ học ngang chừng. Con của họ mang quốc tịch Mỹ, còn họ thì bám vào con để được cư ngụ ở đây, trong vai trò “người bảo trợ” cho hai công dân Mỹ bé bỏng.

Người bảo trợ cho hai công dân Mỹ

Khỏi phải nói những vất vả, nhọc nhằn mà họ phải chịu đựng. Là bố là mẹ của hai công dân Mỹ, dĩ nhiên là bên cạnh bản năng làm cha làm mẹ, nhất mực thương và làm những điều tốt đẹp nhất cho những thiên thần của mình, họ còn phải tuân thủ luật pháp Mỹ một cách triệt để, đặc biệt là những quy định liên quan đến vai trò của người làm cha làm mẹ. Nhưng họ lại là dân nhập cư bất đắc dĩ, nghĩa là không bị đuổi về nước chỉ vì họ là “người bảo trợ” cho hai công dân Mỹ.

Nhưng vì là dân nhập cư không chính thống nên để có được việc làm là vô cùng khó khăn. Thế là anh chồng đi làm thuê cho các tiệm ăn người Việt mà chui lủi như đi ăn trộm, vì không xin được giấy phép lao động, không được hưởng những quyền lợi tối thiếu mà người lao động được hưởng. Cô vợ thì vừa trông con, vừa tham gia vào các tổ chức xã hội dành cho những bà mẹ tại địa phương. Một suất lương đủ trang trải tiền ăn, tiền thuê nhà, các chi phí khác cho 4 người nhưng chẳng may đau ốm thì toi cơm. Lan kể: Một lần chồng em bị đau họng, ho kéo dài, em lo quá nên giục anh ấy đi khám. Thế là mất toi 2 ngàn USD, nhà em tằn tiện cả năm mới cân bằng được chi tiêu.

Đằng sau cái nhãn "Việt kiều" là những nhọc nhằn mưu sinh nơi đất khách

Những căng thẳng, lo toan kéo dài đã khiến Nam già hơn tuổi rất nhiều. Người đàn ông chỉ mới hơn 30 tuổi mà chân chim đã ngập khóe mắt, tóc lốm đốm ngả bạc. Lan cũng vậy, lật mái tóc lên đã thấy từng lọn tóc bạc trắng lẫn trong những sợi đen. Nhưng họ vẫn gắng gượng để tồn tại với một niềm tin mãnh liệt là hai con họ sẽ có một tương lai tốt đẹp. Khi các con trưởng thành, bố mẹ sẽ được con bảo lãnh cho nhập quốc tịch Mỹ. Khi ấy, có thể thành lập và phát triển cơ sở kinh doanh đàng hoàng…

Những vất vả lo toan của vợ chồng Nam – Lan vẫn chưa thấm vào đâu so với người bạn lớn tuổi của họ đang cư ngụ ở garage trong nhà họ. Lộc sang Mỹ từ 20 năm về trước. Anh đã có quốc tịch Mỹ, có việc làm nhưng có lẽ hạt giống gieo vào đời của anh là để thực hiện sứ mệnh lo toan cho người thân chứ không phải để sống cho mình. Tất cả đồng tiền kiếm được của anh, vốn thấm đẫm mồ hôi nước mắt đều được gửi về Việt Nam giúp ba mẹ nuôi các em ăn học. Các em lần lượt trưởng thành thì những đồng tiền đó lại tiếp tục nuôi cha mẹ già và các cháu con của anh của em…

Thật khó tưởng tượng được người đàn ông Việt kiều Mỹ đó - chưa một lần yêu đương, lập gia đình -  ấy lại có một nơi ở tuềnh toàng đến vậy. Nó chỉ là một cái giường trong gara, được che chắn bằng những tấm bìa cac tông - Mùa hè nóng như rang và mùa đông lạnh buốt… Có sao đâu khi mà thân xác anh, sức khỏe của anh, những đồng tiền kiếm được của anh đều không thuộc về anh mà thuộc về những người ruột thịt ở quê nhà.

Gần đây tôi có nghe thông tin về vợ chồng Nam – Lan. Hai đứa con của họ đã là hai chàng trai 15 và 17 tuổi, cao lớn lộc ngộc nhưng vẫn chưa đủ điều kiện bảo lãnh cho bố mẹ. Sức chịu đựng trong họ đã gần cạn. Nam buồn nên bẳn gắt, cáu kỉnh, sức khỏe giảm sút nhiều. Lan cũng triền miên rơi vào trạng thái trầm cảm. Mơ ước mở được một nhà hàng Việt Nam tại Mỹ vẫn xa tầm tay với.

Lộc – người đàn ông trú ngụ trong gara của nhà Nam – Lan năm nào đã về Việt Nam để được sống trong vòng tay yêu thương của người ruột thịt - sau ngần ấy năm anh được làm Việt kiều Mỹ, sống trên đất Mỹ.

Ông chủ tiệm ăn và cái sự thèm ngủ

Zena – thành phố nhỏ cách Frankfurt chừng 300 cây số. Nơi đây có một tiệm ăn mang tên Sài Gòn với ông chủ là người Việt. Anh chính là lý do để tôi đến với thành phố nhỏ mà quá đỗi xinh đẹp này.  Là ông chủ mà không có thời gian để nghỉ ngơi, du lịch, càng không biết đến những thú chơi dành cho các ông chủ như đánh golf, tenis… Tiệm ăn của anh có đúng 3 người phục vụ: Vợ chồng ông chủ và một đầu bếp. Hàng ngày, khi người ta còn say giấc nồng thì anh đã đến cửa hàng, chuẩn bị bữa sáng cho khách. Cả ngày, anh vừa lo mua nguyên liệu, vừa phụ bếp, rửa chén, đĩa… và tiếp khách. Vợ anh chạy bàn, đón khách.

Đối với nhiều Việt kiều, mỗi lần về nước vừa là một lần vui nhưng cũng là một lần lo

Đêm đến, khi người ta chìm trong giấc ngủ thì anh còn loay hoay với việc dọn dẹp, phân loại và đổ rác. Vất vả là thế nhưng còn sướng hơn những người kiếm chác từ những túi rác của anh. Anh lầm lũi quay ra thì họ lầm lũi đi tới, mò tay vào thùng rác mà khoắng... 

Có hai chi tiết đắt nhất mà tôi găm được vào đầu. Một là anh từng có quãng thời gian 3 năm liền không hề nhìn thấy ánh mặt trời. Ngày đó anh chưa có được giấy tờ cư trú đàng hoàng nên phải làm thuê cho một chủ tiệm ăn người Tàu. Bếp nấu dưới tầng ngầm của tiệm ăn đã che chở cho anh 24/ 24 giờ trong suốt 3 năm.

Chi tiết thứ hai cũng ai oán không kém. Anh bảo lâu lắm rồi anh quên cảm giác máy bay cất cánh và hạ cánh nó như thế nào. Vì khi tìm được đến chỗ ngồi trong khoang máy bay, anh đã chìm vào giấc ngủ. Anh chỉ dậy khi được đánh thức vào bữa ăn và khi máy bay đã hạ cánh, trong khoang không còn một hành khách nào nữa.

Thiếu ngủ. Thèm ngủ. Căng thẳng. Lo âu là tất cả những gì tôi muốn viết về anh - một ông chủ tiệm ăn của người Việt trên đất Đức.

Những mối tình “Hồn Trương Ba da hàng thịt”

Hoài Anh – cô gái Hà Nội xinh đẹp, dịu dàng như một tiểu thư con nhà khuê các. Vì trục trặc hôn nhân mà cô phải bằng mọi giá để sang Đức sinh sống, bỏ lại đằng sau đứa con bé bỏng cho ông bà ngoại, bỏ lại đằng sau những sự nguy hiểm mà người chồng – vốn chơi bời, tệ bạc mà lại không muốn bỏ vợ - đem lại cho cô.

Để sang được Đức, cô phải làm kết hôn giả. Vừa mất một khoản tiền không nhỏ cho anh chồng hờ, cô còn phải chung đụng thân xác với anh ta ít nhất một lần. Lý do đơn giản là vì chính sách nhập cư theo diện hôn nhân của Đức rất chặt chẽ. Cô và anh chồng hờ phải trả lời câu hỏi bắt buộc về những đặc điểm riêng biệt trên cơ thể của nhau, để chứng minh cả hai là vợ - chồng.

Hoài Anh đi làm ở tiệm ăn người Việt. Nhan sắc của cô lọt vào mắt ông chủ. Thế là cô phải chịu đựng suốt quãng thời gian dài về cái gọi là tấn công tình yêu bằng những viên đạn bọc đường của người đàn ông háo ngọt kia. Nhưng nỗi khổ đó chưa thấm vào đâu so với nỗi khổ khi phải đối diện với bà vợ hay ghen của ông chủ. Cô dường như bị tra tấn tinh thần trước cái nhìn soi mói, lời nói và thái độ hằn học của bà ta kèm theo những công việc giao cho cô ngày càng nặng nhọc.

"Chưa hết. Ông chồng hờ người Đức mỗi khi cần tiền lại mò đến tiệm ăn tìm cô với thông điệp: Nếu mày không có tiền cho tao thì mày phải ngủ với tao, vì mày là vợ tao. Bằng không, mọi sự chấm dứt ở đây. Việc ly hôn sẽ được tiến hành ngay mà không đợi đến 5 năm để mày được tự do nhập quốc tịch.

Sức người có hạn. Cô bay về bên bố, khóc: Thôi, con về nhà đây. Nhục lắm bố ạ! Người cha lặng đắng, thương con gái lớn hồng nhan mà phận long đong. Ông khuyên con chịu đựng thêm 1 năm nữa để đủ điều kiện nhập quốc tịch. Đồng thời ông cũng nhờ người quen, bạn bè giúp con ông chuyển nơi làm việc.

Nay Hoài Anh đã là một bà chủ cơ sở kinh doanh mới trên đất Đức. Cô cũng cố quên đi những ngày tháng hãi hùng thời làm vợ hờ của ông chồng Đức, làm nhân viên của ông chủ háo ngọt với bà vợ ghen tuông soi mói… để đi tiếp, thực hiện mơ ước xây dựng cho riêng mình một doanh nghiệp đủ mạnh.

Cũng trong một tiệm ăn khác do người Việt làm chủ, tôi gặp hai phận người trớ trêu với hai mối tình kiểu “Hồn Trương Ba da hàng thịt”.

Cả hai đều có chồng hờ và vợ hờ. Nhưng bi kịch ở đây vì họ là một cặp đôi, hiểu, yêu nhau và cùng chấp nhận số phận. Ban ngày họ là một đôi tình nhân hạnh phúc tại tiệm ăn, nơi họ cùng làm việc. Tối đến, họ về với chồng hờ, vợ hờ của mình. Chồng hờ, vợ hờ của họ cũng không gây phiền hà, khó dễ gì, vì họ đã nhận những khoản tiền lớn và vì họ cũng là những người có nhân cách. Nhưng áp lực hàng đêm phải chia tay người mình yêu để về “tổ ấm” cheo leo, đợi đủ ngày đủ tháng rồi ly hôn nó mới cay đắng làm sao. Đất khách quê người. Chàng trai không đủ sức mạnh để bảo vệ bản thân, nói chi đến việc đưa bờ vai cho người yêu nương tựa.

Nghe nói, cặp đôi này sau đó đã chia tay chồng hờ, vợ hờ và tác thành một tổ ấm mới đúng nghĩa. Ám ảnh của thời sống cảnh “Hồn Trương Ba da hàng thịt” trong cuộc hôn nhân giả vờ trước đây như một vết thương lòng, đôi khi trở trời lại nhức buốt, nó nhắc nhở họ biết trân quý những gì đang có.

Những phận người Việt Nam lưu lạc ở hải ngoại, dẫu buồn vui, hạnh phúc đều luôn hướng về nguồn cội. Nơi ấy có Đất Mẹ bao dung, luôn mở lòng đón những đứa con lưu lạc trở về.

Có thể bạn quan tâm

Nước Mỹ bầu cử Tổng thống như thế nào?

Nước Mỹ bầu cử Tổng thống như thế nào?

Với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 đang đến gần, ứng viên Donald Trump và Kamala Harris gấp rút vận động cử tri tham gia bỏ phiếu ngày 5/11. Tuy nhiên, người chiến thắng sẽ không được quyết định dựa trên số phiếu phổ thông mà là từ một nhóm 538 đại diện trong Đại cử tri đoàn…

Danh hiệu tỷ phú giàu nhất Trung Quốc gọi tên “cha đẻ” TikTok Zhang Yiming

Danh hiệu tỷ phú giàu nhất Trung Quốc gọi tên “cha đẻ” TikTok Zhang Yiming

Với khối tài sản 49,3 tỷ USD, nhà sáng lập Bytedance Zhang Yiming lần đầu tiên giành danh hiệu người đàn ông giàu nhất Trung Quốc. Đồng thời, báo cáo từ Hurun cũng cho thấy sự thay đổi trong cơ cấu tỷ phú tại quốc gia tỷ dân, với các doanh nhân công nghệ và năng lượng mới đang dần chiếm ưu thế…

10 quốc gia nghèo nhất thế giới năm 2024

10 quốc gia nghèo nhất thế giới năm 2024

Các quốc gia nghèo nhất thế giới từ lâu đã phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do xung đột, thiên tai và tình trạng kinh tế suy thoái. Dù sở hữu tài nguyên phong phú, nhưng nhiều nơi vẫn không thể thoát khỏi cảnh nghèo đói và hàng triệu người dân phải sống dưới mức tối thiểu…

Nvidia và Apple tranh giành ngôi vị công ty giá trị nhất thế giới

Nvidia và Apple tranh giành ngôi vị công ty giá trị nhất thế giới

Nvidia có thời điểm đã vượt qua Apple để trở thành công ty giá trị nhất thế giới khi nhu cầu mạnh mẽ đối với chip AI đã đưa vốn hóa của hãng chạm mốc 3,53 nghìn tỷ USD. Trong khi Nvidia liên tục tăng trưởng mạnh, Apple lại đối mặt với khó khăn khi doanh số iPhone suy giảm tại Trung Quốc…

Bùng nổ dịch vụ xin nghỉ việc hộ tại Nhật Bản

Bùng nổ dịch vụ xin nghỉ việc hộ tại Nhật Bản

Ngày càng có nhiều người trẻ Nhật Bản tìm đến các “agency” để tìm kiếm sự hỗ trợ khi muốn rời bỏ công việc của mình. Xu hướng này đánh dấu một bước ngoặt lớn đối với những quy chuẩn truyền thống trong văn hóa làm việc khắt khe của xứ sở mặt trời mọc…

HSBC tái cơ cấu, bổ nhiệm nữ CFO đầu tiên trong lịch sử

HSBC tái cơ cấu, bổ nhiệm nữ CFO đầu tiên trong lịch sử

Ngân hàng HSBC đã bổ nhiệm nữ Giám đốc Tài chính đầu tiên trong lịch sử 159 năm hoạt động. Cùng với đó, ngân hàng cũng công bố một cuộc cải cách cơ cấu lớn, thành lập các đơn vị kinh doanh mới nhằm tối ưu hóa và nâng cao tính năng động trong bối cảnh thị trường tài chính có nhiều đang thay đổi…

Halloween “đắng” khi giá ca cao leo thang

Halloween “đắng” khi giá ca cao leo thang

Trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và giá ca cao leo lên các ngưỡng cao kỷ lục, nhiều nhà sản xuất bánh kẹo đang buộc phải điều chỉnh lại chất lượng sản phẩm và tìm kiếm các giải pháp thay thế cho mùa Halloween năm nay…

Siêu start-up Trung Quốc Pony AI xin niêm yết IPO tại Mỹ

Siêu start-up Trung Quốc Pony AI xin niêm yết IPO tại Mỹ

Công ty robotaxi Trung Quốc Pony AI đã nộp hồ sơ IPO tại Mỹ. Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong bối cảnh các công ty Trung Quốc dần quay lại thị trường chứng khoán Mỹ sau thời gian gặp gián đoạn…

Cuộc đua Nhà Trắng: Tương lai ngành xe điện Mỹ và ván cược tỷ đô từ Hàn Quốc

Cuộc đua Nhà Trắng: Tương lai ngành xe điện Mỹ và ván cược tỷ đô từ Hàn Quốc

Cuộc tranh cử tổng thống Mỹ đang làm dấy lên các tranh luận về tương lai của ngành công nghiệp xe điện. Trong đó, Hàn Quốc lo ngại rằng hàng tỷ USD của họ có thể gặp rủi ro khi những thay đổi chính sách có thể ảnh hưởng đến hàng loạt dự án và ưu đãi mà các doanh nghiệp nước này đang hưởng lợi…