Đoàn Doanh nhân của Hiệp hội phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD do Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Thị Thu Thủy dẫn đoàn đã tham quan, vãn cảnh chùa Diên Khánh (xã Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên).
Sau đó, đoàn đã cùng các sư thầy, tăng ni, phật tử tại Chùa công đức và dự buổi rót đồng đúc Đại hồng chung tại chùa.
Việc đúc chuông đồng mang lại công đức vô cùng lớn lao, không chỉ thể hiện tấm lòng thành kính ngưỡng mộ đối với Tam Bảo mà còn là hành động gieo trồng phúc đức, gieo duyên lành cho tha nhân, tạo thuận duyên cho mọi người cùng được Tu học, cùng chung hưởng ánh sáng nhiệm màu của Phật pháp.
Chuông đồng là bảo vật tiêu biểu cho Pháp âm, tuy không phát ra thành lời nói, nhưng có thể chuyển tải âm thanh vi diệu của pháp Phật, mà kinh thường gọi là Vô tự chân kinh.
Sau khi thụ cơm chay tại chùa, đoàn tham quan của Hiệp hội phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD đã đến tế lễ tại Đền Mẫu (đền Hoa Dương) tại phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên.
Đoàn cũng đã nghe hướng dẫn viên kể về sự tích thành lập Đền Mẫu, tham quan những thắng cảnh của chùa như cây cổ thụ 700 năm tuổi được kết hợp bởi ba cây sanh, đa, si quấn quýt lấy nhau tạo thế chân kiềng vững chắc bao trùm toàn bộ ngôi đền; hay kiến trúc độc đáo của đền cũng như nhiều di vật quý như kiệu võng, long đình, long sàng, long kỷ có niên đại thế kỷ 18, 19 và 15 đạo sắc phong từ triều Lê đến triều Nguyễn... lưu giữ trong đền.
Du khách thập phương truyền tai nhau rằng khi đến Đền Mẫu xin duyên được duyên, xin điều lành thì ai nấy đều bình an, sức khỏe, công việc làm ăn đều thuận lợi. Đến lễ tại Đền Mẫu, ai cũng phải mang theo cái “tâm” trong sáng, hướng thiện, chớ tham lam, vị kỉ.
Điểm cuối của hành trình là thăm Đền Đa Hòa (Khoái Châu, Hưng Yên) thờ một trong Tứ bất tử của Việt Nam là Chử Đồng Tử - Tiên Dung.
Ngôi đền gồm 18 công trình lớn, nhỏ. Các mái đền mang hình thuyền rồng cách điệu. Từ trên cao nhìn xuống, ngôi đền giống như đoàn thuyền đang quần tụ dập dìu trên sông nước.
Hiện nay đền Ða Hoà còn bảo tồn được nhiều di vật quý hiếm, trong đó có đôi lọ Bách thọ (một trăm chữ thọ không chữ nào giống chữ nào, khắc trên thành lọ bằng gốm), một cổ vật vô giá của dân tộc.
Đền thờ Chử Đồng Tử, còn được gọi là Chử Đạo Tổ - tượng trưng cho lòng hiếu nghĩa, tình yêu, hôn nhân và sự sung túc, giàu có.
Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung mang giá trị văn hoá sâu sắc, là bức tranh về đời sống phong phú, sinh động của người Việt cổ vùng đồng bằng Bắc bộ trong việc khai phá đầm lầy, phù sa ven sông Hồng từ hàng ngàn năm trước. Đây không chỉ là huyền thoại về tình yêu mà còn là bài ca về lòng hiếu thảo, về đạo làm người, là minh chứng cho nền văn minh lâu đời của dân tộc Việt Nam.