CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL; Mã: HAG) và công ty con niêm yết cùng sàn – là CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico; Mã: HNG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất và riêng công ty mẹ sau kiểm toán năm 2017.
Cả 4 báo cáo cũng được hoàn tất kiểm toán và ký phát hành vào ngày 30/03/2018. Như vậy, sau nhiều văn bản cảnh báo từ phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HAG và HNG đã kịp thời công bố các BCTC trước hạn, giúp nhóm công ty tránh được nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc.
Sau kiểm toán của Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY), lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của HAG chỉ còn 371,6 tỷ đồng – giảm 660,9 tỷ đồng (64%) so với kết quả tương ứng tại BCTC hợp nhất Quý IV/2017 (1.032,5 tỷ đồng).
Sự khác biệt này xuất phát từ thay đổi tại 3 khoản mục chính là lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh giảm 118 tỷ, chi phí tài chính tăng 206 tỷ và lợi nhuận khác giảm 290 tỷ đồng.
Theo HAGL, chi phí tài chính tăng sau kiểm toán do chênh lệch lãi suất đi vay và cho vay lại của các công ty con 130 tỷ đồng, cùng với thuế nhà thầu tại nhóm công ty Lào, Campuchia tăng 12 tỷ đồng.
Với chi phí khác, sự thay đổi chủ yếu do dự phòng thanh lý Công ty Điện Nậm Kông 3 mất 134 tỷ đồng, tăng chi phí chuyển đổi vườn cây cọ dầu sang trồng cây ăn trái của các công ty con bên Lào 50 tỷ đồng, tăng chi phí chăm sóc vườn cây cao su, cây ăn trái gần 91 tỷ đồng và tăng chi phí thanh lý tài sản gần 10 tỷ đồng.
Nguyên nhân chênh lệch chủ yếu đến từ tăng giá vốn hàng bán, tăng chi phí tài chính, tăng lỗ công ty tài chính, tăng chi phí quản lý doanh nghiệp, tăng chi phí khác, giảm lãi dịch vụ tư vấn, giảm chi phí thuế TNDN hiện hành và tăng chi phí thuế TNDN hoãn lại, tăng dự phòng các khoản phải thu và các khoản phải thu khác.
Vấn đề tương tự cũng xảy ra với HNG. Từ mức tự công bố tại BCTC Quý IV/2017 là 918,5 tỷ đồng, sau kiểm toán của EY, HNG chỉ còn lãi ròng 530,5 tỷ đồng (-388 tỷ đồng).
Trong quá trình kiểm toán BCTC hợp nhất năm, EY đã đề nghị HAGL Agrico điều chỉnh nhiều số liệu như: tăng chi phí tài chính, tăng chi phí chăm sóc vườn cây cao su, giảm lợi nhuận chưa thực hiện của các công ty nội bộ và công ty liên kết, tăng chi phí khác, tăng chi phí trích trước phải trả, trích dự phòng của các khoản phải thu, lỗ từ công ty liên kết.
Theo ban lãnh đạo công ty, các khoản chênh lệch này là sai sót chuyên môn của các nhân viên kế toán và lượng nghiệp vụ quá nhiều để hoàn thành báo cáo trong thời gian quy định. "Chúng tôi cam kết sẽ rút kinh nghiệm và hạn chế sai sót tương tự trong tương lai", văn bản giải trình của HAGL viết.
>> Lợi nhuận Hoàng Anh Gia Lai "bốc hơi" 118 tỷ đồng sau soát xét