Hành trình "0 đồng" của OceanBank, CBBank và GP Bank

Việt Nam đã chứng kiến sự ra đời của ngân hàng "0 đồng" khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp mua lại các tổ chức gặp khó khăn như GP Bank, OceanBank và CBBank. Hành động này không chỉ bảo vệ người gửi tiền mà còn mở ra những bài học quý giá về quản trị và giám sát trong ngành ngân hàng...

0-dong-6800.jpg

Trong giai đoạn phát triển của hệ thống tài chính Việt Nam, hiện tượng các ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng đã trở thành một dấu mốc đáng chú ý, phản ánh những khó khăn nội tại của ngành ngân hàng.

Xuất hiện lần đầu vào năm 2015, chính sách này được Ngân hàng Nhà nước áp dụng nhằm cứu vãn những tổ chức tín dụng có tình trạng tài chính yếu kém, nợ xấu cao và rủi ro mất khả năng thanh khoản. Việc mua lại ngân hàng với giá 0 đồng không chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền mà còn đảm bảo sự ổn định cho cả hệ thống ngân hàng quốc gia.

Để hiểu rõ hơn về cách mà chính sách mua lại ngân hàng 0 đồng đã được thực hiện, hãy cùng nhìn lại hành trình của ba ngân hàng tiêu biểu: Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank), Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Dầu Khí Toàn Cầu (GP Bank) – những cái tên đã từng một thời rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng và trở thành những trường hợp điển hình cho quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

BÊ BỐI PHẠM CÔNG DANH VÀ “CÚ NGÃ NGỰA” CỦA CBBANK

Trong số ba ngân hàng này, GP Bank và TrustBank (tiền thân của VNCB, nay là CBBank) đã thuộc diện ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu từ tháng 10/2011. Cả hai ngân hàng đều cố gắng tự tái cơ cấu nhưng không thành công, dẫn đến việc Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp.

Đặc biệt, các ngân hàng được mua với giá 0 đồng này đều dính líu đến những đại án kinh tế với thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nổi bật là trường hợp của VNCB với sự liên quan của đại gia Phạm Công Danh.

pham-cong-danh-4320-1574220663-4443.jpg
Cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCB ( nay là CBBank) Phạm Công Danh

Ngân hàng CBBank được thành lập vào năm 1989 với tên gọi đầu tiên là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nông thôn Rạch Kiến.

Đến năm 2007, ngân hàng chuyển đổi mô hình hoạt động từ ngân hàng nông thôn thành ngân hàng thương mại cổ phần đô thị, đồng thời đổi tên thành Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín, viết tắt là TrustBank.

Năm 2012, TrustBank lâm vào tình trạng nợ xấu cao. Ngân hàng Nhà nước không cho phép TrustBank tự tái cơ cấu và yêu cầu báo cáo tình hình tài chính. Sau đó, vào tháng 6/2012, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chuyển nhượng 85% cổ phần của TrustBank cho nhóm cổ đông do Phạm Công Danh đứng đầu.

Với sự tham gia của Tập đoàn Thiên Thanh, do ông Phạm Công Danh làm Chủ tịch, TrustBank chính thức đổi tên thành VNCB vào tháng 5/2013, với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng và tổng tài sản hơn 28.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của ông Phạm Công Danh, VNCB tiếp tục rơi vào tình trạng nợ nần và thất thoát tài chính nghiêm trọng hơn. Ông Phạm Công Danh sau đó bị bắt và kết án tù vì hàng loạt sai phạm, gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng cho VNCB.

Đến tháng 2/2015, VNCB chính thức bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng do âm vốn và thua lỗ nặng. Từ đó Ngân hàng Nhà nước trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ ngân hàng. Sau đó, nhà băng này được chuyển đổi mô hình từ ngân hàng thương mại cổ phần thành ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

HÀNH TRÌNH “0 ĐỒNG” CỦA GPBANK

GP Bank, tiền thân là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nông Thôn Ninh Bình, được thành lập với 5 phòng giao dịch và hoạt động kinh doanh vàng bạc tại tỉnh Ninh Bình, với vốn điều lệ ban đầu là 5 tỷ đồng. Vào năm 2005, nhà băng này đã chuyển đổi mô hình thành ngân hàng đô thị và hoạt động tại Hà Nội, mang tên Ngân hàng Thương mại Cổ phần Toàn Cầu.

Năm 2007, ngân hàng chính thức đổi tên thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Dầu Khí Toàn Cầu, đồng thời nâng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng. Đến năm 2009, vốn điều lệ tiếp tục tăng lên 2.000 tỷ đồng, và đến năm 2010, ngân hàng đạt mục tiêu tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng.

Tín dụng của GP Bank cũng tăng "thần tốc" tới 49,3% so với năm 2009, lên mức 8.905 tỷ đồng dư nợ. Và tỷ lệ nợ xấu chỉ 1,83%, thấp hơn nhiều mức 9,79% hồi năm 2008. Sau cuộc đua tăng vốn và tín dụng "nóng" này, cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc.

Đến năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã phát hiện nhiều vấn đề yếu kém, bao gồm thua lỗ trong hoạt động kinh doanh, âm vốn chủ sở hữu và quản trị kém hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước đã cho phép GP Bank tìm kiếm đối tác để tái cơ cấu, nhưng sau ba năm, các bên liên quan vẫn không thể đạt được phương án khả thi.

Cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước buộc phải mua lại GP Bank với giá 0 đồng và cử các cán bộ của VietinBank tham gia quản lý, điều hành ngân hàng này. Những lãnh đạo cũ của GP Bank, gồm Tạ Bá Long, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị và Đoàn Văn An, cựu Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, đã bị xử tù vì gây thiệt hại gần 4.800 tỷ đồng cho ngân hàng. Mặc dù hoạt động của GP Bank đã dần ổn định sau nhiều năm, nhưng khối nợ xấu lớn và quá trình thu hồi nợ vẫn diễn ra rất chậm chạp.

LỊCH SỬ OCEANBANK: KHỦNG HOẢNG, SAI PHẠM VÀ QUYẾT ĐỊNH "0 ĐỒNG"

Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng, tiền thân của OceanBank, ra đời năm 1993 với vốn điều lệ ban đầu là 17,2 tỷ đồng. Đây là ngân hàng nông thôn đầu tiên và duy nhất tại tỉnh Hải Dương thời điểm đó, tập trung chủ yếu vào việc cho vay phát triển nông nghiệp và nông thôn của tỉnh.

Bước ngoặt lịch sử của ngân hàng đến vào năm 2003, khi tròn 10 năm thành lập, ông Hà Văn Thắm quyết định sở hữu cổ phần và nhanh chóng trở thành Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng. Chỉ sau một năm, ông đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị.

ha-van-tham-8237.jpg
Cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng OceanBank Hà Văn Thắm bị bắt

Dưới sự lãnh đạo của ông Thắm, Ngân hàng Hải Hưng trở thành ngân hàng nông thôn đầu tiên được phép chuyển đổi sang mô hình ngân hàng đô thị. Năm 2007, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank) chính thức ra mắt với vốn điều lệ tăng mạnh từ 170 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, và tổng tài sản đạt 13.680 tỷ đồng.

Chỉ sau 1 năm chuyển đổi sang mô hình ngân hàng đô thị, các chỉ số tài chính của OceanBank đã tăng vọt. Đến cuối năm 2007, tổng tài sản của ngân hàng tăng hơn 13 lần, đạt 13.680 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng gấp 8 lần, trong khi huy động vốn tăng 10 lần, lần lượt đạt 4.706 tỷ đồng và 2.420 tỷ đồng.

Tuy nhiên, phần lớn sự tăng trưởng tài sản này đến từ khoản tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác. Trong năm 2007, OceanBank đã vay hơn 9.300 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng, chiếm gần 70% tổng tài sản, để sử dụng làm nguồn vốn hoạt động.

Sau gần 7 năm, vốn điều lệ của OceanBank tăng hơn 4 lần, đạt 4.000 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản tăng gần 5 lần, chạm mốc 67.075 tỷ đồng vào cuối năm 2013. Tốc độ tăng trưởng tổng tài sản đạt 65% mỗi năm, tín dụng tăng hơn 180% và huy động vốn tăng 167% mỗi năm. Hoạt động kinh doanh của OceanBank cũng thăng hoa, với thu nhập lãi thuần đạt 1.421 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 232 tỷ đồng vào năm 2013.

Trong giai đoạn này, một sự kiện quan trọng là việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trở thành cổ đông và đối tác chiến lược của OceanBank vào năm 2008, thông qua khoản đầu tư tương đương 20% cổ phần. PVN đã cử ông Nguyễn Xuân Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC), làm Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc OceanBank.

Các chỉ số của ngân hàng tiếp tục tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2011-2013 và OceanBank bắt đầu gặp khó khăn nghiêm trọng sau khi ông Thắm bị bắt. Cơ quan điều tra tiết lộ ông Thắm nắm giữ tới 63% vốn ngân hàng thông qua nhiều tổ chức và cá nhân liên quan. Để huy động lượng tiền gửi lớn, ông Thắm đã chỉ đạo cấp dưới chi trả 1.576 tỷ đồng lãi tiền gửi vượt trần cho khách hàng. Trong đó có hơn 1.080 tỷ đồng là lãi ngoài cho khách hàng và 984 tỷ đồng chi lãi vượt trần lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Sau khi PVN trở thành đối tác chiến lược, ông Nguyễn Xuân Sơn đề xuất thêm khoản "chăm sóc khách hàng" ngoài lãi tiền gửi để thu hút vốn từ PVN. Thông qua công ty BSC, ông Thắm đã ký hơn 720 hợp đồng dịch vụ khống để thu về 70 tỷ đồng, khoản tiền này sau đó được chuyển cho ông Sơn.

Trong giai đoạn này, ông Thắm cũng cấu kết với Phạm Công Danh, chủ sở hữu TrustBank (sau là CBBank), để vay 500 tỷ đồng thông qua Công ty Trung Dung dù không đủ điều kiện vay và không có tài sản đảm bảo.

Trước khi ông Thắm và các đồng phạm bị bắt, nợ xấu của OceanBank đã lên tới 50% tổng dư nợ, vốn chủ sở hữu âm hơn 10.000 tỷ đồng và ngân hàng không còn khả năng duy trì lợi nhuận.

Đến tháng 5/2015, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định mua lại OceanBank với giá "0 đồng" và chuyển đổi thành Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank). Quyết định này chính thức khép lại hành trình 22 năm hoạt động của OceanBank dưới hình thức ngân hàng tư nhân, đưa nó trở thành ngân hàng 100% vốn Nhà nước.

Xem thêm

“Mất bò” mới lo mua bảo hiểm

“Mất bò” mới lo mua bảo hiểm

Sau cơn bão Yagi, nhiều người dân mới thực sự nhận ra giá trị của việc mua bảo hiểm. Những thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và kinh tế khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn, và bảo hiểm trở thành giải pháp cần thiết để bảo vệ cuộc sống trước những rủi ro bất ngờ…

Bức tranh tổng quan ngành ngân hàng và triển vọng tăng trưởng năm 2024

Bức tranh tổng quan ngành ngân hàng và triển vọng tăng trưởng năm 2024

Sự phục hồi của nền kinh tế sẽ tiếp tục đẩy nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp tăng cao để mở rộng sản xuất, và đồng thời kích thích tiêu dùng của người dân. Do đó, tăng trưởng tín dụng năm 2024 hoàn toàn có thể đạt 14% - 15%, tiệm cận mức mục tiêu của Chính phủ đề ra...

Vàng sẽ vẫn lấp lánh

Vàng sẽ vẫn lấp lánh

Chúng ta có thể kỳ vọng giá vàng sẽ tăng mạnh hơn nữa do bất ổn địa chính trị, nhu cầu từ các ngân hàng trung ương và kỳ vọng cắt giảm lãi suất...

Có thể bạn quan tâm

Cuộc so tài thiết kế thẻ đen giữa các ngân hàng Việt

Cuộc so tài thiết kế thẻ đen giữa các ngân hàng Việt

Để phục vụ cho nhu cầu của tập khách hàng ưu tiên, các sản phẩm thẻ tín dụng cao cấp cần đáp ứng được các yêu cầu khắt khe từ thẩm mỹ đến chất lượng, vừa mang đến cho khách hàng những đặc quyền ấn tượng, vừa đảm bảo sự bảo mật và chỉn chu trong mọi dịch vụ…

Trải nghiệm làm "thượng đế" trong phòng chờ sân bay của ngân hàng

Trải nghiệm làm "thượng đế" trong phòng chờ sân bay của ngân hàng

Các ngân hàng đang bước vào cuộc đua khốc liệt trong việc nâng cao dịch vụ chăm sóc khách VIP và phòng chờ sân bay trở thành điểm nhấn. Không chỉ là nơi nghỉ ngơi tiện nghi, những phòng chờ này còn phản ánh sự khác biệt và cam kết phục vụ tận tâm của mỗi ngân hàng đối với khách hàng...

Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm có thể bị phạt tới 200 triệu đồng

Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm có thể bị phạt tới 200 triệu đồng

Mức xử phạt bằng tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân cho cùng hành vi vi phạm. Mức phạt tiền đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tối đa là 100 triệu đồng, đối với tổ chức tối đa là 200 triệu đồng...

Ngân hàng rốt ráo phát hành trái phiếu cuối năm

Ngân hàng rốt ráo phát hành trái phiếu cuối năm

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng cải thiện rõ nét và nhu cầu vay vốn đang dần phục hồi, hàng loạt ngân hàng công bố thành công trong việc phát hành trái phiếu, huy động hàng nghìn tỷ đồng...