Hỗ trợ DNNVV do nữ làm chủ nâng cao năng lực về an ninh mạng

Đa số các nữ doanh nhân cho rằng CNTT rất quan trọng. Tuy nhiên doanh nghiệp của họ vẫn đang trong mối đe doạ cao về an ninh mạng. Do đó cần tạo cơ chế tăng cường bảo vệ cũng như hỗ trợ DNNVV do nữ làm chủ phát triển trong nền kinh tế số...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
2.jpg
Các đại biểu tại phiên thảo luận

Thông tin này được đưa ra tại hội thảo “Sổ tay An ninh mạng dành cho nữ lãnh đạo – Thực tiễn và hành động trong tương lai” do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức tại Hà Nội.

CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG DN DO NỮ LÀM CHỦ CÒN NHIỀU THÁCH THỨC

Tại hội thảo, bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do phụ nữ làm chủ đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, giảm đói nghèo, và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) phát biểu tại hội thảo

Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) phát biểu tại hội thảo

Theo số liệu thống kê sơ bộ, hiện nay số doanh nghiệp (DN) do phụ nữ làm chủ chiếm khoảng 24-25% tổng số DN trong cả nước, 51% doanh nghiệp Việt Nam có phụ nữ nằm trong cơ cấu chủ sở hữu – cao hơn so với nhiều quốc gia khác.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN cho hay, trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, nhiều DN đã thích nghi với việc chuyển đổi số, tuy nhiên cũng còn nhiều DN gặp hạn chế trong am hiểu về kỹ thuật số và hỗ trợ chuyên môn. Trong khi đó, có khoảng 80% DN chưa nhận được hỗ trợ từ nhà nước về hoạt động đổi mới sáng tạo, công nghệ kỹ thuật.

Cũng theo bà Hương, dữ liệu phản ánh về chuyển đổi số cho thấy DN vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Cụ thể, 23,4% DN lo ngại về sự rò rỉ dữ liệu cá nhân, dữ liệu DN trong quá trình chuyển đổi số; 32,1% DN khó chuyển đổi số do năng lực của đội ngũ quản lý còn hạn chế; 40,4% thiếu thông tin về công nghệ số; 45,4% thiếu hạ tầng về công nghệ số; 52,3% thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số; 60,1% khó khăn về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số…

Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ gặp nhiều mối đe doạ về an ninh mạng hơn so với các doanh nghiệp do nam làm chủ.

Ông Đỗ Ngọc Minh – Giám đốc các chương trình đào tạo ngắn hạn, Viện CNTT, ĐHQGHN cho biết thêm, ngoài những nguyên nhân trên chúng ta cũng thấy rất rõ những mối đe doạ an ninh mạng đối với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Một nghiên cứu cho thấy, 98% lãnh đạo nữ cho rằng CNTT rất quan trọng đối với họ. Tuy nhiên các tổ chức của họ vẫn đang trong mối đe doạ cao về an ninh mạng. Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ gặp nhiều mối đe doạ về an ninh mạng hơn so với các doanh nghiệp do nam làm chủ.

Do đó theo ông Minh, cần tăng cường thực thi, nâng cao phòng ngừa xung đột giới, an ninh mạng; tạo ra cơ chế tăng cường bảo vệ cũng như hỗ trợ DNNVV do nữ làm chủ phát triển trong nền kinh tế số.

AN TOÀN THÔNG TIN LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CẢ DOANH NGHIỆP

Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng theo ông Ngô Việt Khôi, chuyên gia về an ninh mạng, dù muốn hay không chúng ta cũng phải chuyển đổi số. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải thực hiện việc đó như thế nào để đảm bảo vấn đề an ninh mạng.

“Theo một nghiên cứu có đến 95% các vụ lộ lọt thông tin là do yếu tố con người. Có những đơn vị nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng những thách thức ảnh hưởng đến chuyển đổi số gồm 7 lý do trong đó có 5 yếu tố liên quan đến con người” – ông Khôi khẳng định.

anh 11.jpg

Nguyên nhân được vị chuyên gia an ninh mạng này đưa ra là do kỹ năng số của nhân viên càng ngày càng cách xa so với những gì chúng ta cần chuyển đổi. “Vậy doanh nghiệp muốn vừa chuyển đổi số vừa muốn an toàn trong điều kiện ngân sách không được xông xênh thì nên đầu tư vào con người” – ông Khôi khẳng định.

Để chuyển đổi số thành công, chuyên gia an ninh mạng Ngô Việt Khôi cho rằng, thứ nhất, phải xác định an toàn thông tin là trách nhiệm của cả doanh nghiệp mà người có trách nhiệm chính là người đứng đầu.

Thứ hai, phải dùng công nghệ để tiếp cận, làm thay đổi nhận thức của con người.

Thứ ba, phải đào tạo thường xuyên để thay đổi được nhận thức về an toàn thông tin, từ đó dần thay đổi hành vi.

Thứ tư, cần cụ thể, số hoá ra để biết bộ phận nào trong doanh nghiệp thường xuyên phải tiếp xúc với khách hàng, phải làm việc nhiều trên web dễ bị lộ lọt thông tin nhất để ra phương án phòng trừ.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Nhật Quang, nguyên Phó chủ tịch VINASA cho rằng, chuyển đổi số là bắt buộc giống như chúng ta phải mở cửa sổ ra để khí trời vào. Tuy nhiên trong khí trời sẽ có bụi bặm, nếu vì sợ bụi bặm mà đóng cửa lại thì chính ta lại nhốt mình lại. Do đó chúng ta nên đón nhận chuyện nguy cơ mất an toàn thông tin khi chuyển đổi số giống như một phần tất yếu của cuộc sống.

Với vấn đề an toàn an ninh mạng, chúng ta không nên nhìn nó ở khía cạnh nguy nhiều hơn cơ”.

“Tôi đi dạy nhưng hỏi ChatGPT thì cái gì nó cũng biết. Tình cảnh này giống như một đoàn người đang chạy thì có một con ngựa vụt qua. Người chạy so với ngựa kiểu gì cũng thua. Nhưng nếu bắt con ngựa về thuần hoá và cưỡi lên lưng nó một cách an toàn thì con người sẽ di chuyển nhanh hơn chạy bộ.

Một thời gian sau chúng ta lại thấy chiếc ô tô chạy vượt qua, ngựa chạy không thể theo kịp. Và con người lại học lái ô tô để điều khiển được nó. Tuy nhiên khi lái ô tô sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ như tai nạn, phóng nhanh vượt ẩu… Cho nên với vấn đề an toàn an ninh mạng, chúng ta cũng không nên nhìn nó ở khía cạnh nguy nhiều hơn cơ” – TS. Quang nói.

Để triển khai chuyển đổi số trong doanh nghiệp thành công, theo TS. Quang cần đủ 3 yếu tố đó là con người, công nghệ và thể chế bao gồm thể chế của nhà nước và thể chế nội bộ doanh nghiệp...

Có thể bạn quan tâm