Hoạt động sản xuất của Mỹ tiếp tục sụt giảm vào tháng 6/2023, chạm gần tới mức thấp nhất của 3 năm trước, thời điểm quốc gia này quay cuồng với làn sóng đầu tiên của đại dịch Covid-19.
Sự thu hẹp trong hoạt động khiến các nhà máy buộc phải sa thải nhân công, cuộc khảo sát từ Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cho thấy hôm 3/7. Chủ tịch Ủy ban Khảo sát Kinh doanh Sản xuất ISM Timothy Fiore, cho biết thực trạng này đang diễn ra ở mức độ lớn hơn so với những tháng trước.
Nhìn chung, kết quả từ cuộc khảo sát của ISM là khá tương đồng với một nền kinh tế đang đi vào suy thoái. Nhưng những dữ liệu cứng, chẳng hạn như bảng lương phi nông nghiệp, đơn xin trợ cấp thất nghiệp và chi tiêu xây dựng nhà ở, lại cho thấy nền kinh tế tiếp tục phát triển.
Những lo ngại về rủi ro suy thoái đã và đang đè nặng lên tâm lý doanh nghiệp và người tiêu dùng, với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lên 5 điểm phần trăm kể từ tháng 3/2022, mở đầu cho chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất trong hơn 40 năm.
Andrew Hunter, phó giám đốc kinh tế Hoa Kỳ tại Capital Economics, cho biết: “Những dữ liệu về hoạt động sản xuất đang cung cấp thêm lý do để nghi ngờ rằng một cuộc suy thoái đang đến gần”.
Chỉ số PMI sản xuất của ISM đã giảm xuống mức 46 điểm vào tháng trước, thấp nhất kể từ tháng 5/2020. Đây cũng là tháng thứ tám liên tiếp PMI ở dưới ngưỡng 50 điểm, điều này cho thấy một khoảng thời gian thu hẹp dài nhất trong lĩnh vực sản xuất kể từ cuộc Đại suy thoái trong những năm 1930.
Lĩnh vực sản xuất, chiếm 11,1% nền kinh tế Mỹ, đã giảm xuống mức 5,3% hàng năm trong quý đầu tiên, dữ liệu của chính phủ cho thấy vào tuần trước. Tuy nhiên, một số khía cạnh vẫn duy trì được nhu cầu vững chắc, ví dụ như thiết bị vận tải. Đây cũng là ngành duy nhất trong sáu ngành công nghiệp hàng đầu báo cáo tăng trưởng vào tháng trước. Nhưng ngay cả như vậy, các nhà sản xuất thiết bị vận tải bày tỏ lo ngại rằng doanh số bán hàng trong quý hai có thể giảm khiến lượng tồn kho gia tăng.
Ngoài thiết bị vận tải, in ấn, các sản phẩm khoáng sản phi kim loại và kim loại cơ bản đều tăng trưởng trong tháng 6. 11 nhóm ngành nghề trượt giảm bao gồm sản phẩm gỗ, nhà máy dệt, thiết bị điện, thiết bị và linh kiện, máy móc và sản phẩm máy tính, điện tử.
Ngoài chi phí cho vay tăng cao, sản xuất cũng đang bị suy yếu do chi tiêu người tiêu dùng có xu hướng chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ. Do đó các doanh nghiệp cũng đang thận trọng quản lý hàng tồn kho để đón đầu thực trạng nhu cầu suy yếu.
Theo báo cáo của các nhà sản xuất máy móc, số lượng đơn đặt hàng và hoạt động kinh doanh ổn định với lượng tồn đọng vừa phải, nhưng các đơn đặt hàng tiềm năng mới dường như đang bị đẩy lùi sang năm 2024.
Hiệu suất giao hàng của các nhà cung cấp cho các tổ chức sản xuất cũng nhanh hơn trong chín tháng liên tiếp, dẫn đến tình trạng giảm lạm phát hàng hóa. Nhưng lạm phát dịch vụ, hiện là trọng tâm chính, vẫn còn khó khăn khi thị trường lao động thắt chặt, cũng như giá thuê nhà cao hơn.
Trong khi sản xuất đang xấu đi, thị trường nhà ở dường như đang hồi sinh, nhờ vào sự khan hiếm nhà ở.
Một báo cáo riêng từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy chi tiêu cho xây dựng khu dân cư đã phục hồi 2,2% trong tháng 5 sau khi giảm 0,9% trong tháng trước, với khoản đầu tư vào các dự án nhà ở dành cho một hộ gia đình tăng 1,7%.
Điều đó đã góp phần thúc đẩy tổng chi tiêu xây dựng tăng 0,9% trong tháng 5 sau khi tăng 0,4% trong tháng 4.
“Phân khúc nhà ở đã được hưởng lợi từ nhu cầu mới trong khi lượng nhà bán hiện tại vẫn ở mức thấp vì chủ nhà không có nhiều động lực để bán trong một thị trường bất động sản như hiện nay”, ông José Torres, chuyên gia kinh tế cấp cao của Interactive Brokers nhận xét.