Họa sĩ Nguyễn Linh: Không có tiền, không chơi được gì cả!

Họa sĩ Nguyễn Linh vốn là một tay chơi đẳng cấp ở đất Hà Thành. Nguyễn Linh chơi đồ cổ, chơi xe phân khối lớn, chơi xe đạp “Pơ-giô”, chơi búp bê đầu gấu và chơi “tranh pháo”...
Họa sĩ Nguyễn Linh: Không có tiền, không chơi được gì cả!

Họa sĩ Nguyễn Linh vốn là một tay chơi đẳng cấp ở đất Hà Thành. Nguyễn Linh chơi đồ cổ, chơi xe phân khối lớn, chơi xe đạp “Pơ-giô”, chơi búp bê đầu gấu và chơi “tranh pháo”. Đấy đều là những thú chơi “ngốn tiền kinh khủng” như lời ông tự nhận, nhưng tiền cũng chỉ là một cạnh của tam giác CHƠI, cùng với đam mê và kiến thức.

Họa sĩ Nguyễn Linh

Nhìn bề ngoài, Nguyễn Linh trông không khác một ông trông xe. Mà ông trông xe thật, dắt xe cho khách hàng vào tiệm cơm Phố nổi tiếng từ vài chục năm trước trên phố Lê Văn Hưu của nhà ông. Ít ai nghĩ ông là hoạ sĩ, là dân chơi có số má ở đất Hà Thành.

LIỀU THUỐC CHO "CHỨNG ĐIÊN" LÀ... HẾT TIỀN

Chỉ nững tay chơi đồ gốm Lý Trần những năm 1980 mới biết Nguyễn Linh với biệt hiệu Linh “Gốm hoa nâu”. Bởi tại thời điểm đó, bộ sưu tập ông vừa lớn về số lượng cũng như chất lượng, lại trội về kỹ thuật, chủng loại. Hầu như không thiếu một đề tài nào.

Nguyễn Linh chính là người giữ nhiều nhất những chiếc thạp lớn, quý giá, thậm chí có nhiều chiếc được coi là độc nhất vô nhị. Chúng là ước muốn của dân chơi đồ cổ, cũng như của các bảo tàng cổ vật không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.

gốm hoa nâu

Tuy nhiên, cuộc sống và cuộc chơi, luôn có thể không theo ý của ai cả. Không bao giờ, Nguyễn Linh nghĩ rằng mình chơi cái gì vì tiền mà vì đó là những giá trị khó đong đếm, không sao tính được lỗ hay lãi bởi nó chẳng phải sự đầu tư, mà chỉ đơn giản là một cuộc chơi của duyên phận.

Cách đây khoảng 10 năm, khi bộ sưu tập đồ gốm thời Lý - Trần của ông đạt đến ngưỡng mà Nguyễn Linh tự thấy là đủ và đặc sắc bởi chúng phản ánh gần như những tinh hoa về văn hóa cũng như sự riêng biệt của Gốm Việt trong lịch sử của những dòng gốm lớn thế giới, thì bỗng nhiên ông cảm thấy có điều gì đó không ổn theo khía cạnh tâm linh.

Điều này rất khó giải thích. Âu cũng là số trời, chỉ trong vòng hai tuần, Nguyễn Linh chia tay bộ sưu tập yêu quý tới mất ăn mất ngủ, với một tâm trạng mà đến giờ này, ông cũng không thể lý giải nổi. Và vẫn có nhiều điều day dứt khiến ông bỏ hẳn thú sưu tập trong một thời gian dài, không còn muốn chơi gì nữa.

Thế rồi cách đây 6 năm, bỗng nhiên, Nguyễn Linh lại “nổi máu” của một kẻ ham chơi sưu tập. Không chơi món này, ông sẽ chơi món khác, đó là nghiệp, tưởng như chúng chìm xuống, nhưng hóa ra không, chúng luôn âm ỉ trong lòng và tới một ngày nào đó, chúng “chuyển hóa” sang thể khác.

Thế là Nguyễn Linh chuyển sang chơi xe phân khối lớn và xe đạp Peugeot. Và đấy cũng là một cuộc chơi cực kỳ tốn kém bởi mỗi chiếc motor phân khối lớn của Harley - Davidson, Triumph, BMW đều có giá từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng. Trong khi đó, mỗi chiếc xe đạp Peugeot trong bộ sưu tập lên đến cả trăm chiếc của ông cũng có giá từ vài chục triệu đồng trở lên.

xe đạp Peugeot
xe đạp cổ
xe đạp

Đứng trước bộ sưu tập xe cộ của mình, Nguyễn Linh chiêm nghiệm: “Tôi cho rằng, tất cả những người đam mê một thứ gì đó, họ đã bỏ nhiều thời gian công sức, tiền bạc, và gạt bỏ những ham muốn khác chỉ để dành trọn vẹn cho thứ mà họ đã “phải lòng” đắm đuối.

Tất cả bọn họ đều mắc căn bệnh thần kinh hay chứng điên vô phương cứu chữa. Liều thuốc duy nhất cho căn bệnh đó là hết tiền, và họ luôn lâm vào tình trạng cháy túi, bởi cứ có tiền, là họ phải đi lùng bằng được thứ đồ họ thích. Tôi nói thật, mọi sự sưu tập, đều có thể ra tiền, rất nhiều tiền”.

Thế nhưng, Nguyễn Linh lại không đặt tiền lên hàng đầu vì thế là làm tầm thường thú chơi. Với ông, để chơi được thứ gì, ngoài điều kiện tiền bạc, đầu tiên phải có duyên với thú chơi đó. Sau khi đủ duyên thì chơi gì, chơi như thế nào còn là nghiệp và phụ thuộc khá nhiều vào trình độ, ý thức, và tư duy của mỗi dân chơi.

Một tay chơi chuyên nghiệp khác với những người “chơi theo mốt” ở điểm: Đây là một sự đam mê không có hồi kết, chúng theo đuổi cả đời, không thể có chuyện chơi từ 5 đến 10 năm được, mà họ chơi có bài, có bản, có chủ đích.

Họ thích hàng độc, buộc phải hiểu biết và tự trang bị cho mình những kiến thức cao sâu, có tài chính tốt, quan hệ cũng như lăn lộn trong các cuộc chơi, trong thế giới mà họ chơi. Điểm quan trọng tiếp theo, đó là bản lĩnh, sự lì lợm chứ không chỉ là lòng kiên nhẫn.

Chơi, với Nguyễn Linh, không có nghĩa là nhìn số lượng, mà hãy nhìn vào chất lượng và phong cách lẫn ý nghĩa của cách chơi. Với ông, nghề chơi nào cũng rất công phu, nếu chơi hời hợt, thì bộ sưu tập sẽ không có số má, không đạt ở mức có giá trị cao.

CHƠI XE THÚ VỊ, KÍCH THÍCH VÀ AN TOÀN

Từ chơi đồ cổ chuyển sang chơi xe cộ là một bước chuyển lớn. Nguyễn Linh cho rằng cứ chơi cái gì không dính dáng đến yếu tố tâm linh là hay hơn cả. Ông thích cách chơi xe và độ xe theo ý thích riêng của mình. Ngắm chúng, loay hoay với chúng, cũng là cách ông hưởng thụ.

Việc đi trên những con xe mình ưa thích cũng là một thú vui. Thời tiết đẹp là ông xách xe ra đường café dạo phố với “đồng đội” của mình, kiểm tra độ chuẩn của máy móc. Đi đường, hễ nghe tiếng nổ pành pành của một “con” Harley là như một phản xạ bắt ông phải quay về hướng xe chạy và thưởng thức thứ âm thanh đó.

pedan xe đạp
tranh của Nguyễn Linh
phụ tùng xe đạp
họa sĩ Nguyễn Linh với thú chơi xe đạp
họa sĩ Nguyễn Linh với xe đạp Peugeot

Ngoài những quái thú  Harley - Davidson và Triumph, những năm gần đây, Nguyễn Linh lại đam mê với những chiếc xe đạp Peugeot. Đây lại là một câu chuyện dài như lời ông kể.

“Hồi sinh viên ở những năm 1980, tôi đã đi học bằng xe đạp Peugeot màu da đồng. Phải nói hồi đó, gia đình tôi cũng thuộc hàng khá giả, nên mẹ tôi mới sắm cho con trai một chiếc xe có giá trị bằng một ngôi nhà mặt phố thuở đó. Cho tới giờ, khi mẹ tôi đã đi xa, tôi vẫn luôn trân trọng giữ gìn chiếc xe kỷ vật ấy.

Nó vẫn đẹp một cách lộng lẫy, bởi thực ra, chiếc xe đó luôn để treo trên tường là chính, chỉ lúc nào Tết nhất mới bỏ ra để đi. Tôi rất mê đồ cơ khí, nhất là những chiếc xe đạp, xe máy, bởi chúng gắn liền với những ước mơ, kỷ niệm của người Hà Nội”, Nguyễn Linh kể.

          

Phải đến khi chơi ở mức sâu, Nguyễn Linh mới ngỡ ngàng và thực sự hạnh phúc khi khám phá vẻ đẹp của những chiếc xe được thiết kế chi tiết đẹp đẽ như thế nào. Đặc biệt là những chiếc xe được thực hiện “handmade” thủ công bởi những nghệ nhân tài hoa vào những năm 1925.

          

Đây là những năm tháng gắn liền với cuộc cách mạng về công nghệ cũng như sáng tạo về phương tiện giao thông ra đời thay thế cho xe ngựa không chỉ ở nước Pháp mà còn mang tính toàn cầu. Những nghệ nhân với tay nghề siêu việt của mình đã vẽ và trang trí cho những chiếc xe hiếm, độc mà cho tới tận bây giờ nhìn chúng vẫn thu hút mê hồn bởi vẻ đẹp tinh tế, lịch lãm.

Trong hơn 100 năm phát triển của hãng Peugeot, giới sưu tập xe đạp ở Việt Nam cũng như trên thế giới đều thích quan tâm đến những chiếc xe cổ từ những năm 1925 đến 1972. Ở Việt Nam, con xe “Lơ” màu da đồng cổ ngắn của giai đoạn 1979 - 1982 vẫn được giới sành chơi săn đón bởi nó rất đẹp và gắn chặt với tuýp người Hà Nội giàu có, những “tay chơi” phố cổ, con nhà giàu.

Một chiếc xe như vậy thường là cả niềm hãnh diện của chủ nhân trong thời kỳ bao cấp. Những cao thủ có số má thì chọn dòng xe cổ như phanh gầm, chéo tám, sơn màu đỏ hoặc màu đu đủ. Xe xịn phải là xe “còn zin”, mới, không trầy xước, phụ tùng đúng chuẩn.

Những chiếc xe đạt đủ điều kiện như vậy có giá hàng trăm triệu đồng. Thực ra, đối với dân chơi, chỉ cần sở hữu một bộ phanh gầm, hay chéo tám các màu, các đời, cũng đã đánh giá được tay chơi ấy thuộc tầm cỡ oách. Thế nhưng, Nguyễn Linh lại có tới hàng chục con xe “oách” như thế.

Harley - Davidson

Để sở hữu được bộ sưu tập này, ngoài tiền bạc thì Nguyễn Linh còn mất kha khá thời gian. Không chỉ để săn lùng mà còn là chăm sóc cho từng chiếc xe đạp. Thế nên, lau xe, lắp ráp xe cũng như ngắm xe hàng ngày là một sở thích của ông. Những chiếc xe này chỉ có ông lau chùi bởi ông biết phải lau thế nào cho không bay lớp sơn sống.

Lau cả trăm chiếc xe đạp nghe có vẻ điên, nhưng rõ ràng đã bập vào chơi là điên hết thuốc chữa rồi còn gì. Những lúc ngồi ngắm xe, Nguyễn Linh hài lòng với cơn điên của mình và thấy rằng, đến một lúc nào đó, nhu cầu chơi của mình còn lớn hơn như cầu ăn ngon, mặc đẹp hay kiếm được nhiều tiền.

TAM GIÁC CHƠI: ĐAM MÊ - HIỂU BIẾT - TIỀN BẠC

Theo quan điểm của Nguyễn Linh chia sẻ, với dân chơi xe đạp Peugeot thì đẳng cấp cũng như sự thú vị trong cuộc chơi của họ chính là sưu tập phụ tùng của xe. Nó không khác gì đang tìm săn xe như một cuộc chơi kỳ thú.

Ông có những món phụ tùng độc như đèn gáo có giá hàng chục triệu đồng mà giới chơi xe đã đố nhau nhiều năm trời cũng không săn được, hay chiếc yên xe Idean mỏ quạ cũng rất đắt mà chưa nhìn thấy cái thứ hai…

xe đạp cổ

Hiện tại, Nguyễn Linh đang sở hữu 92 chiếc xe Peugeot. Theo ông, đã là dân sưu tập thì số lượng cũng không thể khẳng định “số má” của cuộc chơi, tất nhiên, có nhiều cách chơi, nhưng kiếm được xe như của ông đến thời điểm này, cho dù người khác có rất nhiều tiền, cũng khó có thể làm được.

Sau hơn 60 năm cuộc đời (hoạ sĩ Nguyễn Linh sinh năm 1961-NV), ông thấy rằng tiền là yếu tố quan trọng để phục vụ thú chơi, nhưng vai trò của nó cũng chỉ ngang bằng với đam mê và kiến thức của người chơi. Chúng tạo thành một tam giác đều CHƠI hoàn chỉnh.

họa sĩ Nguyễn Linh

Không có đam mê, không ai lại đi vác một “đống rác” về nhà để chơi cả, và quan trọng hơn, không có đam mê thì thú chơi có thể tắt ngóm trong ngày một ngày hai. Không có kiến thức thì đúng là đổ tiền ra để “vác rác thật” về nhà vì thiếu hiểu biết nên bị lừa bởi đám cao thủ lừa đảo đầy rẫy trong nghề chơi.

Còn rõ ràng, phải có tiền thì mới chơi được, mới duy trì được đam mê, mới có cơ hội bổ sung kiến thức qua mỗi lần giao dịch. Có tiền thì mới sở hữu được món đồ quý giá để xây dựng bộ sưu tập chứ không phải mua về để bán lại kiếm tiền. Dân chơi đẳng cấp không bao giờ nghĩ đến chuyện kiếm lời từ thú chơi của mình.

Vậy nên, đã là nhà sưu tập thì phải luôn tìm hiểu về cái mình chơi, cuộc chơi của mình nó mới hay và có tầm cỡ để thưởng thức. Và phải biết trân trọng những gì mình có cơ may sở hữu được bởi khi mua được một món đồ ưng ý có nghĩa là mua được cả niềm vui và sự tự hào của người chủ của nó.

Bài: AnMustang
Ảnh: Lion Nguyễn
Thiết kế: Hoàng Nam
Kỹ thuật: AICMS

Có thể bạn quan tâm

Khám phá những lễ hội mùa đông đẹp nhất thế giới

Khám phá những lễ hội mùa đông đẹp nhất thế giới

Mùa đông là thời điểm tuyệt vời để khám phá các lễ hội độc đáo trên khắp thế giới. Từ hội chợ Giáng sinh ở London cho đến lễ hội ánh sáng Amsterdam, mỗi sự kiện đều hứa hẹn mang đến trải nghiệm khó quên…

Nhật ký Gapado: Tha thứ!

Nhật ký Gapado: Tha thứ!

Mang danh một nhà văn, tôi phải đến những nơi này, để hiểu thấu được từng nỗi đau của dân tộc tôi và của các dân tộc trên thế giới đã từng trải qua chiến tranh...

Nhật ký Gapado: Đảo mèo hạnh phúc

Nhật ký Gapado: Đảo mèo hạnh phúc

Vẫn tâm trạng háo hức của kẻ đang khám phá vùng đất mới. Sáng thường ngủ dậy muộn nên bữa sáng cũng gần với bữa trưa, xong xuôi tôi ngồi vào bàn viết để ngắm nhìn bầu trời trong xanh trước mặt và đám cây cỏ...

Nhật ký Gapado: Chào xứ Hàn bằng… đặc sản “mùi”

Nhật ký Gapado: Chào xứ Hàn bằng… đặc sản “mùi”

Ra khỏi nhà, khi bước chân đầu tiên của tôi đặt chân lên con đường đất dường như gặp lại tuổi thơ của mình và tôi đã nhìn thấy một cô bé 5 tuổi trong cánh đồng hoa bướm, cô bé đó như đang đuổi bắt một con bướm. Tim tôi đã ngân lên những nốt nhạc...

Khám phá xứ sở thần tiên ở phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ

Khám phá xứ sở thần tiên ở phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ

Từ những bậc thang travertine trắng xóa đến những hồ nước khoáng kỳ diệu, Pamukkale không chỉ là một kỳ quan thiên nhiên mà còn là nơi giao thoa giữa lịch sử, văn hóa và vẻ đẹp huyền bí của Thổ Nhĩ Kỳ…

Khát vọng du lịch sinh thái, xanh hóa đảo Cát Bà

Khát vọng du lịch sinh thái, xanh hóa đảo Cát Bà

Tiềm năng phát triển du lịch "xanh" tại Cát Bà là rất lớn, việc phát triển các sản phẩm du lịch gần gũi với thiên nhiên không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao nhận thức của cộng đồng về du lịch bền vững...